“Anh, dẫn Cò đi tập bơi nhé, nó mong bố từ chiều đấy?”, tôi lên tiếng khi chồng vừa về đến nhà. Anh không nói gì…
Vẫn im lặng.
“Anh sao vậy?”, “Cô đừng làm tôi điên lên nữa”, chồng tôi bất ngờ thét lên. Tiếng thét khiến cho thằng bé sợ quá chạy trốn vào phòng.
“Sao anh lại thế chứ, chỉ là đưa con đi tập bơi thôi mà”, tôi cố dịu giọng.
“Tôi đã bảo cô im đi”.
“Anh đang có chuyện gì không vui?”.
“Cô thì biết cái gì. Cô ngu lắm”.
“Anh…”.
…
Thỉnh thoảng giữa vợ chồng tôi cũng có những lúc lời qua tiếng lại, cũng có những lần anh nặng lời với vợ con, nhưng chưa khi nào anh nổi nóng một cách vô lối và dùng những lời lẽ làm tôi choáng váng như vậy. Cảm giác uất ức khiến tôi muốn khóc. Tôi không thể chịu được nữa. Tôi giận dữ kéo con ra cửa với ý nghĩ sẽ rời khỏi con người đáng sợ kia mãi mãi. Nhưng, tôi đã không làm vậy. Tôi cùng con ra chợ, dạo một vòng, hít thở, trút bỏ không khí nặng nề, chờ cho cơn giận nguôi bớt.
Và, tôi biết mình đã làm đúng.
Ngày hôm đó ở công ty, chồng tôi gặp một sự cố ngoài ý muốn. Lô hàng tuần trước bị trả lại vì không bảo đảm chất lượng, công ty bị thất thu nặng và người phải chịu trách nhiệm trong việc đó là chồng tôi. Chồng tôi chìm trong nỗi giận dữ. Anh giận chính mình. Chưa khi nào anh thấy giá trị của mình bị hạ thấp như vậy.
Khi tức giận, người ta thường mất hết lý trí, kéo theo đó là không điều khiển được những hành vi, lời nói của mình. Một phản ứng rất vô lý nữa là dễ trút giận vào những người gần gũi, thân thiết nhất của mình. Ta dễ dàng gây chiến, xúc phạm họ vì bất cứ việc gì. Sự giận dữ vô lý của chồng tôi là có thể hiểu được.
Việc của tôi lúc này là gì?
Xúc phạm lại anh như anh đã xúc phạm mình? Vô ích.
Bỏ đi, mang theo nỗi lòng nặng trĩu? Không phải là một cách tốt.
Tôi quay về nhà, tìm cách xoa dịu nỗi giận dữ trong anh và lắng nghe anh kể lại mọi chuyện. Thế là đủ, chỉ cần lắng nghe. Rõ ràng, tôi không có gì đáng trách khi bảo anh dẫn con đi tập bơi, và tất nhiên càng không dính dáng gì đến việc ở công ty của anh. Tôi không có lỗi, tôi có quyền giận anh. Nhưng, phân định đúng sai lúc này chẳng có ý nghĩa gì. Tôi hiểu và thông cảm với cảm xúc cũng như phản ứng tâm lý của chồng. Anh đã làm tổn thương tôi một cách không cố ý.
Vì tôi là vợ anh. Tha thứ cho anh, không để cho mình bị tổn thương là cách tốt nhất giúp cho tâm trạng tôi nhẹ nhàng trở lại.
Một thời điểm thuận tiện khác, tôi sẽ cho anh biết những cảm xúc mà tôi đã nhận chịu từ sự việc anh gây ra. Anh chắc chắn cũng sẽ thừa nhận bản tính không hay đó của mình và cố gắng để chuyện như thế không lặp lại nữa.
Theo Xuân Ca
PNO