Ảnh: timesofindia. |
Xem tivi, video game 2 tiếng mỗi ngày đủ để trẻ lĩnh gấp đôi nguy cơ mắc các rối loạn về chú ý như hội chứng tăng động giảm chú ý, một nghiên cứu vừa khẳng định.
Theo đó, não của trẻ trở nên quen với các màn hình lóe sáng và những cử động liên tục trong các trò chơi và hình ảnh truyền hình. Chính vì thế, khi đến lớp, trẻ sẽ khó mà tập trung được vào những bài học ít có tính kích thích thị giác giống như khi chơi game hay xem tivi.
“Nếu chúng ta rèn luyện cho bộ não thích nghi với những hình ảnh cử động liên tục và ánh sáng chớp liên hồi, với những góc quay đổi hướng liên tục như trong trò chơi video, thì khi trẻ đến lớp, nơi các giáo viên giảng dạy chậm rãi, trẻ sẽ khó mà tập trung sự chú ý vào đó”, giáo sư tâm lý Douglas Gentile, nhận định.
Nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 1.323 trẻ em tuổi từ 7 đến 10 – với sự giúp đỡ của cha mẹ chúng – ghi lại thói quen chơi video và xem truyền hình trong vòng 13 tháng.
Nhóm cũng ghi lại bất kỳ trục trặc chú ý nào mà các em nhỏ mắc phải trong khoảng thời gian đó.
Nhóm chuyên gia nhận thấy tình trạng giảm (hoặc mất) khả năng chú ý xuất hiện chỉ sau một năm liên tục trẻ dành 2 tiếng mỗi ngày trước màn hình.
“Tăng động giảm chú ý là một tình trạng bệnh lý, nhưng cũng là bệnh của não. Chúng ta biết rằng não thích nghi và thay đổi dựa trên các kích thích của môi trường, nơi nó được tiếp xúc lặp đi lặp lại”, Gentile cho biết.
“Vì thế, có lý do để tin rằng những kích thích của môi trường làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh lý như tăng động giảm chú ý, giống như việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi”.
Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng tivi và trò chơi video không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra hiện tượng tăng động giảm chú ý và các rối loạn chú ý khác ở trẻ.
T. An
(theo vnexpress)