ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Giữ hồn làng nghề cho 1000 năm Thăng Long
Friday, February 26, 2010 16:06
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Cả nước đang có rất nhiều hoạt động để hướng về thời khắc Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Hòa chung trong đó, những nghệ nhân tại các làng nghề ở Hà Nội cũng đang cố gắng thể hiện hết sức mình, với mong muốn giữ hồn làng nghề của thủ đô góp phần tạo ra bản sắc riêng cho Hà Nội…

Đí đốp Kiêu Kỵ


Mặc dù vẫn đang trong “tháng ăn chơi” nhưng tại Kiêu Kỵ, cả làng đã vào “vụ”. Chỉ cần bước chân tới đầu làng, khách lạ ngay lập tức được tận hưởng âm thanh quen thuộc ở đây. Đó là những tiếng đí, đốp, đí, đốp, đí, đốp… Nghe thì tưởng như cả làng đang giã giò. Nhưng, đó là tiếng đập quỳ khoan mau, thưa nhặt của những người thợ tài hoa có thể tán 1 chỉ vàng bằng hạt đỗ tương ra 1m2 vàng lá để “sơn son, thếp vàng” cho các công trình văn hóa tín ngưỡng trải dài từ Nam chí Bắc…


Anh Nguyễn Anh Chung- thư ký Hiệp hội làng nghề Kiêu Kỵ -là một trong 5 người ít ỏi ở Kiêu Kỵ và cả nước có thể giát được 1 chỉ vàng ra 1000 lá quỳ có cạnh dài 3cm ( nếu xếp liền nhau sẽ được hơn 1m2) và
phải mất tới 40 công đoạn mới sản xuất ra được một quỳ vàng.


Đầu tiên là khâu lướt lá giống. Lá giống ở đây là giấy dó (loại dùng để in tranh Đông Hồ). Để làm lá giống, phải mua nhựa thông về đun lấy muội đèn, dùng muội ấy giã với keo trâu (da trâu), giã nửa ngày đến 1 ngày sau đó bỏ ra lọc thành nước và cho vào lướt lá giống. Lá giống sau khi lướt được cho vào luộc sôi sau đó bóc, đập, ép làm tất cả 4 lần, bóc xong lại đập sau đó cho ra lướt rồi lại đập cho nhẵn ra. Từ khâu đun mực cho tới ra lá giống khoảng 25 công đoạn.


Khi có lá giống rồi là tới khâu “đập diệp”, từ thỏi vàng tán ra thành dây có bề ngang 1cm. Sau khi đập diệp, dây vàng được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá giống. Mỗi quỳ là 500 lá giống, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá. Khâu này gọi là Long quỳ.


Theo những nghệ nhân của làng nghề Kiêu Kỵ, loại búa để long quỳ là loại chuyên dụng được làm theo đơn đặt hàng. Thân búa được làm bằng gỗ sưa. Búa gõ vàng nặng 1,5 kg, búa gõ bạc nặng 1,8 kg. Người thợ gõ quỳ không cầnnhanh hay khỏe mà quan trọng là phải gõ đều tay. Kỹ thuật gõ quỳ rất khó, nhanh quá quỳ sẽ nóng, lá vàng ở trong quỳ sẽ tan, biến mất. Trung bình cứ 1,5 tiếng sẽ chora 3cm2.


Khi lá vàng đã đạt độ mỏng tuyệt đối thì đến khâu trại quỳ- nghĩa là gỡ quỳ ra và xếp vào thành cọc . Một chỉ vàng dưới tay những người thợ tài hoa Kiêu Kỵ ra được 1000 lá vàng, mỏng đến mức khi mở ra không được bật quạthay thở mạnh bởi chỉ một cơn gió hay một cái miết tay, lá vàng đã tan ra thành vụn cám.


“ Xưa mỗi khi long quỳ, trại quỳ là các cụ phải thả màn để tránh gió. Những người vụng về, vô ý không bao giờ được các cụ cho trại quỳ”, anh Chung cho biết.

Ấm Tử Sa ở Bát Tràng…

Theo các chuyên gia về trà, dù chỉ đứng hàng thứ 4 trong “ Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm”, nhưng ấm trả lại có dáng vẻ đặc biệt nhất trong văn hóa uống trà. Nó chứa đựng tâm thức của con người, ủ những điều thanh tao của một thú chơi tao nhã… Với những người có chuyên môn, ấm Tử Sa “chuẩn” có nguồn gốc từ Nghi Hưng- Giang Tô- Trung Quốc, được làm từ đất có pha cát tím, có đặc tính hấp thụ hương trà, càng sử dụng lâu ấm càng có giá trị vì hương trà quyện vào. Đặc biệt ấm Tử Sa càng cũ càng… quý vì ấm cũ chỉ cần rót nước sôi vào rồi rót ra chén là đã có hương trà (khi uống có mùi vị đượm tựa như uống trà). Chính vì vậy, không phải ai cũng có sẵn tiền để mua loại ấm này. Nhiều người mê ấm Tử Sa sang tận Giang Tô mua ấm về nhưng hàng dởm nhiều hơn hàng thật.

P12-13-01
Ấm Tử Sa


Nhưng, hiện nay, tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), những bộ ấm Tử Sa Bát Tràng không kém gì ấm Tử Sa ở Nghi Hưng- Giang Tô đã xuất hiện. Tác giả của những chiếc ấm này là nghệ nhân Vương Tuấn…


Bước chân vào xưởng sản xuất của nghệ nhân Vương Tuấn, bất cứ người nào cũng có cảm giác bị choáng, bởi có thể tận mặt nhìn thấy ấm Tử Sa dãy ngang, dãy dọc cả ngàn bộ. Cái còn đang ướt, màu đất mộc mướt mượt, cái đã “qua lửa” nâu mịn một màu hoặc sắc tím đen như Tử Sa Giang Tô, miệng chén bịt đồng trắng sáng lấp lánh.


Anh Tuấn bảo: “Ấm Tử Sa, chén Tử Sa soi lên thấy ánh cát lấp lánh, gõ kêu lanh canh còn ấm dởm âm thanh kêu đục, dùng lâu bị thấm ẩm ra ngoài”. Để chứng thực lời nói của anh, tôi thử lấy hai chiếc chén gõ vào nhau, rõ ràng nghe âm thanh của đất rất trong, lanh canh chứ không lục bục. Gõ càng mạnh tiếng càng thanh, càng đanh mà lạ là không vỡ, đập mạnh cũng không vỡ.


Không cần nghe tôi thắc mắc về sự “cứng” của những chiếc chén, Vương Tuấn bảo để có nguyên liệu làm những chiếc ấm Tử Sa quan trọng nhất là phải có đất phù hợp. Tôi là người yêu đất, đi đâu cũng mó tay vào đất cát, mê mải tìm đất và mang về một tý. Bát Tràng chỉ có đất sét trắng còn đất đen làm ra ấm Tử Sa là đất gốc ở Quế Quyển, Hà Nam. Tôi đem đất Quế Quyển về pha chế thêm đất ở một vài nơi để có độ dẻo, bền, dai như chất đất Tử Sa ở Giang Tô rồi kết hợp để tạo ra đặc trưng riêng.


Nghe thì giản đơn thế nhưng Vương Tuấn đã mất hàng năm trời để tìm đất và pha chế, tính toán tỷ lệ sao cho sản phẩm đanh hơn, chịu nổi nhiệt trên 1200 độ. Không được học mỹ thuật bài bản, Vương Tuấn khắc phục bằng cách đọc nhiều. Anh tự tay đi mua ấm Tử Sa từ Giang Tô về xem, phân tích, nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm của mình. Bù lại, ấm Tử Sa của Vương Tuấn đã được thị trường chấp nhận, yêu thích bởi chất liệu độc đáo, mỹ thuật tinh xảo. Hơn thế, những bộ ấm Tử Sa của Vương Tuấn càng dùng càng bóng và lên nước men độc đáo do mồ hôi tay người uống tạo thành. Thứ men “men sống”thấm đẫm hơi thở con người còn cho ấm Tử Sa của Vương Tuấn một giá trị vô giá: đó là sự an toàn khi sử dụng sản phẩm và tính năng ngấm hương trà không khác gì Tử Sa của Giang Tô.


Tết Canh Dần này, Vương Tuấn tự hào “tung” ra thị trường hàng ngàn bộ ấm Tử Sa Bát Tràng với giá thành chỉ bằng 1 chiếc chén của Tử Sa Giang Tô. Đó là những sản phẩm đại trà dành cho khách bình dân, còn tại xưởng của Vương Tuấn anh làm những bộ ấm trà Tử Sa độc bản, những bộ ấm trà bọc đồng Bạch của Nga với giá trên 1 triệu đồng dành cho khách hàng kỹ tính, chơi trà, thưởng trà.

Vĩ thanh


Trước khi làm Tử Sa, nghệ nhân Vương Tuấn từng nổi danh với những sản phẩm độc đáo như vò Rồng hay đỉnh gốm, từng thi thố tài năng và được ghi danh bởi những bình gốm độc đáo kết hợp giữa gốm mộc và gốm sứ. Anh tâm sự rằng làm nghề truyền thống mà không đắm đuối thì không thể làm được hoặc giả nếu có làm thì chỉ là bắt trước, làm hàng chợ. Mà nếu ai cũng làm hàng chợ như thế thì làng nghề sẽ mai một đi bởi sản phẩm của cả làng Bát Tràng gom lại cũng chỉ bằng công suất của một nhà máy.


Không chỉ đắm đuối, mà những người làm nghề truyền thống còn phải có tâm. Bởi, nói như anh Nguyễn Anh Chung, nguyên tắc và đạo đức của nghề quỳ vàng là sự trung thực bởi nếu không trung thực, một nháy mắt thợ đã “cóp” được vàng ròng mà chủ không biết. Chính bởi những quy tắc này mà họ, những nghệ nhân của các làng nghề đang làm nên những dấu ấn rất riêng, đậm chất đô thành cùng Hà Nội bước vào 1000 năm tuổi.

(theo hoapham)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.