Công việc của một người nội trợ trong gia đình từ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước đến chăm sóc hai đứa con nhỏ đã chiếm hết thời gian của chị. Nhưng điều làm chị buồn nhất là mọi chi tiêu đều phải trông vào kinh phí của chồng, quan hệ vợ chồng thường xảy ra những chuyện cơm chẳng lành canh không ngọt. Thỉnh thoảng, chị cũng muốn được đi mua sắm, làm đẹp như những chị em khác, song lại không dám vì ngại ngửa tay xin chồng.
Thời gian đầu anh Hòa còn hào phóng, nhưng càng về sau anh càng tỏ ra lơ là. Tệ hơn, anh còn tỏ ra không tin tưởng vợ. Ngoài phát cho vợ những khoản chi tiêu tối thiểu trong gia đình hằng tháng, còn bao nhiêu, anh cất giữ, tiêu xài mà không cho chị biết.
Trường hợp chị Dung lại có phần bi kịch hơn khi chồng chị suốt tháng, suốt năm biền biệt đi làm ăn xa ở xứ người, chỉ gửi tiền về cho vợ nuôi con. “Gái một con trông mòn con mắt”, nhìn chị Dung, đám đàn ông không khỏi ngẩn ngơ. Cũng không ít kẻ thường lui tới nhà buông lời tán tỉnh, giở thói trăng hoa.
Ban đầu, còn kiên quyết chối từ, chung tình với chồng, nhưng cái cảnh người đàn bà đang hừng hực, khao khát yêu đương trong khi chồng lại đi biền biệt khiến chị ngã vào vòng tay một chàng trai vẫn thường đến nhà. Anh này trẻ hơn chị hai tuổi lại không có nghề ngỗng gì.
Kể từ ngày rơi vào cảnh “già nhân ngãi non vợ chồng”, chị phải cung phụng cho anh ta cả tình lẫn tiền. Thế là số tiền chồng chị hằng tháng gửi về chạy hết vào túi nhân tình. Ngày chồng chị thông báo sắp hết hạn 3 năm lao động xuất khẩu ở nước bạn cũng là lúc “anh chàng họ Sở” bỏ của chạy lấy người. Lúc này chị chỉ còn biết tự trách mình và luôn bị day dứt không biết sẽ phải nói với chồng như thế nào.
Chị Thúy quyết định về sống với anh Bình trong khi chưa có việc làm. Vì thế kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ nghề chạy xe ôm của anh.
Ở khu xóm lao động, những phụ nữ “ở nhà chồng nuôi” như chị Thúy không phải là hiếm. Ngoài công việc chợ búa, nấu cơm, thời gian còn lại không biết làm gì, các chị thường tụm năm, tụm ba để buôn chuyện hoặc rủ nhau “bắt gà” (cờ bạc).
Lúc đầu chị chỉ chơi cho vui để giết thời gian, nhưng càng ngày chị Thúy càng say mê trò đỏ đen. Chị giấu chồng, chơi vào lúc anh đi làm và có mặt ở nhà trước lúc chồng về. Và để có tiền, chị phải bớt xén những khoản chi tiêu trong gia đình, nhiều lúc cay cú ăn thua, chị bỏ bê luôn cả việc nhà.
Có những lúc chị phải đi vay nóng để tiếp tục giết thời gian tại những cuộc “bắt gà” đó. Khi món nợ lên đến vài triệu đồng, chị mang bán cả những vật kỷ niệm hồi cưới để trả.
Chuyện vỡ lở, anh Bình thấy không còn khả năng hàn gắn được nữa nên đã đưa đơn ra tòa ly dị.
Cũng lập gia đình trong lúc không có nghề nghiệp gì, chị Phượng lại gặp phải ông nát rượu, vũ phu. Gia đình chị luôn rơi vào tình cảnh túng bấn, chạy ăn từng bữa. Việc làm thuê của anh không phải bao giờ cũng thuận lợi, và đi liền với đó là những trận đòn chị phải chịu cũng nhiều thêm.
Một lần, do quá uất ức, chị vớ được con dao Thái ở phên nứa và đã lỡ tay giết chồng. Với cái án tù chung thân, cuộc đời chị dường như đã khép lại sau song sắt nhà tù.
Những câu chuyện trên chỉ là những khía cạnh nhỏ đề cập đến những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh phụ thuộc. Trên thực tế còn nhiều bi hài kịch khác mà hậu quả không phải ai cũng lường trước được.