ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Dz. Report
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Đi tìm lối sống xưa của người Hà Nội
Tuesday, August 10, 2010 8:13
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Chỉ còn ít ngày nữa là Hà Nội tưng bừng trong ngày lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội ngày nay lớn hơn nhiều, giàu có phù hoa, nhưng hầu hết những công trình đã đổ nát, hay chăng chỉ còn là phế tích. Văn hóa, lối sống của người Hà Nội hôm nay được xây dựng từ nhiều ngàn năm trước. Nhiều thứ đã mất đi, nhiều thứ vẫn còn và thành tinh hoa của đất nước. Những công trình đổ nát thì có thể phục dựng hoặc xây lại, nhưng văn hóa, lối sống mất đi, thì sẽ chỉ còn trong văn thơ, sử sách.

Nền văn hóa của một vùng đất, nhất là thủ đô văn hiến là thứ mênh mông, rộng lớn, mà biết bao nhà văn hóa, nhà sử học tài năng, với biết bao công trình nghiên cứu, vẫn chưa cắt nghĩa hết được. Chính vì thế, trong khuôn khổ bài báo, không thể nêu hết được văn hóa, lối sống của người Hà Nội xưa và nay. Tác giả chỉ đi vào thực tế cuộc sống của Hà Nội, với những con người, những gia đình “cũ kỹ”, vẫn giữ lại được một chút Hà Nội xưa, để bạn đọc thấy được rằng, một Hà Nội đang biến chuyển rất nhanh, nhiều nét văn hóa đã mất đi, song ở đâu đó, vẫn có những con người, vẫn giữ gìn nét thanh lịch của người Hà Nội xưa.

Bài 1: Có một Hà Nội xưa trong ngôi nhà cũ kỹ

Để hiểu người Hà Nội như thế nào, chúng ta thường tìm những cuốn sách của “nhà Hà Nội học” Nguyễn Vinh Phúc, nhà văn Băng Sơn, nhà văn Tô Hoài, hay các nhà sử học Lê Văn Lan, Dương Trung Quốc, hoặc thả hồn theo tiếng nhạc của Phú Quang, của Nguyễn Đình Thi… Tôi đã làm nhiều cách để hiểu hơn nữa về người Hà Nội. Tôi đã ăn một bát phở của người Hà Nội ở phố Bát Đàn, đã nếm thử món bún ốc lạnh, món bánh rán nóng giòn tan ở Ô Quan Chưởng, ăn món bánh cuốn của ba chị em ở phố Phan Phù Tiên, nhâm nhi ly café vỉa hè Nguyễn Du để thưởng hương hoa sữa, nhiều lần xếp hàng ăn que kem mát lạnh ở phố Tràng Tiền, thả hồn với ấm trà sen đậm đà chất Việt ở hiên trà Trường Xuân, đường Ngô Tất Tố… Tôi đã thức đến quá khuya bên Hồ Gươm tĩnh lặng, đi dọc triền đê sông Hồng vào buổi chiều tà để nghe tiếng sông Hồng thở than… Nhưng, tôi nhận thấy rằng, Hà Nội xưa trầm lắng, Hà Nội xưa thanh lịch, Hà Nội xưa chậm rãi, đã gần như biến mất. Chỉ ở đâu đó, rất hiếm hoi, rất khó gặp giữa phố phường phồn hoa đô hội, dù chỉ là một chút lắng sâu của Hà Nội xưa.

Đi tìm lối sống xưa của người Hà Nội - Tin180.com (Ảnh 1)
Ông Chỉ và bà Thanh dù đã lên chức cụ xong họ vẫn ngọt ngào “anh – em”. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Con phố Gia Ngư nhỏ như một cái ngõ rộng bắt đầu từ phố Hàng Đào. Cũng như những con phố khác ở khu phố cổ, cảnh tượng buôn bán tấp nập, người qua lại đông đúc. Trong con phố ấy, có một ngôi nhà nhỏ, với 4 thế hệ sinh sống. Đại gia đình này không có những người nổi danh thiên hạ về tài văn chương, thơ phú, không có những phú gia địch quốc về tiền tài, không có những giáo sư, tiến sĩ về học thức, chỉ có những con người rất bình dị, những người lao động thuần túy bằng chân tay, bằng khối óc và sống bằng lối văn hóa rất xưa của người Hà Nội. Đó là một trong số ít gia đình hiếm hoi vừa được TP Hà Nội tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu thủ đô – 2010″ nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tôi hỏi nhà cụ Nguyễn Khắc Chỉ, một chị bán bún chả, một chị ngồi bên quầy hàng chả rươi ở gian ngoài ngôi nhà vội đứng dậy đon đả mời vào, với nụ cười rất tươi nở trên môi. Một cụ bà dáng người nhỏ nhắn, cũng với nụ cười hiền lành, giọng nói nhẹ nhàng như thiếu nữ mời tôi vào gian trong ngôi nhà. Bà pha trà mời tôi, rồi lên gác gọi chồng. Lát sau, cụ ông lần từng bước xuống cầu thang. Cụ ông nâng chén trà mời tôi, cụ bà đứng cạnh. Lúc đó, cụ ông mới cất tiếng: “Xin lỗi, cháu là con nhà ai mà ông bà chưa nhớ ra?”. Nghe tôi giới thiệu là nhà báo, ông bà lại cười tủm tỉm. Hóa ra, hai cụ tưởng tôi là cháu chắt ở xa đến thăm, và hai cụ tỏ vẻ rất hối lỗi vì không nhận ra tôi là con cái nhà ai. Cảm giác của tôi khi hiện diện trong ngôi nhà tứ đại đồng đường giữa lòng Hà Nội này rất thân quen. Trong ngôi nhà mà trị giá dễ đến nửa tỉ đồng một mét vuông ấy, không có chiếc tivi LCD sang trọng, với dàn âm thanh hoành tráng, cũng không có những bộ salon chạm trổ long phượng… cái gì cũng cũ kỹ, cũng giản dị, cũng cổ xưa, và cái “cổ xưa” nhất có lẽ là cách thức tiếp khách ân cần, gần gũi của gia chủ.

Đi tìm lối sống xưa của người Hà Nội - Tin180.com (Ảnh 2)
Chiếc kỷ niệm chương chứng nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu thủ đô” được ông Chỉ đặt trang trọng trên bàn thờ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Hỏi về chuyện gia đình đã sống như thế nào để được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu thủ đô” trong dịp đại lễ, cụ Chỉ nhấp chén trà, rồi chậm rãi nói: “Có rất nhiều gia đình xứng đáng với danh hiệu ấy, chứ không riêng gì gia đình ông đâu. Ông nghĩ, cái cốt lõi của văn hóa, của cốt cách, phải là lòng yêu nước, sự hi sinh vì Tổ quốc”. Ông Chỉ bắt đầu câu chuyện về lòng yêu nước. Chẳng thế mà, ở tuổi 18, ông đã bỏ nghề cắt tóc, tham gia quân đội, thuộc D50 Mặt trận Thành Hà Nội, có nhiệm vụ theo dõi các nhân vật theo địch. Khi miền Bắc giải phóng, sẵn có năng khiếu biểu diễn nghệ thuật, ông tham gia đội văn công, thuộc Đoàn cải lương Ứng Lập, rồi đoàn Kim Phụng. Cuộc đời làm văn công của ông được đánh giá xứng đáng bằng tấm bằng khen của Chính phủ.

Năm 1965, theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai Nguyễn Khắc Chỉ, khi đó có nghệ danh Thanh Chỉ đã bỏ lại người vợ trẻ cùng đàn con nhỏ, bỏ lại cha mẹ già, xung phong lên tận Thanh Sơn (Phú Thọ) để phục vụ phong trào xây dựng kinh tế. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh, khi đó cũng là diễn viên của đoàn cải lương, với nghệ danh Tuyết Khanh. Ông đi biểu diễn khắp huyện phục vụ đồng bào, xây dựng đội văn nghệ ở các xã. Tròn một năm sống và phục vụ đồng bào miền núi, năm 1966, ông nhận tin mẹ bị mù, vợ ốm nặng, nên phải trở về Hà Nội chăm mẹ, chăm vợ và đàn con. Ngôi nhà ông dựng lên, cùng ruộng vườn ở thôn Giai Thượng, xã Thắng Sơn, ông tặng cho một gia đình nghèo nhất trong xã. Về hưu rồi, ông vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào trong khu phố, nhiều năm làm tổ phó, tổ trưởng, dân phòng, hội đồng nhân dân, hội người cao tuổi… dù chẳng có đồng phụ cấp nào.

Đi tìm lối sống xưa của người Hà Nội - Tin180.com (Ảnh 3)
Con làm việc, mẹ phụ giúp một tay. Ảnh: Phạm Ngọc Dương

Ông bà sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái. Những người con trai của ông lớn lên, ông đều động viên vào quân ngũ. Người ở chiến trường miền Nam ngót chục năm, người ở vùng lửa đạn Campuchia, người chiến đấu ở biên giới năm 1979. Ông nhớ mãi lần người con cả xin đơn vị nghỉ phép 2 ngày về thăm gia đình. Anh con cả cho bạn mượn bộ quần áo quân đội phát, rồi đi mất, không trả, nên sợ không dám quay lại đơn vị. Ông đã tìm mua một bộ quân phục giống y chang, rồi dẫn con lên tận đơn vị xin lỗi. Sau này, người cháu của ông, thi đại học năm đầu không đỗ, ông cũng động viên đi nghĩa vụ, rồi về thi cử sau. Trong số những người con của ông bà, hiện vợ chồng anh thứ 3 và cô thứ 5 đang ở cùng. Ông bà đã đón đứa chắt ra đời từ mấy năm nay, nên trong nhà đã có tới 4 thế hệ cùng sinh sống.

Tôi hỏi rằng, với người Hà Nội, đứa trẻ được dạy cách ứng xử nào đầu tiên? Ông Chỉ bảo, khi đứa trẻ biết nói, điều đầu tiên nó phải biết là khoanh tay chào những người hàng xóm: “Con chào cô, con chào chú ạ!”. Tôi tỏ ra khá ngạc nhiên. Ông Chỉ phân tích: “Các cụ đã dạy rằng: Thứ nhất cận lân, thứ nhì cận thân. Những người hàng xóm là những người gần gũi nhất. Ốm đau, bệnh hoạn, những người hàng xóm sẽ biết ngay và giúp mình. Có thể con cháu ở rất xa, không biết và cũng không đến kịp. Hàng xóm tối lửa tắt đèn phải có nhau, sống phải nghĩa tình, nhất mực thủy chung… người Hà Nội ai cũng phải hiểu điều đó”.

Đi tìm lối sống xưa của người Hà Nội - Tin180.com (Ảnh 4)
Đại gia đình tứ đại đồng đường này vẫn sống theo lối của người Hà Nội xưa. Ảnh: Phạm Ngọc Dương.

Nhắc đến chuyện xóm giềng, đôi mắt ông Chỉ chợt nặng trĩu. Hình như có một nỗi buồn ẩn sâu trong đôi mắt già nua. Bà Thanh giải thích rằng, xưa kia con phố Gia Ngư yên bình, sạch sẽ và hàng xóm thì tình cảm lắm. Ban ngày bận rộn buôn bán, nhưng đến tối thì hàng quán dọn cả. Trước cửa nhà bà cứ ríu rít tiếng cười, tiếng nói của các cụ già, con trẻ. Nhưng giờ, con phố nhỏ Gia Ngư chẳng còn mấy người Hà Nội nữa. Phần lớn là người nơi khác chuyển về tạo ra cảnh buôn bán sầm uất, náo nhiệt. Ngay cạnh nhà ông bà, cũng đếm được tới 10 ngôi nhà, với 20 hộ đã lần lượt chuyển đi. Người sang Gia Lâm, người ra tận bãi Tứ Liên, người ở mãi huyện Từ Liêm. Nguyên nhân chủ yếu là do chật chội, đông đúc, không chịu được cảnh ồn ào tấp nập, nên họ bán đi, chia cho con cái, rồi tìm nơi yên tĩnh, rộng rãi để sinh sống. Khắp con phố, giờ chỉ toàn người nơi khác đến, buôn bán tấp nập ngày đêm. Ông Chỉ bảo: “Con phố Gia Ngư ông ở vẫn cảnh cũ, nhưng chẳng còn người xưa. Giờ tìm đâu ra người thủ đô ngàn năm văn hiến nữa”. Tuy nhiên, theo ông Chỉ, hầu như đêm nào, cũng có một hai gia đình hàng xóm khi xưa tìm về thăm gia đình ông, ôn lại cảnh tình xưa nghĩa cũ. Anh hàng xóm, từng ở số nhà 27, cạnh ngôi nhà 25 của đại gia đình ông, dù đã bán nhà chuyển đi nơi khác, song thi thoảng vẫn dẫn vợ, con tìm về, với quà cáp, rồi tình cảm thân thương với ông và bà như với cha, với mẹ.

Ông Chỉ lật đật đi ra vỉa hè con phố Gia Ngư, ngắm phố phường xe cộ đi lại mà rầu lòng than thở. Ông bảo rằng, giờ người lớn gặp nhau, cũng chẳng còn tiếng “chào anh, chào bác”, bọn trẻ thì phóng xe vù vù, chứ chẳng chịu khoanh tay “chào ông, chào bà”. Con phố sạch sẽ khi xưa, giờ thi thoảng lại có đống rác lù lù mà không rõ thủ phạm, những tiếng chửi bậy ngày xưa chẳng bao giờ ông gặp, giờ cứ văng vẳng bên tai như mũi khoan xoáy vào lòng. Cái con phố nhỏ ông bà ở, giờ bụi bặm, ồn ào và đầy tiếng văng tục.

Giữa con phố đông đúc, hoa lệ, nơi cuộc sống ganh đua từng manh áo, hạt cơm, vẫn còn một ngôi nhà cũ kỹ, với những thứ đồ đạc cũ kỹ, nơi có 4 thế hệ sống hòa thuận, chậm rãi, giản đơn, trầm lắng mà đầy chiều sâu… Tôi thấy cả một Hà Nội xưa cũ vẫn ẩn giấu trong nếp nhà mộc mạc, lạc lõng giữa phố phường tấp nập.

Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
(theo vtc)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.