Cha cưới vợ đi, cha ơi!
Sunday, October 2, 2011 8:58
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Đầu tháng, cha lặn lội lên thành phố thăm hai chị em. Cha vác một bao lủ khủ nào ốc lác, cua đồng, bông điên điển, khô, mắm… “Cha nghe xã thông báo năm nay nước lớn hơn mọi năm nên cha phải ở nhà lo hộ đê, cứu lúa. Sợ tụi con trông nên cha lên sớm”- cha vừa trút mọi thứ ra, vừa bảo.
Mẹ tôi đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó giữa đồng nước mênh mông…
Tôi nhìn mái tóc đã qua bao mùa mưa nắng của cha mà không khỏi nao lòng. Bé Ba, em tôi buộc miệng: “Cha ơi, sao bữa nay tóc cha bạc nhiều quá vậy? Lần trước cha lên đâu có? Cô Út có qua thăm cha không?”. Bé Ba hỏi dồn nhưng cha vờ như chẳng nghe, vẫn tiếp tục hết sắp cái này, lại soạn cái kia… Cuối cùng, tôi phải lên tiếng: “Cha ơi, dạo này cô Út ra sao rồi? Cô có hay qua thăm cha không?”.
Đến nước này thì cha phải trả lời: “Lâu rồi không thấy qua…”. Cả tôi và Bé Ba đều ngạc nhiên: “Sao vậy cha?”. Cha nhíu mày: “Cái gì mà sao với trăng? Cha biểu cổ đi lấy chồng nên cổ giận”.
Cô Út là người ở cùng xóm với nhà tôi. Từ ngày mẹ tôi mất, cô đã tới lui thăm nom, chăm sóc 3 chị em tôi. Không chỉ trong gia đình mà bà con chòm xóm đều nói vào. Vậy mà cha vẫn làm thinh. “Cha nói vậy thì cô Út giận là phải rồi. Thôi, cha về làm lành với cô Út đi”- Bé Ba thủ thỉ. Nhưng cha lắc đầu: “Già rồi chớ có phải con nít đâu mà giận hờn…”.
Có lẽ vì vậy mà tóc cha bạc đi nhiều. Lần này lên thăm hai chị em, cha không vui như những lần trước. Tôi không nhắc nữa nhưng hôm sau, khi đưa cha ra xe trở về Cao Lãnh, tôi ngập ngừng: “Cha à, con kiếm được việc làm rồi, có thể phụ cha lo cho mấy đứa nhỏ… Mẹ con mất cũng lâu rồi. Con thấy cô Út thương cha thật lòng. Cha ơi, cha cưới vợ đi cha… ”. Cha tôi quay đi, mãi lát sau mới trả lời: “Cha cũng biết vậy nhưng cha không quên được mẹ… Phải chi hôm đó cha không bịnh thì mẹ đâu phải ra đồng…”.
Chuyện xảy ra đã hơn 10 năm mà cha cứ day dứt. Nửa đêm hôm đó cha bị sốt, đến sáng thì mệt lả không đi thăm lưới được. Trời mưa lâm râm, mẹ chèo ghe đưa tôi và Bé Ba qua sông đi học. Khi quay về, mẹ dặn: “Lát trưa tụi con quá giang người ta về nghen. Cha bịnh, mẹ phải đi thăm lưới rồi ra chợ xã mua thuốc cho cha nên không kịp rước tụi con”.
Mẹ quay về một lát thì trời nổi giông mưa. Gió mạnh đến nỗi mấy cây phượng trong sân trường bị trốc gốc. Nhà trường cho học sinh nghỉ học nhưng phải quá trưa, chúng tôi mới tìm được ghe để quá giang qua sông về nhà.
Đến nhà, thấy bếp núc lạnh tanh, cha nằm thiêm thiếp trong buồng, còn mẹ và em út không thấy đâu, tôi gọi cha dậy: “Cha bớt bịnh chưa? Mẹ đâu cha?”. Đến lúc ấy, cha tôi mới giật mình. Trời đang mưa, người đang sốt xật xừ mà cha cứ lao ra bờ kênh…
Xế chiều, mấy người đi hái bông điên điển bắt gặp chiếc ghe trên đó có một đứa bé chừng 4-5 tuổi nằm thoi thóp, sợi dây cột chặt chân nó được luồn qua cái lỗ lù của chiếc ghe. Một rổ bông điên điển, mấy con cá mắc lưới có con đã chết nằm phơi bụng… Người ta đưa thằng bé về trạm xá của xã. Có người quen nhận ra nó là thằng em út của tôi. Đêm đó, cả xóm đốt đuốc đi tìm mẹ tôi. Còn cha tôi thì chống xuồng quần nát cánh đồng sau nhà… Nhưng mẹ tôi đã vĩnh viễn nằm lại đâu đó giữa đồng nước mênh mông…
Sau này cha tôi kể lại, sáng đó, nghe mẹ nói đi thăm lưới, cha đã rầy: “Bỏ một bữa đi, có sao đâu”. Nhưng mẹ không chịu: “Uổng lắm! Ba nó vô nằm nghỉ đi, em gỡ lưới xong là về liền”. Lúc đó cha mệt quá nên cũng không đủ sức cản mẹ: “Ừ, nhớ về sớm; phải cột thằng nhỏ lại, không thôi nó té…”.
Cha vô nhà, mệt quá nằm thiếp đi. Không ngờ đó là những lời cuối cùng cha nói với mẹ… Không ai biết chuyện gì đã xảy ra giữa đồng nước Tháp Mười hôm đó, ngoại trừ thằng út. Nhưng nó còn quá nhỏ để giải thích mọi chuyện. Sau này, thỉnh thoảng chúng tôi nhắc mẹ thì nó bảo: “Mẹ té xuống nước rồi mất tiêu luôn. Em kêu lớn lắm mà mẹ không nghe…”.
Mẹ mất, cha lầm lũi như một cái bóng. Cứ đến mùa nước nổi, cha lại ra bờ kênh ngóng tìm. Có hôm cha uống rượu rồi chống xuồng đi tới khuya… Có lần, cô Út phải đưa cha về.
Thoạt đầu chúng tôi rất ghét cô Út vì sợ cô sẽ trở thành mẹ kế của mình. Tôi rất ám ảnh với nhân vật Tào Thị trong chuyện Tấm Cám nên hễ thấy mặt cô Út là chúng tôi hấy nguýt, gầm gừ…
Năm tôi mười lăm tuổi, cha bảo sẽ cho hai chị em tôi ra thị xã học nhưng tôi nhất định không chịu mà đòi học ở thị trấn. Tôi dấm dẳn: “Cha bắt con đi để ở nhà cha rước bà Tào Thị về hả?”. Cha ôm hai chị em tôi vào lòng: “Cha muốn lo cho tương lai của các con chớ không muốn rước ai về hết. Phải học thì mới thoát khỏi cảnh nghèo đói như cha mẹ…”.
Nói vậy rồi cha lặng thinh, tôi biết cha lại nhớ mẹ.
Thế là tôi không dám cãi. Nhưng để ngăn chặn từ xa, hai chị em tôi cứ đột kích về liên tục. Từ thị xã phải đạp xe gần hai chục cây số mà tôi và Bé Ba cứ thay nhau về. Giờ giấc về cũng không cố định, khi cuối tuần, khi giữa tuần, có khi 8-9 giờ tối về rồi sáng sớm hôm sau lại đi… Và một trong những lần đột kích ấy, tôi đã bắt gặp tại trận cha và người phụ nữ ấy.
Hôm đó tôi về tới nhà thì đã gần 10 giờ đêm. Vừa mệt, vừa đói nhưng không thấy cha, tôi bực dọc đi tìm. Kết quả là tôi thấy cha và cô Út ngồi ngoài bờ kênh. Tôi quyết rình xem họ nói gì với nhau. Tôi ngồi rất lâu mà chẳng nghe hai người nói gì, chỉ có tiếng cô Út khóc tấm tức. Rất lâu sau, cha mới lên tiếng: “Tôi biết Út thương tôi nhưng ngặt nỗi mấy đứa nhỏ không chịu… Thôi, Út coi chỗ nào đàng hoàng thì ưng đại đi. Lớn tuổi rồi còn kén chọn làm gì…”.
Nghe đến đây, tôi lẳng lặng bỏ vô nhà. Từ hôm đó, tôi không còn ghét cô Út nữa, cũng không “đột kích” về bất tử để rình xem cha có chặt dạ với mẹ không… Dần dà, cả ba chị em tôi đều thương cô Út lúc nào không hay.
Ngày tôi thi đậu đại học, trước lúc lên Sài Gòn học, tôi đã qua nhà cô: “Trước đây tụi con có gì không phải, cô bỏ qua cho tụi con nghen. Con muốn cô về bên nhà con ở với cha cho vui…”. Nhưng cô lắc đầu: “Không được đâu con. Cha con chặt dạ lắm”.
Tôi lên Sài Gòn học được hai năm thì Bé Ba cũng thi đậu đại học. Cha quyết định thuê nhà cho hai chị em ở vì “ở ký túc xá thì mỗi đứa một nơi, cha không yên tâm”. Tôi biết, để có tiền tháng tháng gởi cho chúng tôi trả tiền nhà, cha phải làm lụng rất nhiều. Thương cha, hai chị em vừa học, vừa kiếm việc làm thêm.
Bé Ba có khiếu “gõ đầu trẻ” nên nhận dạy kèm cho mấy đứa học trò tiểu học, còn tôi thì được nhận vào làm chân chạy bàn ở một quán ăn. Tiền kiếm được cũng đủ trang trải học phí và mấy thứ linh tinh. Khi biết chuyện, cha nổi giận: “Cha còn đủ sức lo cho tụi con mà!”. Thấy cha giận, chúng tôi hoảng quá, không dám trả lời nhưng từ đó, tháng tháng nhận tiền cha gởi lên, hai chị em không xài gì mà đem gởi tiết kiệm. Bé Ba nói: “Mình để dành cưới vợ cho cha nghen chị hai”. Tôi tán thành: “Ừ, em nói phải đó”.
3 năm qua, số tiền đó giờ có thể sắm được một lượng vàng. Tôi bàn với Bé Ba: “Chị hỏi bác Năm chủ nhà rồi. Đám cưới thì phải có nhẫn, có bông, dây chuyền. Rồi còn phải sắm sửa đồ đạc cho cô dâu nữa…”. Nói đến hai tiếng “cô dâu” hai chị em tôi ôm bụng cười vì tưởng tượng ra cảnh đám cưới cha và cô Út.
Cách hôm cha tôi lên hai tuần thì hai chị em tôi tranh thủ thứ bảy chạy về nhà. Thấy chúng tôi, cha hết hồn: “Có chuyện gì mà về bất tử vậy con?”. Bé Ba không nói không rằng chạy vô bếp lục cơm nguội, còn tôi thì làm mặt nghiêm trọng: “Có chuyện tụi con mới về. Cha lên nhà trên đi, con nói chuyện này cho cha nghe”.
Tôi vào đốt nhang cho mẹ rồi bảo cha ngồi xuống trước bàn thờ. Tôi khấn mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay tụi con về xin phép mẹ đi cưới vợ cho cha. Cha bây giờ yếu rồi mẹ à. Tụi con ở xa, không có ai chăm sóc cho cha. Lỡ cha đau ốm bệnh tật thì biết làm sao… Con thấy cô Út thương cha thiệt lòng, mẹ cho phép chúng con rước cô về sống với cha nghen mẹ…”.
Tôi chỉ nói được đến đó thì nghẹn ngào, còn cha tôi thì đứng dậy bỏ ra ngoài.
Đêm đó, cha ngồi rất lâu trên bờ kênh. Gió thổi nhiều, cha lạnh ngồi co ro nên thấy dáng cha thêm gầy gò, tội nghiệp…
Cha hứa rồi, đợi đến đám giỗ mẹ năm nay, cha sẽ qua rước cô Út về.
Mấy chị em tôi rất mừng vì ngày ấy không còn xa nữa…
Sa Giang
(Theo nld)