Dù muốn hay không, sự chọc ghẹo cũng ảnh hưởng một phần của cuộc sống – ít nhất là trong thời gian trước khi trưởng thành, không ai tránh khỏi những lúc bị người khác chọc ghẹo.
Sự ganh tỵ cũng là một trong những nguyên nhân khiến
trẻ chọc ghẹo người khác.
Sớm hay muộn, con bạn cũng sẽ nhận ra rằng ngôn từ có sức mạnh vô cùng lớn, đủ để làm chúng khó chịu hay bị tổn thương. Chính vì vậy, là một phụ huynh, bạn hãy giúp con đối phó với những lời chọc ghẹo, đặc biệt là từ bạn bè cùng trang lứa. Những lời này tưởng chừng như vô hại nhưng lại ảnh hưởng vô cùng lớn đối với trẻ về sau.
Tại sao trẻ hay bị bạn bè chọc ghẹo?
Đối với trẻ con, những người bạn xung quanh có tác động và ảnh hưởng vô cùng lớn. Bởi từ khi bắt đầu đến trường là trẻ đã muốn tự khám phá và khẳng định bản thân. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong những năm đầu bậc tiểu học, trẻ thường cố tìm những thiếu sót hay khác biệt của bạn bè để trêu chọc, đó cũng chính là cách để trẻ thể hiện và nâng cao lòng tự trọng của mình. Trẻ có thể chọc ghẹo nhau tất cả mọi chuyện, từ việc đeo kính cho đến cân nặng hay những khiếm khuyết khác trên cơ thể.
Con bạn cũng có thể tham gia vào những trò chọc ghẹo kiểu như vậy và biết đâu chính bé cũng đã vô tình làm tổn thương những đứa trẻ khác. Nguyên nhân của vấn đề này thường bắt nguồn từ người lớn. Trẻ sẽ học theo thái độ mỉa mai, chọc ghẹo của cha mẹ, anh chị, hay cả trên các chương trình truyền hình. Hầu hết các trẻ em tùy vào từng thời điểm đều có thể vướng phải một trong hai trường hợp: chọc ghẹo bạn bè hoặc bị bạn bè chọc ghẹo.
Khi con bạn bị chọc ghẹo
Bạn không thể hoàn toàn bao bọc con khi chúng và bạn cũng không thể ngăn chặn việc những đứa trẻ khác có thể chọc ghẹo con mình. Nhưng bạn có thể giúp bé đối phó với những lời chọc ghẹo gây ra thương tổn bằng những cách sau:
Đồng cảm: Chia sẻ với con rằng thật không hề dễ chịu tí nào khi bị người khác chọc ghẹo. Hãy tỏ ra cảm thông với trẻ và nói những lời động viên giống như chính bạn đã từng trải qua hoàn cảnh như vậy. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích trẻ chơi với những người bạn tốt, những người không chọc ghẹo bạn bè và khiến trẻ cảm thấy thoải mái.
Huấn luyện: Nói với con rằng hãy cố giữ bình tĩnh và kiểm soát bản thân, như vậy mới có thể chống chọi được với những lời chọc ghẹo. Tiếp đó, bạn hãy cùng trẻ thảo luận phương án đối phó với những lời chọc ghẹo.Tham khảo ý tưởng của trẻ và đưa ra những lời khuyên hữu ích. Bạn cũng có thể đóng vai một người bạn chọc ghẹo để trẻ luyện tập sự kiềm chế và khả năng ứng phó của mình trong những tình huống tức giận. Câu nói đơn giản nhất có thể giúp ích cho con bạn là: “Tôi không thích bạn nói về tôi như vậy. Tôi sẽ chơi với người khác”.
Sau đó, trẻ có thể tìm những người bạn tốt và hợp ý hơn để chơi cùng. Hoặc bạn cũng có thể dạy con bỏ ngoài tai những lời chọc ghẹo và tiếp tục vô tư chơi đùa như không có chuyện gì xảy ra. Những đứa trẻ chọc ghẹo luôn mong chờ phản hồi của “nạn nhân”, vì thế, nếu con bạn tỏ ra không quan tâm và không hề bị ảnh hưởng bởi những lời chọc ghẹo ấy thì người khó chịu chính là những đứa trẻ đang trêu ghẹo con bạn. Như vậy, chỉ sau vài lần chắc chắn bọn trẻ sẽ dừng trò trêu ghẹo của mình lại.
Trong một vài trường hợp, bạn có thể dạy con đối đáp lại những lời châm chọc để cho những đứa trẻ kia một bài học. Tất nhiên, đó cũng chỉ nên là những lời khẳng định hoặc đối đáp ở mức độ vừa phải để không nổ ra những xung đột sau đó. Ví dụ: khi một đứa trẻ khác mỉa mai con bạn “Giày của cậu đẹp thật” với dụng ý châm biếm đôi giày cũ của bé, thì bé có thể nói “Không, tôi thấy giày của bạn đẹp hơn”. Hay khi một đứa trẻ khác chê cười con bạn về một điều gì đó, hãy dạy trẻ dõng dạc phủ nhận và nêu ra những ưu điểm khác của mình. Thông thường, những đứa trẻ hay chọc ghẹo bạn bè thường không hề chuẩn bị tâm lý khi bị đáp trả nên chúng sẽ rất bị động, lúng túng.
Dạy con nhờ sự giúp đỡ khi cần thiết: Đối với những lời chọc ghẹo nặng nề và gây tổn thương lớn, con bạn sẽ khó có thể một mình đương đầu với chúng. Hãy nói trẻ nhờ sự giúp đỡ của giáo viên. Bằng sự hiểu biết về các thành viên trong lớp, giáo viên sẽ đưa ra những biện pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này và xây dựng nên tình bạn tốt đẹp hơn giữa bọn trẻ.
Dạy con không được phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”: Cho dù những lời chọc ghẹo có khiến con bạn khó chịu hay bực tức đến như thế nào thì trẻ cũng không nên có những đáp trả tiêu cực. Thay vào đó, hãy đáp trả theo cách hài hước và thoải mái hơn. Bạn hãy nói với trẻ rằng đừng vì bị bạn bè trêu chọc mà phản ứng bằng cách bêu xấu lại họ. Đồng thời, phụ huynh có thể giúp con trẻ cảm nhận những lời chọc ghẹo vô hại một cách tích cực hơn. Chẳng hạn, nếu bé bị bạn bè chọc là “heo con” vì cân nặng của bé, bạn hãy nói rằng đó là một cái tên đáng yêu và xinh xắn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần giúp con khắc phục những thói xấu, những khuyết điểm không tốt thường là nguyên nhân khiến bé bị bạn bè chọc ghẹo.
Khi con bạn chọc ghẹo những đứa trẻ khác
Đừng phản ứng thái quá: Sẽ rất bực mình nếu bạn thấy con mình buông ra những lời mỉa mai nhưng hãy giữ bình tĩnh và giải thích cho trẻ hiểu vì sao không nên cư xử như vậy. Đừng chỉ trích hay la mắng nặng nề mà hãy nói “Mẹ biết con không cố ý chọc ghẹo bạn ấy, nhưng những lời nói của con sẽ khiến bạn buồn và tổn thương, chắc con không thích điều đó phải không?”. Bạn không cần thiết phải nói quá nhiều vào những sai trái của bé mà hãy nói cho trẻ nghe về cảm giác của người bạn bị trẻ chọc ghẹo và yêu cầu trẻ thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy. Cách làm sẽ tác động mạnh vào tình cảm, cảm xúc của trẻ và sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nhấn mạnh vào sự cảm thông: Dù con bạn trêu chọc bạn bè như thế nào và vì bất cứ lý do gì, bạn hãy dùng sự cảm thông của mình để uốn nắn trẻ. Hãy nhắc nhở trẻ về cảm giác của trẻ khi bị người khác trêu chọc và luôn nói với trẻ rằng bạn hiểu trẻ không cố ý làm tổn thương bạn bè. Bạn cũng có thể nói rằng con không hề sai khi tỏ ra chú ý vào những điều khác biệt của bạn mình nhưng đừng tỏ ra buồn cười hay trêu ghẹo họ vì bản thân mỗi người đều có những nhược điểm, những nét khác biệt riêng.
Hãy làm gương tốt cho con: Bé sẽ không thay đổi nếu bé cũng thường xuyên chứng kiến mẹ mình buông những lời bình phẩm không tốt hoặc mỉa mai diện mạo của người khác.
Tìm hiểu nguyên nhân: Sự ganh tỵ cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chọc ghẹo người khác. Điều này hay xảy ra trong gia đình, khi bạn dành sự quan tâm cho bé ít hơn đối với em mình. Bé sẽ phản ứng bằng cách chọc ghẹo em cho “bõ tức” hoặc để dò xem phản ứng của bạn.Trong trường hợp này, bạn hãy tạo điều kiện cho các con gần gũi và yêu thương nhau hơn, đồng thời thể hiện sự công bằng trong việc chăm sóc các con. Từ đó, bé sẽ khắc phục được thói xấu của mình. Đối với bạn bè ở trường cũng vậy, bạn hãy thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con về những cảm xúc của trẻ để có những uốn nắn kịp thời. Sự chọc chẹo của trẻ sẽ chỉ chấm dứt khi nào bạn biết rõ nguyên nhân để có cách giải quyết phù hợp.
(Theo Giadinh24h)