Có lẽ không cần nhắc lại những dòng tiểu sử của ông như: sinh ra vốn dĩ đã mồ côi cha mẹ, học hết bậc thành chung rồi thi vào Trường Bưởi, đậu ĐH Nông nghiệp (khoa trồng trọt) hay “ngàn lẻ những chuyện khác” bên lề con người ông nữa. Thời đại internet, một người nức tiếng như ông, được hàng chục tờ báo viết bài ca ngợi hẳn chỉ cần lên mạng tìm kiếm một hồi là có thể dễ dàng có được những thông tin tương đối đầy đủ về nhân thân ông – người khi nói về bí quyết của mình chỉ ngắn gọn đó là: dám nghĩ dám làm.
Ý tưởng sẽ gây dựng một Hãng hoa khô Việt Nam giữa đất Hà Thành đến với ông cách đây đã gần 40 năm, khi một số bạn hàng Nhật Bản muốn ông giúp họ nhập nguyên liệu hoa khô của Việt Nam. Sau một thời gian dài nay đây mai đó tìm nguyên liệu, một câu hỏi cứ ám ảnh ông: “Tại sao Nhật Bản có thể kiếm được tiền từ hoa lá khô để làm kinh tế còn nước mình có sẵn lại không làm được?” Để trả lời câu hỏi này, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu phần vì nhận thức rằng hoa khô là một chất liệu trang hoàng vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa bảo tồn được những phẩm chất tự nhiên của hoa tươi, đồng thời có khả năng giúp chúng vượt qua định mệnh khắc nghiệt mà thiên nhiên đã an bài cho chúng. Ông đã tự mình học hỏi, nghiên cứu về cách biến hoa, lá khô thành những tác phẩm nghệ thuật.
Sau hơn 20 năm tìm tòi, nghiên cứu (1972 đến cuối năm 1996), ông Mưu cùng với những người thân trong gia đình bắt đầu xây dựng Hãng hoa khô Việt Nam ngay tại Hà Nội. Việc đầu tiên là đi thu gom nguyên liệu, biến nhà mình thành xưởng chứa “rác” lá và hoa. Sau khi nguyên liệu đã đầy đủ, ông bắt tay vào công đoạn làm khô, nhuộm màu, bảo quản, tạo hình dáng, sáng tạo tác phẩm… Đến lúc này ông chẳng khác gì một “thương lái rác kiêm bác sĩ hoa lá”. Ông nay đây mai đó chỉ để sưu tầm lá, hoa và qua những lần “khám bệnh” cho cỏ cây, ông nhận biết lá nào có thể dùng làm hoa khô, lá nào không nên lấy. Cũng đã có lần ông lặn lội cùng vợ lên tận Hòa Bình chọn lá, sưu tầm được một số lượng lớn, nhưng sau khi dùng hóa chất tẩy rửa thì số lá hoa này phải vứt đi tất cả do không đạt chất lượng.
Nhiều người khuyên can ông không nên “tha rác” về nhà, chỉ tổ cho rêu mốc, sinh ruồi, bọ chứ kiếm tiền nỗi gì?! Ông không nghe mà vẫn quyết tâm theo đuổi suy nghĩ đã đóng đinh trong ý chí của mình. Năm 1997, ông Mưu đã cho ra những sản phẩm đầu tiên dán nhãn Hãng Hoa khô Việt Nhật với giá chỉ bằng một phần ba hoa khô nhập ngoại. Từ năm 1998 đến nay, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu liên tục xuất xưởng những sản phẩm là tranh ghép hoa, lá khô với nội dung tranh thấm đẫm chất văn hóa Việt như làng quê Việt Nam, phố cổ Hà Nội, tranh dân gian (đám cưới chuột, hứng dừa…) hoặc “tái tạo” cả những bức tranh nổi tiếng thế giới như Mùa thu vàng của Levitan…. Tác phẩm của ông từng tham dự một số triển lãm trong nước, Hàn Quốc, Pháp… và nhận được không ít lời khen ngợi.
Đi tìm phẩm chất Tràng An
Nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu rất yêu Hà Nội. Tình yêu ấy được ông thể hiện qua tranh ghép hoa lá. Trong triển lãm mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới, ông sẽ lần đầu tiên cho ra mắt công chúng Thủ đô tác phẩm “trăm năm có một không hai” được ghép bằng hoa, lá vừa thực hiện xong, tác phẩm có tên là “Cầu Thê Húc năm 1884”.
Ông mô tả: Vào năm 1884, cầu Thê Húc được lót ván, không có tay vịn. Thời ấy Hồ Gươm như một cái ao làng, nơi người ta giặt giũ, nuôi vịt, chứ hồ không thơ mộng như ngày nay. Cũng năm ấy, một người Pháp tên là Charles Edouard Hocquard theo đoàn quân viễn chinh đến Việt Nam với tư cách bác sĩ quân y. Chính bác sỹ Charles Edouard Hocquard đã ghi lại hàng nghìn tấm ảnh về đất nước xa lạ này. Đó là một trong những tấm ảnh sớm nhất được chụp ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng. Bằng hoa lá khô, tấm ảnh này sẽ được ghép lại nhằm giúp người xem hình dung ra không chỉ quang cảnh một góc Hồ Hoàn Kiếm hoang sơ thế nào mà còn có thể mường tượng được đời sống của người Hà Nội những năm còn nghèo khó.
Ngoài tác phẩm “Cầu Thê Húc năm 1884”, Nguyễn Bá Mưu còn đang âm thầm thực hiện tác phẩm “Phố Hàng Bạc năm 1919”. Tác phẩm này được ông đặt nhiều tâm huyết hơn cả, bởi một phần nét sinh hoạt của người Tràng An xưa sẽ được thể hiện trong đó. “Tôi sẽ cố gắng làm sao ghép hoa, lá để người xem nhập tâm được vào bức tranh, cảm tưởng như mình cũng đang đong đưa cùng những gánh hàng rong và quang gánh một thời. Nhưng công việc này của người dân từ lâu đã là nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, là hình ảnh thiêng liêng của một Hà Nội lao động trong phố cổ” – ông Mưu nói.
Ngoài những cuộc kiếm tìm phẩm chất Tràng An như là cách để thể hiện tình yêu, sự tri ân đối với Hà Nội thông qua những bức tranh ghép hoa lá khô, ông Nguyễn Bá Mưu còn tổ chức dạy nghề cho các em khuyết tật. Công việc này ông đã làm từ cách đây 20 năm, tổng số học sinh ông đào tạo được tính đến nay có đến cả trăm em. Nhiều em sau khi ra nghề đã mở cửa hàng, hoặc “nhà phân phối” tranh ghép hoa lá khô – một sản phẩm đang dần chiếm một vị trí nhất định trong đời sống trên địa bàn Hà Nội.
Có được thành công như ngày hôm nay, những người thợ – nghệ sĩ mà theo như kinh nghiệm của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu cho biết là phải có Tâm và phải hội đủ ba yếu tố: Hoa, hóa, và họa. Hoa là nguyên liệu làm nên sản phẩm. Hóa là việc sử dụng các màu sắc sao cho bền lâu mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Còn họa là tư duy và cảm quan thẩm mỹ của người nghệ nhân để cho ra đời những tác phẩm có tính nghệ thuật.
Nguyễn Bá Mưu là người đầu tiên làm tranh ghép hoa lá khô, và ông được UBND TP. Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2003.
Theo TTVH