“Thần dược” của bà
Monday, July 12, 2010 9:18
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Bà nội sinh được hai người con trai là bác và bố tôi. Bác vào Nam lập nghiệp, sau đó trở ra đưa bà và vợ con vào đó sống.
Ở thành phố, bà được ở tiện nghi sang trọng, đắt tiền nhưng cứ u hoài nhớ ngôi nhà tre lợp ngói máng mà cụ nội làm từ nửa thế kỷ trước. Rồi bà ốm, thuốc bổ mấy cũng không khỏi. Lúc nào bà cũng đòi về quê.
Về quê bà chỉ còn da bọc xương. Trong ngôi nhà tre cổ bà con họ mạc đến thăm ai cũng xót xa cho bà khi được sung sướng thì lại sắp… ra đi. Ngày nào bà cũng đòi ăn bánh khúc, thứ bánh như có phép lạ làm bà hồi phục. Bà đòi ăn canh hến nấu bầu, cá tép kho tương cà, canh cua khoai sọ… Và bà khỏi hẳn bệnh.
Gần 20 năm sau trận ốm, bà giờ đã 90 tuổi, tóc bạc trắng như cước. Bà vẫn nhớ rõ cánh đồng Ðống có nhiều rau khúc, bảo tôi hái về cho bà ăn mấy bữa. Bà kể, rau khúc nảy mầm cuối đông, tươi tốt vào mùa xuân, mọc khắp ruộng đồng. Tháng Ba giáp hạt xưa cả làng cắp rổ ra đồng hái về làm bánh ăn chống đói. Rau khúc chỉ có mắm muối giã với ít bột gạo tẻ đồ lên, ăn ngán đến tai vẫn phải nuốt. Giờ bánh khúc là đặc sản, ngon hơn nhiều bởi làm từ gạo nếp xôi, tra nhân đỗ xanh, mỡ lợn…
Tôi cắp rổ ra đồng, lúa chiêm đương thì con gái, những ruộng dưa bao tử xanh ngắt, những luống đậu cao lút đầu người… nhưng sặc mùi thuốc trừ sâu. Rảo khắp cánh Nam sang cánh Bắc chẳng có cọng rau khúc nào. Sang cánh đồng Ðống nhiều rau khúc nhất thì dãy ao chuôm đã thành trang trại, khu chăn nuôi… Tới khu đất hoang làm bãi rác có cỏ dại mọc um tùm mới vớ được cụm rau khúc cuối mùa. Bà ăn xong, bảo dễ chịu quá, mai kia lại hái làm bánh cho bà ăn nữa nhé.
Những cây rau khúc cuối cùng đã bị tôi hái hết sáng nay. Những cây rau mềm mại, hiền lành từng cứu đói cả làng ngày trước chỉ còn trong quá khứ. Có lẽ tôi phải tìm mua rau khúc xứ người “làm thuốc” cho bà.
Bích Hường
(theo giadinh)