Hà Nội, ngày…, tháng 9 năm 2009
Con trai yêu thương của mẹ!
Giờ này con đang ngủ rồi. Nhìn khuôn mặt con bầu bĩnh, đôi môi hồng phụng phịu dễ thương, mẹ thầm cảm ơn ông trời đã đem con đến bên mẹ, dù con đường mẹ con ta gặp nhau vất vả biết chừng nào.
Con biết không con yêu? Mẹ sinh con lúc con vừa được 32 tuần tuổi, đang bước sang tuần thứ 33. Đêm hôm ấy, 3h sáng mẹ bị vỡ ối, bố con hốt hoảng gọi taxi đưa mẹ vào bệnh viện. Khi bác sĩ nói rằng đã mở một phân rồi, mẹ biết mẹ phải sinh. Cảm xúc của mẹ lúc ấy thật là khó tả. Mẹ hồi hộp vì sắp gặp con, không biết khuôn mặt con như thế nào, tiếng con khóc ra sao.
Mẹ đau lòng vì con phải ra đời quá sớm, khi mẹ chưa kịp chuẩn bị cho con sự hoàn thiện về mọi mặt. Vừa hôm qua, mẹ còn đem ảnh siêu âm của con ra ngắm, mẹ hào hứng chờ tuần sau đi siêu âm để xem con mẹ lớn thế nào rồi… Vậy mà… Mẹ bước lên bàn đẻ, trong lòng trống rỗng vô cùng, mẹ không dám khóc vì sợ sẽ không đủ sức để sinh con, sợ khóc sẽ không hít lấy được ôxi để truyền vào cho con thở.
Vượt qua những cơn đau, khi nghe tiếng con oe oe khóc, khi bác sĩ bảo rằng con nặng 2,3 kg, mẹ thầm yên tâm bởi chỉ cần thấy con khóc thôi, mẹ biết con có cơ hội sống rất nhiều.
Chưa được nhìn mặt con, mẹ được chuyển ra phòng chờ. Mẹ nằm nép vào góc tường, không có ai bên cạnh. Bố con thì tất tả lo thủ tục, ông bà nội ngoại khi biết tin đã vội vàng xuống, nhưng vì nhà xa quá nên chưa xuống kịp. Mấy ngày sau đó mẹ vẫn chưa được gặp con, vì con quá yếu nên phải nằm trong lồng kính, ăn sonce và chiếu đèn nữa.
Mẹ tưởng mình cứng rắn lắm, vậy mà khi một bà mẹ nằm giường bên cạnh mẹ, sinh được con trai nặng 3,5 kg, bà mẹ ấy quay sang cười và nói với mẹ rằng: “Em sướng nhỉ? Chẳng phải chăm con gì cả”, mẹ đã quay úp mặt vào tường, lặng lẽ khóc. (Sao lại có người vô tâm vậy?).
Bà ngoại con bảo, mẹ không được khóc vì khóc sau này về già sẽ đau đầu, nhoà mắt, nhưng mẹ không thể. Đêm nào mẹ cũng nằm khóc, thương con vô hạn và trách hận bản thân mình.
Hàng ngày, mẹ đi vắt sữa cho con, 8 lần/ngày. Những ngày đầu chưa có sữa, mẹ cố vắt đến xước cả ngực và rỉ máu, một giọt sữa cho con thôi cũng quý vô ngần vì nó sẽ giúp con của mẹ có thêm sức lực để chống chọi lại với bệnh tật và mau về với mẹ.
Ở khoa sinh non, mẹ gặp rất nhiều những mẹ cùng cảnh ngộ với mình, các mẹ hỏi thăm nhau, chia sẻ với nhau khiến mẹ được an ủi phần nào. Lần nào đi vắt sữa, mẹ cũng cố nhòm vào mà chẳng nhìn thấy được mặt con. Lần nào đi mẹ cũng đem theo tã chỉ mong hôm nay bác sĩ sẽ gọi mẹ …762 đâu, vào bế con này…
Rồi lần đầu tiên ấy cũng đến. Mẹ hồi hộp, luống cuống, bố con thì mừng đến vã mồ hôi, vội vàng đi gọi ông bà vào xem mặt cháu. Lần đầu tiên được ôm con vào lòng, mẹ sung sướng và lo sợ đến trào nước mắt. Con nhỏ bé quá, mẹ chỉ sợ mình vụng về làm tuột mất con, sợ làm con đau, thậm chí mẹ còn không dám hôn con nữa. Mẹ luống cuống cho con bú mà không biết phải làm thế nào, bác sĩ phải đến tận nơi hướng dẫn. Cứ thế, lần nào đi vắt sữa mẹ cũng hồi hộp mong được bế con, được ôm con.
Mấy ngày sau đó con được về với mẹ. Khỏi phải nói, mẹ và bố đã sung sướng biết nhường nào. 11h đêm, bố con tất tả ra cổng bệnh viện mua sữa, mua tã vì khi mẹ đi sinh con bất ngờ quá, chẳng kịp chuẩn bị gì cả. Lẽ ra, con đã được về nhà, nhưng vì bố mẹ không yên tâm nên ở lại bệnh viện, phòng khi có việc gì thì sẽ tiện hơn. Hàng đêm, nằm bên con, nghe tiếng con thở đều đều mà mẹ không dám tin đó là sự thực. Nhìn con bé nhỏ nằm bên cạnh mà lẽ ra còn đang trong bụng, mẹ lại khóc.
Những khi thay tã cho con, nhìn đôi bàn tay, đôi chân con bé tí xíu, da đỏ nhăn nheo, gân xanh chằng chịt, mẹ bật khóc xót xa. Nhiều lúc mẹ chỉ muốn tự tát vào mặt mình, mẹ dằn vặt, ân hận, xót xa, mẹ đã giữ gìn hết sức mà vẫn để con chào đời sớm vậy…
Con về với mẹ được gần một tuần thì đột nhiên húng hắng ho. Bác sĩ khám mấy lần đều nói rằng không có vấn đề gì cả, nhưng nhiều đêm nghe tiếng con dặn ho không ra hơi mà xót ruột xót gan. Đến lúc con đang nằm ngủ tự nhiên tím ngắt lại thì đã viêm phổi quá nặng. Cả nhà lại náo loạn cả lên, ông nội con đang đi công tác cũng xin nghỉ chạy vội xuống cùng bố con lo thủ tục cấp cứu ngay lập tức.
Khi con cấp cứu chuyển sang Viện Nhi trung ương, cả nhà oà khóc nức nở. Bà nội, bà ngoại, cô, dì… mắt đỏ hoe, thương con và lo lắng vô cùng. Nhìn con bé nhỏ trên chiếc băngca to lớn, xung quanh dây dợ chằng chịt, mẹ chỉ ước gì được đau đớn thay con, ước gì mẹ có thể đánh đổi tất cả cho con, dù có phải đánh đổi cả tuổi đời đi nữa.
Con biết không, khi con nằm trên băngca cấp cứu mà đôi mắt cứ mở to nhìn chằm chằm vào bố, cánh tay giơ lên, bố con mạnh mẽ là vậy mà cũng oà khóc nức nở.
Những ngày con nằm ở Viện Nhi là những ngày mà suốt đời mẹ không bao giờ quên được. Hơn chục ngày mà mẹ tưởng như mấy tháng trời đằng đẵng. Mỗi lần bố đi nghe thông báo tình trạng bệnh nhân về, mẹ lại hồi hộp hỏi bố xem hôm nay con thế nào, có ăn được không, ăn được bao nhiêu ml, có lên được gram nào không, có còn phải thở oxi nữa không…
Ơn trời, mấy ngày sau thì mẹ được gọi vào chăm con. Hàng ngày, một mình mẹ trông con, đến tối bà ngoại vào trông cùng. Con phải tiêm kháng sinh mất gần chục ngày mới khỏi, mỗi lần đưa con đi tiêm, mẹ không dám ở đó mà nhờ bác sĩ tiêm xong rồi đưa về vì mẹ không thể chịu nổi cái cảm giác đau đớn, xót xa đến cào cấu ruột gan khi nhìn mũi kim cắm vào bàn tay, bàn chân con nhỏ xíu…
Ngày 19/9…
Bác sĩ thông báo con được xuất viện. Ôi! Cảm giác lúc đó sung sướng, hạnh phúc biết nhường nào. Mẹ làm thủ tục xuất viện xong thì ông bà nội cũng đã xuống ngay dù ông bà đang ở cách xa 80 km. Ngày đón con về, cả nhà như mở hội. Bố con đã dọn dẹp, lau dọn nhà cửa, trải nệm (dù thời tiết lúc đó hơn 35ºC)…
Ngày… tháng… năm 2010
Đã 6 tháng rồi kể từ ngày con chào đời. Con trai mẹ giờ đây đã được 7 kg rồi, tuy chưa đạt cân nặng theo tiêu chuẩn nhưng bác sĩ bảo như vậy là “trộm vía” rồi, vì tháng đầu tiên con bị viêm phổi đã không lên được gram nào mà còn sụt đi. Đến bây giờ bố mới nói cho mẹ biết rằng, khi chuyển con cấp cứu sang Viện Nhi, bác sĩ nói rằng tình trạng của con đã rất nguy kịch, không biết có thể cứu nổi hay không. Đến khi nằm điều trị viêm phổi, con đã phải thở oxy tới sứt cả mũi.
Mẹ nghe mà xót xa trào nước mắt. Ông bà bảo rằng, có lẽ nhà mình phúc đức dày nên con mới vượt qua mọi chuyện mạnh mẽ được đến thế. Giờ đây, con đã biết lẫy, biết hóng chuyện bi bô từ lúc 4 tháng, biết thổi phì phì thật ngộ nghĩnh, lại còn cho tay vào miệng mút chùn chụt nữa chứ. Mỗi khi nghe con bi bô như muốn gọi “mẹ ơi”, “bà ơi”, mẹ hạnh phúc vô cùng.
Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng con cho mẹ, để mẹ được trải nghiệm qua mọi cảm xúc dù đớn đau, dằn vặt rồi đợi chờ, hy vọng, yêu thương…; để mẹ có thể quên đi hết mọi ưu phiền trong cuộc sống mỗi khi ôm con vào lòng, để mẹ biết mình có một báu vật mà nâng niu, trân trọng cuộc sống này hơn. Ngoan ngoãn và hay ăn chóng lớn nhé, con trai yêu của mẹ. Hãy lớn lên, dũng cảm và mạnh mẽ như khi con đã dũng cảm sống, dũng cảm chống lại bệnh tật từ lúc lọt lòng và sẽ cảm nhận được tình yêu mà cha mẹ dành cho con lớn lao biết chừng nào…
Bố mẹ luôn ở bên con! Bố mẹ luôn yêu thương con!
(Theo Vnexpress)