Khi Tập đoàn Intel cần 2.000 nhân viên cho dự án đầu tư vào Việt Nam, họ chỉ tuyển được vỏn vẹn 40 ứng viên.
![Kỹ năng mềm - thách thức của người trẻ - Tin180.com (Ảnh 1)](http://beforeitsnews.com/vietnamese/wp-content/blogs.dir/11/files/2010/05/Ky-nang-mem-thach-thuc-cua-nguoi-tre_Tin180.com_001.jpg)
Một đội dự thi vòng chung kết khu vực phía Nam “Chinh phục thử thách Pro”
Rất nhiều ứng viên có kiến thức chuyên môn tốt nhưng thiếu kỹ năng mềm. Kỹ năng này quan trọng đến vậy nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thờ ơ, chưa tích cực trang bị trước khi vào đời.
Vấn đề của số đông người trẻ hiện nay là vẫn xem thuật ngữ “kỹ năng mềm” (soft skills) là thứ gì đó khó hiểu, ngại tiếp cận. Thực tế, đó chỉ là những kỹ năng hết sức cơ bản trong cuộc sống hằng ngày. Tiến sĩ Đỗ Thu Hằng (Học viện Báo chí tuyên truyền) định nghĩa đơn giản: “Kỹ năng mềm (KNM) là phong cách sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới. Chúng có vai trò đặc biệt quan trọng để quyết định bạn có thể làm việc hiệu quả lâu dài hoặc làm lãnh đạo hay không”.
KNM bao gồm một số nội dung chính: sống lạc quan; hòa đồng với tập thể, có khả năng thu hút mọi người, tạo thiện cảm để nối kết nhóm; giao tiếp tốt; có khả năng sáng tạo; khả năng ứng xử trước lời phê bình; luôn có sáng kiến…
Các nhà khoa học đưa ra nhận định: để thành đạt trong sự nghiệp thì KNM chiếm đến 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%.
Tuy quan trọng là thế, những KNM chưa thực sự được ngành giáo dục nước ta chú trọng, và vì thế, các bạn trẻ phải “tự bơi” để tích lũy KNM. Lương Thế Vinh, người vừa đạt điểm thủ khoa ngành Kinh tế năm 2009 tại trường ĐH Cambridge (Anh) chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ rằng, những học sinh được nhận vào Cambridge ắt phải vô cùng xuất sắc, có trình độ tiếng Anh siêu đẳng và kiến thức phổ thông rất giỏi, nhưng sự thật lại khác. Họ tìm những người sẽ giỏi, chứ chưa hẳn tìm những người đang giỏi. Đơn giản hơn, họ sẽ chiêu sinh những bạn trẻ có KNM cao. Đó là có hoài bão, có khát vọng, có kỹ năng để thực hiện những điều mình mơ ước. Nhưng hơi tiếc là ở Việt Nam, đa số học sinh chưa được trang bị KNM nên dễ mất điểm khi thi tuyển”.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam, có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu KNM, 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng được nhu cầu về KNM.
Điều đó lý giải tại sao rất nhiều sinh viên sớm bươn chải, đi làm thêm khi còn đi học thành công hơn những “mọt sách”. Đã có không ít sinh viên chỉ biết chăm chú với bài vở, đạt điểm rất cao nhưng ra trường không xin được việc làm hoặc chỉ làm nhân viên bình thường.
Hiện nay, nhiều trung tâm đã mở ra các lớp đào tạo KNM để đáp ứng nhu cầu cho bạn trẻ. Hầu hết các trung tâm đều giảng dạy theo hình thức trải nghiệm (trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm, trò chơi, bài tập…). Các giảng viên dựa trên cách tiếp cận người học để khơi dậy sự vận động của học viên. Cách làm này khá hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy, những lớp học này vẫn đìu hiu vì ít bạn trẻ chịu bỏ thời gian và tiền bạc để đầu tư rèn KNM.
Cách hiệu quả hơn là tạo sân chơi mở để các bạn trẻ được vui chơi, vừa được giải trí, vừa tự thu lượm kỹ năng cho mình. Hiện Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đang kết hợp với một nhãn hàng tổ chức chương trình Chinh phục thử thách PRO, thu hút sinh viên từ 26 trường đại học trên toàn quốc tham gia. Các vòng chung kết khu vực diễn ra giữa tháng tư vừa qua đã thu hút rất đông sinh viên tham gia, chứng tỏ sự thành công của chương trình. Thế nhưng, rất hiếm khi các bạn trẻ có cơ hội được tham gia một sân chơi để trau dồi KNM như vậy.
Dù thiếu trầm trọng KNM nhưng nhiều người trẻ vẫn… không biết mình đang thiếu, và nếu nhận thức được cái sự thiếu ấy của mình, cũng chưa hẳn tìm được cách để trang bị thật nhanh, kịp với nhu cầu của cuộc sống. Xem ra, đây vẫn còn là bài toán khó đối với họ.
(Theo PNO)