Nếu hỏi những ông bố bà mẹ đang làm lụng ngày đêm, tất tả kiếm tiền như thế để cho ai, phần lớn câu trả lời sẽ là: “Tất cả vì con”, “để nuôi con ăn học bằng bạn bằng bè” hay “để cho con sau này đỡ vất vả”.
Cha mẹ dù có đến cả chục người con vẫn chẳng hề kêu ca, phàn nàn. Vậy mà không thiếu những người than ngắn thở dài rằng phải chăm lo tứ thân phụ mẫu, hay kêu mình bất hạnh vì phải ở với bố mẹ chồng, phải chăm bố mẹ khi về già. Mẹ thức trắng đêm trong bệnh viện để canh chừng con sốt, sợ sốt cao quá thì co giật. Nhưng có người con mới chăm mẹ 1 tuần trong bệnh viện đã kêu mệt bở hơi tai. Đến ngày thứ bảy thì hoặc là phải “phân công trách nhiệm” hoặc là rước một ô sin vào trợ giúp.
Đặt ra một câu hỏi tự hỏi lòng mình: “Nếu trong cùng một lúc bạn nhận được một tin nhắn rằng cả con và bố (hoặc mẹ) phải đi cấp cứu bạn sẽ nghĩ đến ai và lo lắng cho ai nhiều hơn”. Có lẽ phần đa số sẽ trả lời rằng lo cho con mình hơn. Tưởng rằng cha mẹ sẽ buồn lòng, sẽ trách móc rằng con bạc bẽo, con phụ lòng. Nhưng người già từng trải, họ hiểu đời và độ lượng: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể. Con nuôi cha mẹ, con kể tháng ngày!”.
Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ dùng tiền của con có chừng
Ngày còn ở với cha mẹ, khi con cần tiền để làm việc gì, con chỉ cần nói với cha mẹ, cha mẹ sẽ cố gắng hết sức để lo cho con. Không đáp ứng được hết lại thương con không bằng bạn bằng bè. Cha mẹ có thể ăn qua quýt cho xong bữa nhưng con thì phải có thức này thức kia cho đủ chất. Mẹ có thể mặc bộ đồ của con thải ra, bố có thể mặc cái áo sờn vai mà không hề kêu ca, nhưng không thể để con áo rách.
Chẳng ông bố, bà mẹ nào tính toán ghi chép xem từ khi con sinh ra đến khi con trưởng thành đã tiêu tốn hết bao nhiều tiền của bố mẹ. Nhiều đứa con khi đã trưởng thành rồi còn hỏi vay tiền của bố mẹ để làm ăn (mà bố mẹ chẳng mấy khi đòi), hoặc gạ bố mẹ bán đất, bán nhà để mình lấy vốn làm ăn… Hình như tiền của cha mẹ cũng là tiền của con cái.
Nhưng tiền của con cái thì không mấy khi là tiền của cha mẹ. Có mấy bố mẹ khi khó khăn mà dám nói thẳng với con: “Con gửi về cho bố mẹ một ít tiền”. Không ít ông già bà già khi con cháu đi xa về gần biếu vài trăm tiền ăn quà vặt đã rưng rưng nước mắt cảm động. Lại có người, con cái cho tiền chẳng dám tiêu, gói vào để đó như một hình thức “tiết kiệm” cho con. Thế nhưng không ít những người con phân chia nhau mỗi tháng mỗi đứa phải gửi về cho bố mẹ bao nhiêu tiền, đứa này nuôi bà, đứa kia nuôi ông…
Nhà bố mẹ là nhà con, nhưng nhà của con không phải nhà bố mẹ
Mỗi khi con cái đi làm ăn xa, trở về nhà của bố mẹ là cảm giác được về nhà mình. Nhưng cha mẹ đến ở nhà con thì tâm lý không phải nhà mình, dù là nhà con trai. Ăn gì, làm gì, nói gì cũng phải nhìn trước ngó sau kẻo không vừa lòng con dâu, sợ con dâu đánh giá…
Nhiều cụ thấm thía câu: “Xa thương, gần thường”. Thỉnh thoảng cha mẹ tới nhà con chơi, thăm con thăm cháu thì chúng quý hóa,chăm bẵm. Nhưng nếu cứ ở dầm dề, chắc chắn sẽ chẳng lành. Vậy là nhiều bậc cha mẹ cho dù con cái thành đạt, nhà cao cửa rộng vẫn muốn ở lại ngôi nhà cũ kỹ ngày xưa, quyết không chịu đến ở cùng con cái.
Nước mắt chảy xuôi
Âu cũng là quy luật, muôn đời vẫn thế. Cha mẹ yêu con vô hạn, dành tất cả cho con, nhưng con cái lại lo cho con cái của chúng, mấy ai toàn tâm toàn ý được với cha mẹ già.
Hãy nghĩ việc chăm con là niềm vui, là hạnh phúc, là nghĩa vụ chứ đừng mong sau này con báo đáp. Ai chăm con mà mong con sau này chúng báo đáp, bõ những ngày tháng vất vả là tự làm khổ mình.
Ai làm cũng cũng đừng biến việc phụng dưỡng cha mẹ thành nghĩa vụ, gánh nặng. Hãy nghĩ rằng làm cho bố mẹ vui là hạnh phúc, là bổn phận của mình.
Lan Tường
(Theo dantri)