Giống như hai kẻ độc hành trong bóng đêm, một tàu vũ trụ Mỹ và một sao chổi sẽ lao về phía nhau vào ngày Valentine, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo.
Hình minh họa cảnh tàu Deep Impact bắn đạn vào thiên thạch Tempel 1 để thu bụi vào ngày 3/7/2005. Ảnh: utahskies.org.
Phi thuyền Stardust-NexT của NASA sẽ chụp nhanh nhiều bức ảnh khi nó bay qua thiên thạch Tempel 1. Khi đó khoảng cách gần nhất giữa chúng sẽ vào khoảng 200 km, AFP đưa tin.
Những bức ảnh sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu bề mặt của Tempel 1 – có chiều rộng chừng 6.000 m – thay đổi thế nào sau khi bay một vòng xung quanh mặt trời trong 5 năm. Quỹ đạo của Tempel 1 nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc.
NASA từng cho tàu Deep Impact nã đạn vào sao chổi Tempel 1 để nghiên cứu vật chất của nó hồi tháng 7/2005. Các nhà khoa học của NASA ngạc nhiên khi thấy vật chất mà họ thu được từ sao chổi. Đó là những hạt bụi nhỏ và mịn, chứ không phải nước, băng hay đất như dự đoán của họ. Tàu Deep Impact cũng tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nước trên bề mặt Tempel 1, chứ không chỉ bên trong sao chổi.
Joe Veverka, một nhà nghiên cứu của Đại học Cornell tại Mỹ, sẽ tham gia chương trình phóng tàu Stardust – NExT.
“Cuộc hội ngộ lần thứ hai với Tempel 1 sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của sao chổi và lịch sử hình thành của chúng cách đây 4,5 tỷ năm”, ông nói.
Một thông báo của NASA cho hay, tính tới hôm 19/4, phi thuyền cách sao chổi hơn 24 triệu km. Stardust-NExT xác định vị trí của Tempel 1 nhờ lực hút của trái đất.
(theo vnexpress)