Sau bữa cơm tối, vợ anh Nam kêu mệt lên giường nằm nghỉ. Anh nghĩ vợ chỉ hơi nhức đầu hay đau bụng nên rửa bát xong, anh vô tư ngồi xem tivi. Đến giờ đi ngủ, vợ anh nhất định khóa cửa phòng và khóc lóc vì cho rằng, ốm đau mà không quan tâm.
Tốt nhất khi ốm, người vợ muốn chồng giúp điều gì thì nên nói ra. Dù chồng có thực hiện được nhiều hay ít thì đó cũng là cơ hội để chồng quan tâm đến vợ.
Anh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) là mẫu chồng tốt, có trách nhiệm. Nếu vợ ốm, anh sẵn lòng cơm nước, đi mua thuốc cho vợ nhưng chỉ có mỗi việc dỗ dành vợ là anh hơi… kém. Mà anh Nam lại chỉ yếu khoản chăm vợ ốm, chứ khi mẹ hoặc con anh ốm thì anh chăm rất nhiệt tình. Anh xoa trán, nịnh con còn giỏi hơn vợ, anh vồn vã chuyện trò với mẹ anh khi bà ốm đến quên cả ăn. Vì thế, vợ anh cho rằng anh chỉ yêu người khác chứ không phải vợ. “Tôi nghĩ, đã là vợ chồng, hiểu nhau quá rồi thì cần gì hoa lá. Có khi tôi âm thầm giúp đỡ vợ như một cách chăm sóc cô ấy. Nếu phải nói ngọt, tôi cứ thấy ngượng. Thế nhưng, vợ tôi lại cho rằng, như vậy là không quan tâm, là không yêu vợ” – anh Nam cho biết.
Anh Duy (quận 1, TP HCM) bị vợ so sánh với “gà công nghiệp, chỉ biết ăn rồi ngủ, chẳng đoái hoài đến cảm xúc của ai”. Vợ ốm, anh Duy cũng loanh quanh nấu cháo, mua thuốc mà không nói nửa lời. Vợ trách: “Em ốm, anh không hỏi em được một câu à?” thì anh bối rối: “Biết em ốm rồi, hỏi có phải thừa không?”. Vợ tức, ví von chồng với “con gà”, anh giận cãi lại. Thế là vợ chồng hờn dỗi nhau.
Khi chồng không giỏi chăm vợ ốm
Trong thời gian bị ốm, người vợ thường rất mệt mỏi, buồn chán nên cần sự động viên và hỗ trợ của chồng. Tuy nhiên, chị em cũng nên hiểu cho chồng, vì nhiều anh không giỏi dỗ dành vợ nên dễ bị vợ hiểu nhầm.
Có anh do vợ ốm, nhà cửa thiếu người thu vén nên sinh cau có, gắt gỏng; Có anh do tư tưởng “ông hoàng”, quen được vợ chăm sóc chứ không chịu chăm lại vợ; có thể do anh ấy nghĩ vợ chỉ ốm vặt, nhanh khỏi nên không cần chăm chút; Cũng có anh chồng vô tâm, hững hờ với vợ thật… Người vợ thấy thế càng buồn hơn, vì khi ốm đã mệt mỏi lại nhận được thái độ khó chịu từ chồng.
Quan hệ vợ chồng luôn đòi hỏi tính hai chiều, tức là có cho đi thì cần được nhận lại. Phần lớn người vợ biết cách chăm sóc khi chồng đau ốm. Do đó, khi bị ốm, chị em cũng mong muốn được chồng hỏi han. Những chị em ngày thường ít được chồng quan tâm thì khi bị ốm, họ rất kỳ vọng vào sự chăm sóc của chồng. Cộng thêm tâm lý dễ xúc động khi bị ốm, người vợ càng có cảm giác hụt hẫng với thái độ của chồng.
Những lúc ấy nếu được chồng hỏi thăm, ôm ấp, vỗ về thì không sao. Với phụ nữ, một câu nói dịu dàng, một cử chỉ chăm sóc nhẹ nhàng rất có ý nghĩa. Tất nhiên cử chỉ này còn kèm theo hành động khác như tự nguyện quán xuyến nhà cửa, tự tay nấu cháo hay mua thuốc cho vợ… Thế nhưng những ước mong của vợ không phải anh chồng nào cũng biết mà có biết cũng chưa chắc tuân thủ đúng. Người vợ, có khi muốn chồng mình làm thế này, thế kia nhưng không nói ra, vì chị em nghĩ “Nếu yêu vợ thật lòng, anh ấy phải tự biết làm gì”. Khi mong mỏi của chồng và của vợ bị vênh nhau thì những bất mãn với chồng cũng phát sinh từ đó.
Giữ ấm ức trong lòng không phải là điều hay. Tốt nhất khi ốm, người vợ muốn chồng giúp điều gì thì nên nói ra. Dù chồng có thực hiện được nhiều hay ít thì đó cũng là cơ hội để chồng quan tâm đến vợ.
(Theo Giadinh24h)