Chơi với con, không phải việc đơn giản
Đã thành lệ, tối đến, chị Hòa (Mai Động – Hà Nội) bắt đầu lên mạng ngó nghiêng thời trang, tranh thủ buôn dưa lê với mấy cô bạn thân. Chồng chị cứ về đến nhà lại ôm chặt lấy chiếc tivi mới Full HD.
Bé Nấm, cô con gái năm tuổi đứng phía sau, cầm món đồ chơi mới mua hồi chiều, tay níu lấy mẹ: “ Chơi với con đi mẹ…” Mải mê với màn hình, chị chẳng chú ý đến con. Đến khi cu cậu phụng phịu la lớn “ Chẳng ai thèm chơi với con hết, con ghét mẹ, con chán nhà này lắm!” chị mới hoảng hồn, tắt máy để bày trò chơi với con. Nhìn quanh chị thấy đúng là chẳng ai thèm chơi với bé Nấm thật.
Nhiều lúc ngồi kể chuyện với bạn bè: “Chỉ mong ngày nào cũng có bà ngoại buổi tối sang chơi với con để mình được rảnh rang”. Dù thương con nhưng người mẹ vẫn thích tán dóc với bạn bè trên mạng hơn là chơi với cậu con trai nhỏ!
Một lần bé Nấm được giải thưởng ở trường mẫu giáo. Bà ngoại hỏi: “Con thích bà thưởng gì?”. Bé Nấm chỉ thì thào: “Con thích có bố giống bạn Tí nhà bên. Mối tối, cả nhà bạn ấy chơi cá ngựa rất vui, hay chơi trò Domino nữa bà ạ”.
Đồ chơi đắt tiền không thay thế được bố mẹ
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng bỏ tiền ra mua cho con trẻ vài món đồ chơi đắt tiền, rồi để mặc cho con chơi tùy thích. Thế là đã hoàn thành trách nhiệm. Nhưng họ không hiểu rằng thật ra trẻ con thích chơi hơn cả là được cha mẹ chơi chung với chúng hàng ngày, giống như bạn bè cùng lứa vậy.
Bố mẹ chơi với con, giúp con nhanh biết nói, thông minh, lanh lợi. Anh Minh (Xa La Hà Đông) tối nào cũng “chịu khó” ngồi chơi với con đến khi chúng lên giường đi ngủ. Mỗi lần kể chuyện anh đã chơi cùng cô con gái ba tuổi như thế nào gương mặt anh cứ ngời ngời hạnh phúc. Hai bố con cưỡi ngựa nhong nhong, còn không thì anh cũng đọc sách hay kể chuyện cho cô bé nghe.
Không phải chỉ trẻ nhỏ mới cần bố mẹ chơi cùng. Cả những bé lớn hơn, thậm chí học cấp 2, cấp 3 vẫn thích được chơi với bố mẹ. Con gái chị Lan đã 15 tuổi, nhưng tối nào chị cũng bận bịu với việc chơi với con, dạy con học hay kể chuyện cho con nghe. Con gái tối nào học bài xong cũng năn nỉ mẹ kể chuyện gì đó cho nghe. Khi thì chị kể chuyện trên báo, khi thì chuyện hàng xóm, có khi kể chuyện ở chợ nữa. Chị bảo, nhu cầu nghe truyện đôi khi không phải là vì trẻ muốn nghe nội dung câu truyện mà chỉ đơn giản là muốn gần gũi, tâm tình với mẹ.
Nhưng để cho “gọn việc nhà” và “đỡ nhức đầu”, nhiều mẹ cứ ăn tối xong là ép con lên giường đi ngủ. Mẹ mệt quá, chỉ biết ru con bằng những câu quát: “Ngủ đi không ông ọp bắt bây giờ”. “Không ngủ, mẹ phát vào đít cho bây giờ”.
Có mẹ cho biết: “Nhiều lúc mình mệt quá, không còn sức chơi với con. Đi làm về mệt, thấy nó chạy lung tung đã chóng mặt. Nói nghĩ ra chuyện làm gì để nó ngồi yên cũng là cả một vấn đề”.
Quốc Bảo (Tổng hợp)
(theo afamily)