ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Các phòng tranh tại Sài Gòn: Lượng tăng, chất kém
Sunday, May 23, 2010 9:02
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Những năm gần đây, hệ thống các gallery (phòng tranh) tại TPHCM phát triển khá rầm rộ. Cùng với các phòng tranh nghệ thuật đích thực, không ít các phòng tranh tư nhân ra đời chủ yếu là chép tranh, vẽ tranh trang trí… Nhiều phòng tranh ra đời, hoạt động của ngành mỹ thuật TP hẳn phải nhộn nhịp và khởi sắc hơn? Chưa hẳn vậy. Nói về hoạt động các phòng tranh tại TPHCM, nhiều họa sĩ trong ngành không ngần ngại cho rằng vui ít buồn nhiều!

Rộn ràng tranh chép

Nếu như những năm trước, để có được một bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng là điều không tưởng, những ai được sở hữu tác phẩm của họa sĩ “thường thường bậc trung” để treo trong nhà đã là sang trọng, thì hiện tại tình trạng đã khác. Từ khi nghề chép tranh ra đời, ước mơ để chiêm ngưỡng những bức tranh như thế không còn xa vời.

Các phòng tranh tại Sài Gòn: Lượng tăng, chất kém - Tin180.com (Ảnh 1)

Thợ chép tranh tại một gallery trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3 TPHCM). Ảnh: Thùy Dương

Chỉ cần đến các phố tranh ở TPHCM, bạn muốn gì được nấy. Không cần phải đến tận Viện Bảo tàng Louvre của TP Paris tráng lệ, nếu bạn muốn được chiêm ngưỡng nụ cười bí ẩn của nàng Mona Lisa, chỉ cần đến… bất kỳ phòng tranh nào ở TPHCM cũng có. Nếu muốn sở hữu “nàng”, bạn chỉ cần trả từ 1 – 1,5 triệu đồng cho một bức có kích cỡ 60cm x 80cm.

Không chỉ có nàng Mona Lisa, muốn tìm bất kỳ tác phẩm nào của các danh họa thế giới và Việt Nam, chỉ cần đến các phố tranh, bạn sẽ được đáp ứng.

Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành kinh doanh các tác phẩm mỹ thuật phát triển mạnh. Trong một thời gian ngắn, tại TPHCM, các phòng tranh mọc lên nhan nhản. Lúc đầu, họ kinh doanh chủ yếu là tranh vẽ nhưng khi thấy nhu cầu tranh chép của thị trường ngày càng lớn, họ chuyển sang kinh doanh loại sản phẩm này.

Thị trường tranh chép ở TPHCM cũng được phân loại khá rõ. Ở khu vực quận 1, các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Bùi Viện tranh thường có giá cao, bởi khách hàng chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Mặc dù là tranh chép nhưng bức thấp nhất cũng vài trăm thậm chí cả ngàn USD. Muốn giá “mềm” hơn thì đến phố tranh ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

“Chợ tranh” Trần Phú thì giá nào cũng có. Gọi là “chợ” vì tranh ở đây có đủ loại: tranh chép giá từ 500 ngàn đến trên 1 triệu đồng/bức tùy loại; tranh phun 400.000 – 500.000 đồng, đặc biệt ở đây còn có cả loại tranh nhập từ Trung Quốc. Loại tranh này được in đại trà bằng máy trên chất liệu gỗ ép, vải bố, giá mỗi bức chỉ 100.000 – 200.000 đồng…

Tranh chép gần giống nguyên mẫu. Mỗi bức chép lại người thợ được trả công 150 – 400 ngàn đồng tùy độ khó và thời gian thực hiện. Trung bình một bức chép 3-4 ngày, các bức khó có khi mất cả tuần. Thu nhập bình quân của một “thợ chép” từ 2 – 3 triệu đồng/tháng, người có trình độ cao hơn khoảng 4-5 triệu đồng, thậm chí cao hơn.

Đời sống ngày càng nâng cao, nhu cầu trang trí nhà cửa bằng tranh đang trở thành “mốt” của nhiều người nhưng tranh nghệ thuật thì quá đắt và với những người chưa đủ kiến thức nghệ thuật, họ cũng ít quan tâm đến chất lượng và ý nghĩa sâu sắc của một bức tranh. Thị trường tranh chép phát triển mạnh cũng vì thế.

Trăn trở tranh nghệ thuật

Hiện nay, tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội… các phòng tranh nghệ thuật vẫn đều đặn triển lãm giới thiệu họa sĩ và tác phẩm mới nhưng khách mua tranh phần lớn là người nước ngoài. Không phải do ảnh hưởng tình hình suy thoái kinh tế mới vậy mà lâu nay hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực mỹ thuật luôn trong tình trạng trầm lắng.

Các phòng tranh tại Sài Gòn: Lượng tăng, chất kém - Tin180.com (Ảnh 2)

Phố tranh Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: Thùy Dương

Phần đông các phòng tranh sống tạm được nhờ vào việc kinh doanh các loại tranh trang trí nội thất (nhà cửa, văn phòng, công ty, khách sạn…) với hình ảnh quen thuộc: phong cảnh thiên nhiên, hoa lá, thiếu nữ… trong khi các tác phẩm nghệ thuật đích thực thi thoảng mới có người mua.

“Nhiều người yêu tranh nhưng không có khả năng mua, ngược lại cũng không ít người có tiền thì lại không chọn tranh, trong khi ở nước ngoài, nhìn ở góc độ kinh doanh thì lĩnh vực này là một kênh đầu tư sôi động không thua gì bất động sản và có thể mang lại lợi nhuận lớn. Khó khăn thế nên các phòng tranh phải linh hoạt, tự thân vận động để sống còn”, một chủ phòng tranh trên đường Bùi Viện, quận 1 giải thích.

Họa sĩ Trần Thị Thu Hà, chủ gallery Tự Do có thâm niên hoạt động 21 năm qua tại TPHCM cho rằng, ở các nước phát triển, thị trường tranh và tác phẩm nghệ thuật chỉ thật sự phát triển bền vững khi có được 70% khách hàng nội địa, trong khi ở ta thì ngược lại.

Theo họa sĩ Thu Hà, khách hàng trong nước đến phòng tranh Tự Do những năm gần đây dù đã tăng lên nhiều nhưng cũng mới chỉ khoảng 30%, còn lại 70% là khách hàng nước ngoài.

“Việt Nam chưa có một thị trường tranh nội địa đúng nghĩa, phần lớn ta đều dựa vào tiềm lực và sự thẩm định của các nhà sưu tập và kinh doanh nước ngoài. Nhà sưu tập trong nước cũng có nhưng nhỏ lẻ nên chưa thể làm chỗ dựa cho họa sĩ sáng tác. Các phòng tranh nghệ thuật dù đã rất cố gắng hoạt động chuyên nghiệp tuy nhiên vẫn chưa lôi kéo được sự quan tâm của đông đảo công chúng và cũng chưa đủ sức lấn át được xu hướng dòng tranh thương mại”, một họa sĩ nhiều năm gắn bó với mỹ thuật TPHCM nhận định.

Đến nay tại VN, mỹ thuật vẫn chưa là một loại hình nghệ thuật dành cho đại chúng. Người thưởng thức mỹ thuật và chơi tranh, tượng chưa nhiều. Nhà sưu tập chuyên nghiệp đến VN tìm tranh có chăng cũng đếm được trên đầu ngón tay.

“Có lần tôi được một đơn vị đề nghị thực hiện đề án đưa giáo dục mỹ thuật đến với học sinh tiểu học, tôi mừng như mở cờ trong bụng. Thế nhưng vui chẳng lâu vì khi nghe đề cập vấn đề chi phí thực hiện, đơn vị này đã im hơi lặng tiếng”, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM kể.

Đồng tình với ý kiến này, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, Chủ nhiệm CLB các họa sĩ nữ TPHCM cũng cho rằng, ở các nước, giáo dục mỹ thuật được xếp vào chính khóa, học sinh được học từ nhỏ, ta thì chưa làm được điều này.

Mỹ thuật đang giậm chân tại chỗ, thậm chí có lúc tụt hậu và nguyên nhân ít nhiều do ảnh hưởng cơn lốc của dòng tranh thương mại hóa. Dẫu biết rằng dùng nghệ thuật để nuôi nghệ thuật là nhu cầu chính đáng, song một khi đã thỏa hiệp với những thị hiếu dễ dãi của thị trường, liệu những người làm nghề và yêu nghề có thể quay lại với cái tôi thật sự của mình?!

Theo SGGP

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.