Vốn yên tâm về cậu con trai 16 tuổi tuy học không giỏi nhưng rất ngoan, một ngày, vợ chồng chị Hậu hốt hoảng khi con bỏ đi, để lại mảnh giấy: “Con nợ mấy chục triệu ở quán net vì chơi game, lô đề. Bố mẹ trả hộ”.
Tạo điều kiện cho con tham gia các khóa học tích cực cũng là cách giúp con có thêm bạn tốt. Ảnh minh họa: Thi Ngoan. |
Tá hỏa đi tìm và hỏi thêm, vợ chồng chị Hậu (Phúc Thọ, Hà Nội) ngã ngửa khi biết, từ nửa năm trước, con trai mình bắt đầu kết bạn với một nhóm học sinh hư hỏng trong lớp rồi thường xuyên bỏ học đi chơi game, đánh bạc. Số tiền cậu bé lớp 11 này nợ các quán hàng quanh trường đã lên tới vài chục triệu. Sợ chủ nợ truy tiền, cháu không dám tới trường nữa và đến tá túc ở nhà một “đại ca” trong nhóm. Sau khi biết bố mẹ đã trả nợ xong cho mình, cậu nhóc mới mò về, tỏ ra ăn năn, hối hận.
“Tôi vẫn rất sợ con lại ngựa quen đường cũ vì không thể dứt hẳn đám bạn hư hỏng kia. Vợ chồng tôi không thể lúc nào cũng ở cạnh con nên lúc nào cũng thấp thỏm”, chị Hậu chia sẻ.
Lớn tuổi mới sinh được một cậu con trai nên vợ chồng ông Hòa (55 tuổi) ở Long Biên, Hà Nội rất chăm chút cho con. Hai vợ chồng ông đều là công chức nhà nước, sống rất mẫu mực, nhưng vì cách biệt tuổi tác quá lớn nên không nắm bắt được tâm lý con.
Ông Hòa kể, dịp trước, thấy con cắt một kiểu đầu rất lạ, giống như cái ‘bờm ngựa’, nhuộm vàng hoe và còn đeo khuyên tai lệch một bên, ông “ngứa mắt” nên đã mắng cho trận. Thời gian sau, ông lại thấy con thường xuyên đi nhảy hiphop với một nhóm các anh chị vào các buổi tối, học hành bê trễ nên để ý kỹ hơn thì biết, cháu có một nhóm bạn con nhà giàu có nhưng chơi bời lêu lổng, thường xuyên gây gổ, đánh nhau ở trường.
“Tôi khổ tâm nhất là bây giờ không nói được cháu nữa. Nó học theo đám bạn, thích sống hưởng thụ, đua đòi bắt gia đình mua cho điện thoại xịn, xe máy đẹp, khi không được đáp ứng thì chê bố mẹ nghèo và đòi bỏ đi bụi với mấy đứa kia. Tôi chỉ sợ chúng sa vào hút hít thì chết”, ông Hòa chia sẻ với một cô giáo của con.
Theo ông Trần Hùng, giám đốc Văn phòng tham vấn tâm lý và thám tử Hoàng Nhân (Đống Đa, Hà Nội), khi biết con chơi với nhóm bạn xấu, đầu tiên, bố mẹ cần bình tĩnh đánh giá nhóm bạn, xem mức độ nguy hiểm của con khi chơi chung với các nhóm có liên quan tới: ma túy, bạo lực, game, quan hệ nam nữ… hay chỉ đơn giản là những trẻ bỏ bê học hành, thích “tóc xanh, tóc đỏ”…
Sau đó, nếu thấy việc con chơi với nhóm bạn đó mà nguy hiểm (liên quan tới ma túy, bạo lực…) thì cần kiên quyết tách ra bằng tất cả các biện pháp có thể. Nếu mức độ ít nguy hiểm hơn, bố mẹ cần tìm hiểu xem nội tâm con nghĩ gì về nhóm bạn đó, vai trò của con trong nhóm. Điều quan trọng là cha mẹ phải quan sát, đánh giá khách quan và tìm bản chất vấn đề, nguyên nhân khiến con kết thân với những người này. Thường bố mẹ hay sốt ruột, ra tay ngay, khiến trẻ thu vào sống theo cách riêng.
“Mối quan hệ bạn bè là quan hệ chủ đạo của lứa tuổi teen. Trẻ quan tâm đến tính hào hiệp, sự vô tư và ‘sống đẹp’ (theo quan điểm của chúng). Vì thế bố mẹ sẽ rất khó can thiệp, nếu không hiểu tâm lý chúng và lựa chọn đúng thời điểm”, ông Hùng chia sẻ.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng sống Smile’s House (Ba Đình, Hà Nội), cho biết, hiện tượng trẻ vị thành niên bị bạn xấu rủ rê khá phổ biến và khiến không ít phụ huynh đau đầu.
Bà lý giải, ở tuổi teen, nhu cầu kết bạn của trẻ rất cao và các em bị ảnh hưởng rất lớn từ bạn bè. Các em tuổi này thường thích học hỏi lẫn nhau trong tất cả các lĩnh vực, chứ không thích hỏi cha mẹ, thầy cô. Vì thế, nếu gặp phải nhóm bạn xấu thì các em không đủ vững vàng dễ bị “nhiễm” cách nghĩ, cách sống sai lệch và nếu không kịp thời uốn nắn thì không chỉ khiến các em dễ gặp nguy hiểm trước mắt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách sau này.
Khi biết con bị ảnh hưởng từ bạn bè xấu, các bậc phụ huynh đều có chung một cách, đó là mắng nhiếc và cấm đoán. Tuy nhiên, những câu đại loại như “con không được chơi với nó nữa, hình như nó nghiện đấy” hoặc “Bố mẹ sẽ đưa con đi học và tịch thu điện thoại của con để con dứt hẳn cái thằng hư hỏng ấy đi”… đều không hiệu quả. Có phụ huynh cũng giảng giải cho con nhưng lại chỉ nói ra được phần hậu quả của việc chơi với bạn xấu mà không chỉ ra được nguyên nhân. Chính việc giải quyết “nửa vời” như vậy nên trẻ sẽ không dứt được bạn xấu mà có khi còn ngấm ngầm tìm cách để “qua mắt” cha mẹ. Lâu dần trẻ trở nên “tinh vi” hơn và cha mẹ càng khó kiểm soát.
Bà Lệ Thủy cho rằng, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh phải phát hiện thật sớm, từ những sinh hoạt của con: một kiểu đầu lạ, cách nói năng, sử dụng từ ngữ, tác phong và trang phục khác… Ngay khi ấy lập tức phải tìm hiểu nguyên nhân, đừng chờ đến khi “khác lạ” rồi mới cuống cuồng giải quyết. Bố mẹ nên dành thời gian để tìm hiểu và có thật nhiều thông tin chính xác về bạn bè của con.
Bà cho rằng, khi đã biết được nguyên nhân con kết thân bạn xấu, bố mẹ phải giải quyết triệt để: Giúp con tách khỏi ảnh hưởng của nhóm đó, đồng thời tìm một sân chơi để con có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với bạn tốt. “Hãy luôn bên cạnh con để nắm bắt được cảm xúc của trẻ, tạo ra những hoạt động để trẻ có tình cảm gắn kết ngay trong quan hệ họ hàng nội ngoại, với những người có ảnh hưởng tốt”, bà nói.
Chuyên gia chia sẻ, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ đã nên có định hướng kết bạn cho con. Khi đi họp phụ huynh, bố mẹ có thể xem trong lớp đó có những nhóm phụ huynh nào phù hợp để cùng lập nhóm, kết bạn với nhau. Nên tạo cơ hội cho các con giao lưu, gần gũi với chính các bạn học từ nhỏ. Trong suốt thời kỳ mầm non và tiểu học, nếu cha mẹ có định hướng đó, trẻ đã có không ít bạn tốt. Khi trẻ lên lớp 6, môi trường học mới, phụ huynh cũng nên định hướng cho con chọn bạn ngay trong lớp học, trường học của mình.
Ngoài ra, cha mẹ trong cơ quan, công sở có con cùng độ tuổi cũng nên tổ chức những hoạt động vui chơi giải trí, tạo sân chơi cho trẻ kết bạn.
Bên cạnh đó, người lớn có thể chủ động tìm những sân chơi lành mạnh, nơi có những người bạn tích cực như tham gia học tiếng Anh, hoạt động nghệ thuật hoặc thể thao…
Minh Thùy
*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi
(Theo vnexpress)