Nỗi niềm dâu “quê”
Saturday, October 1, 2011 7:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Mấy hôm sau, tôi đưa đơn ly dị. Có lẽ tôi không thể gánh vác vai trò của một nàng dâu thành phố.
Sinh ra và lớn lên ở một miền quê, từ nhỏ, tôi đã quen với cuộc sống mộc mạc của người quê. Vậy mà số phận lại đưa đẩy tôi làm dâu thành phố.
Gia đình người yêu tôi rất khá giả. Mẹ anh không chỉ đẹp mà còn sang trọng, đài các. Tuy vậy, anh an ủi là bà tôn trọng sự lựa chọn của con trai nên tôi sẽ được chào đón. Ngày ra mắt, được đón tiếp vui vẻ, tôi đã hi vọng về một cuộc sống hạnh phúc.
Song, ngay sau khi cưới, mẹ anh nói riêng với tôi là không bao giờ chấp nhận một đứa con dâu nhà quê. Dù tôi cố gắng đến mấy cũng sẽ không bao giờ có thể là thành viên trong gia đình. Mãi mãi, tôi chỉ là một người xa lạ.
Không khó khăn gì, tôi nhận ra, sự vui vẻ, nồng nhiệt, những lời khen ngợi tưởng như chân tình của bà… chỉ là giả dối. Khi nhà đông đủ, đặc biệt là trước mặt chồng tôi, bà luôn luôn niềm nở và ngọt ngào, lúc nào cũng “con ơi con à”. Nhưng khi chỉ có tôi với bà, cách xưng hô luôn là “tôi” và “cô”. Bất kể việc gì tôi làm bà đều không hài lòng. Bất cứ cái gì dính dáng đến tôi bà đều căm ghét. Bà miệt thị tôi một cách đầy ẩn ý và khéo léo, kiểu như: “Cô không thể chọn một bộ quần áo bớt quê à? Ừ, mà nhà quê thì có khóac áo gấm vẫn cứ quê!”. Tôi thành thật: “Hôm nào mẹ bày con chọn mua vài bộ thích hợp nhé!”. Bà nhăn mặt: “Xì… Tôi không có thời gian!”.
Bà “xung phong” đảm nhận việc “thu chi tài chính”. Bà đòi chúng tôi đưa hết thu nhập cho bà vì: “Mẹ giữ tiền hộ các con thôi, chứ tiền và tài sản của bố mẹ sau này là của hai đứa chứ có mất đi đâu mà sợ!”. Điều này tôi không chấp nhận, với lý do còn phải giúp gia đình ở quê. Chồng và bố chồng tôi thuyết phục mãi bà mới đồng ý chỉ lấy tiền ăn và sinh họat hàng tháng của hai vợ chồng.
Hàng ngày, bà đảm nhận việc đi chợ, mua thức ăn. Còn tất cả các việc khác trong nhà bà giao cho tôi với lý lẽ: “Để mẹ xem con dâu mẹ đảm đang thế nào”. Đi làm về, tôi còng lưng làm mọi việc cơm nước, dọn dẹp, giặt dũ… nhưng luôn bị bà phê phán: “Quét nhà rồi sao còn bụi? Quần áo phải giặt riêng từng thứ chứ. Lau nhà phải lau nhiều lần mới sạch…”. Những món ăn tôi nấu, trước mặt mọi người, mẹ chồng thường khen: “Ăn được! Tay nghề cũng khá!”. Bố chồng và chồng không kén ăn nên vui vẻ gật. Còn bà, ăn rất ít, gẩy đũa gọi là. Sau đó, bà nói. “Cô nấu thế này, chỉ nhà quê mới ăn! Thành phố chúng tôi không nuốt nổi”. Tôi ngạc nhiên: “Con tưởng…Nghe mẹ nói…”. Bà cười khẩy: “Cô tưởng tôi khen thật à? Đúng là đồ nhà quê!”.
Những buổi tối, bà gọi tôi vào đấm lưng, xoa bóp chân tay cho bà. Tôi vừa làm vừa nghe bà xỉa xói, nào là nhẹ tay thôi, cô đấm lưng hay đánh tôi đấy; nào là định làm nhanh để về ngủ với chồng hả; rồi thì: “Một vừa hai phải”, đừng có ham hố quá độ, để chồng xuống sức thì cứ liệu… Tôi cố gắng nhẫn nhịn, khẽ dạ hoặc im lặng.
Về phòng riêng, tôi mệt rã rượi, lăn quay ra ngủ, chẳng còn hơi sức đâu mà chiều chồng. Đúng là tôi cố gắng đến đâu cũng không bao giờ làm hài lòng mẹ chồng. Nhưng tôi không thể tâm sự hay chia sẻ với ai, ngay cả với chồng. Vì trước mặt anh, bà luôn tỏ ra rất yêu quí con dâu.
Một buổi tối, khi tôi lại từ chối làm “nhiệm vụ”, anh giận dỗi quay đi, nói là dạo này tôi khác quá, tôi luôn ỉu xìu và nhăn nhó; tôi thay đổi hẳn, không còn yêu anh nữa; hay là tôi đã có một người khác? Cơn buồn ngủ biến mất. Bao nhiêu bực dọc, tủi hờn, cay đắng dồn nén, tôi bung ra hết. Tôi kể tất cả những điều mình phải chịu đựng. Anh hết sức ngạc nhiên và tức giận. Anh nói, lấy anh, tôi có một cuộc sống đủ đầy, được cả nhà chồng thương quí. Mẹ anh là người đàn bà tuyệt vời. Sao tôi có thể dựng chuyện, đổ oan cho bà?
Nghe tiếng chúng tôi cãi nhau, mẹ chồng tôi bước vào. Bà chỉ vào tôi, cười khảy: “Bây giờ con đã nhận ra sai lầm chưa? Ngày trước mẹ đã can mà đâu có chịu nghe”.
Mấy hôm sau, tôi đưa đơn ly dị. Có lẽ tôi không thể gánh vác vai trò của một nàng dâu thành phố.
Theo Lê Phương
PNO