Hình ảnh tượng trưng thường thấy về tình gia đình là hình ảnh chim cha, chim mẹ thay nhau mớm mồi cho con. Hình ảnh của sự trưởng thành tự lập cũng dễ nhận ra ấy là lúc chim con ra ràng tập bay vào bầu trời rộng. Nhưng cũng lại có những hình ảnh tượng trưng khác cho sự lệ thuộc như không phải con kangaroo nào cũng chịu rời túi mẹ dù đã đến tuổi trưởng thành.
Trở lại chuyện gia đình. Sự bảo hộ quá kỹ lưỡng từ lòng yêu thương con cái của cha mẹ là chuyện không cá biệt. Có bà mẹ mỗi buổi trưa lại đến trường không phải để đón mà để mang thức ăn cho con dù cậu ấm đã 15 tuổi. Có bà mẹ trong bữa tiệc bất chấp cái nhìn kinh ngạc của người cùng bàn, đút thức ăn cho cậu con… 17 tuổi. Nào chỉ người mẹ, tình cha cũng không thua kém. Tôi biết có một người đàn ông ngày ngày vẫn mua thức ăn mang về cho thằng con 18 tuổi chỉ có một việc duy nhất là cắm mặt mũi vào màn hình game, chờ nó ăn xong rồi chở đến trường, chiều đón về nhà và vòng quay lại tiếp diễn. Có phải ta đang thấy một người đàn ông trong cảnh gà trống nuôi con? Không, đấy là một gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái, ông bà. Chỉ tại cậu ấm không thích cơm nhà mà chỉ thích sushi Nhật! Vài năm sau cậu lên đường qua xứ người đi học, phải ở nhà thuê như mọi du học sinh khác. Chưa đủ 12 tháng, hàng xóm đã thấy cậu ấm trở về tiếp tục học ở… xứ mình. Lý do đơn giản: anh con trai 20 tuổi không thể ăn mãi thức ăn nhanh, còn nấu một tô mì gói cho chính mình thì không thể. Câu chuyện tưởng chỉ có trong truyện châm biếm hay nhẹ nhàng hơn chỉ là chuyện vui ấy hoàn toàn có thật.
“Con chim bay bằng đôi cánh của nó” là quy luật tự nhiên, nhưng không tập bay, không dám buông mình ra khỏi chiếc tổ thì nó không thể biết bay. Sự bảo trợ của gia đình – mà không chỉ con cái, ngay cả vợ chồng cũng vậy thôi – cái gì quá đáng ắt sẽ gặt những hệ quả không giống quy luật bình thường.
Có ông trên 50 tuổi khi vợ đi vắng, du lịch hay về quê dăm ngày, thì quần áo hàng ngày đã chất đống dù nhà có đủ máy giặt, máy sấy, càng không nấu nổi nồi cơm dù thức ăn vợ đã mua sẵn bỏ trong tủ lạnh. Bởi hàng ngày, mọi thứ cứ diễn ra tuần tự: ông chồng về, chờ ngồi vào bàn ăn, quần áo đã giặt sẵn ngăn nắp phẳng phiu trong tủ… Sự chu đáo của người vợ hiền đảm đang tưởng rất bình thường của mọi gia đình Việt Nam, nhưng chưa chắc đã hay, đã đúng. Sự “bảo trợ” hàng ngày ấy sẽ lộ rõ hệ quả ngay khi người vợ đảm đi vắng.
Bạn có thể không tin câu chuyện này. Nhưng tôi – người viết – thì rất tin. Tôi tin – không có gì khó hiểu, bởi tôi đang kể câu chuyện của… chính mình.
Đỗ Trung Quân
(theo SGTT)