Nhiếp ảnh gia Trần Bích |
Là một doanh nhân nhưng ông Trần Bích lại có niềm đam mê với nhiếp ảnh. Khoảng 6,7 năm nay ông mải mê săn tìm các cảnh vật mà ông yêu thích. Ở tuổi 65 nhưng nghe đâu có sen đẹp là ông lên đường.
Cơ duyên nào giúp ông chuyên tâm chụp ảnh sen như vậy?
Đó là vào tháng 3/2009, tôi phát hiện có một đầm sen hoang ở Mũi Né – Phan Thiết. Từ xa tôi thấy có những bông hoa rất đẹp, tựa như bông hồng vậy. Thấy đẹp quá nên tôi nhảy xuống chụp. Vì đây là một đầm hoang nên có đủ các cung bậc của đời sen: chồi sen, hoa sen, lá sen gia, lá sen non, gương sen. Phải nhảy xuống đầm mới chụp đẹp được. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ cảnh quan tôi mới chụp. Tôi thấy quần thể sen giống như con người vậy. Có già, có trẻ. Có sinh – lão – bệnh- tử y như con người. Từ lần chụp ảnh này trở về đâm ra tôi mê sen. Và từ đó đến nay tôi chỉ chuyên chụp ảnh sen.
Làm sao có được những bức ảnh về sen đẹp như vậy? Có gian nan lắm không, thưa ông?
Chụp ảnh sen rất khó. Nhiều khi phải nằm xuống ruộng đưa máy lên trời. Mà chị biết đấy, thân hình tôi không được gọn nhẹ lắm nên khi nằm bị lún xuống bùn. Có khi mệt quá níu bông sen ngửi nhiều lần. Hương thơm khiến tỉnh cả người và đỡ mệt mới dậy nổi. Để có được bức Bừng sáng, tôi đã phải nằm dưới bùn vác máy ngửa lên canh mặt trời và chụp dễ đến 100 tấm mới có được một bức hình ưng ý.
Mọi người sau khi xem ảnh sen của ông đều có chung một nhận xét: ảnh sen của ông không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà dường như chứa đựng một vẻ đẹp nào đó thẳm sâu từ bên trong. Mỗi bức dường như chứa đựng tâm trạng nào đó. Ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa một số bức ảnh đẹp được người xem yêu thích?
Bức Lòng mẹ tại cuộc triển lãm đầu tiên (tháng 9/2009 tại TP. HCM) bán được 100 triệu quả thật là bất ngờ với tôi. Đó là hình ảnh của một đài sen vươn lên trên mặt nước. Phía dưới là một lá sen già mục ruỗng. Lá sen tượng trưng cho người mẹ. Ý tưởng bức ảnh này có được là do trong quá trình đi chụp tôi bứt lá sen để dọn dẹp cho sạch sẽ để chụp thì bị người dân la quá trời. Họ cho tôi biết lá sen nuôi hoa sen và đài sen. Nếu tôi bứt lá sen thì hoa sen, đài sen cũng sẽ chết theo luôn. Chính vì vậy bức ảnh này tôi đặt tên Lòng mẹ vì ngắm bức ảnh này người ta dễ liên tưởng đến một người mẹ già luôn hường lòng mình về người con. Còn bức Đời sen, tôi chụp bông sen vươn lên trên mặt nước nhiễm phèn. Bức này bán đấu giá được 70 triệu đồng. Mặt nước nhiễm phèn nên có váng màu nâu.
Để có những lằn nâu trên mặt nước tôi phải lấy tay quơ đi quơ lại nhiều lần mới có được hình váng đẹp như vậy. Tôi đặt tên bức ảnh như vậy là muốn nói một điều: dù sống ở nơi nào dù bùn lầy, nước phèn nhưng sen vẫn vươn lên để sống và sống đẹp. Nhìn ra xã hội con người cũng có không ít người như vậy, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trở thành người có ích cho xã hội như những người khuyết tật chẳng hạn.
Được biết ông có ý nguyện làm việc thiện qua những cuộc triển lãm của mình. Ông có thể nói rõ hơn?
Tôi là một doanh nhân. Đến nay về kinh tế cũng ổn định nên gia đình tôi hay đi chùa làm việc thiện. Bởi vậy khi tôi chụp hình và thấy có hình đẹp tôi có ý định mở triển lãm. Một phần để thỏa mãn thú đam mê của mình. Phần nữa bán ảnh có tiền tôi dành giúp đỡ người nghèo. Hai bức hình bán được tại cuộc triển lãm đầu tiên được 170 triệu đồng tôi tặng cho chương trình “Giấc mơ của Thúy” của báo Tuổi trẻ. Bức hình Bừng sáng đấu giá trong đêm nhạc từ thiện được 250 triệu đồng. Còn 60 bức ảnh bán được tôi cũng dành tặng người nghèo. Tất cả 40 bức ảnh triển lãm tại Huế năm 2010, tôi tặng hết cho Hội Phật giáo Thừa Thiên Huế để góp phần làm từ thiện.
Điều gì khiến ông thấy hài lòng qua các cuộc triển lãm?
Ngoài niềm vui được góp phần giúp đỡ người nghèo tôi còn thấy sung sướng khi nhận được những lời khen tặng của người xem. Có nhiều người nói rằng họ đã xem nhiều ảnh sen nhưng ảnh sen mà nhiều ý nghĩa như vậy thì đây là lần đầu tiên họ được thấy. Đó là phần thưởng cho niềm đam mê chụp ảnh sen của tôi. Tháng 10 tới, tôi sẽ tổ chức triển lãm tiếp ở thành phố Hà Nội.
Theo nongnghiep