Một số cặp đôi, người chồng phải rút về quê vì kiếm được công việc thăng tiến, trong khi đó, vợ vẫn làm việc và sinh sống trên phố.
Tuy nhiên, sau khi đã cưới nhau 5 năm và có cậu con trai gần 3 tuổi, chồng Yến muốn ra quân, về quê, theo nghiệp sản xuất gỗ và đóng đồ nội thất của gia đình. Một phần, chồng Yến là con trai trưởng, muốn phụng dưỡng bố mẹ. Mặt khác, anh muốn “bứt” ra ngoài vì lý do kinh tế. Cảnh “vợ chồng Ngâu” như thế diễn ra gần một năm nay. Mỗi tháng 1-2 lần, chồng Yến đánh hàng lên Hà Nội, ghé thăm vợ con. Hoặc cuối tuần, khi được nghỉ hè, nghỉ lễ, hai mẹ con Yến thuê hoặc bắt xe khách về quê chồng.
Có lúc, gia đình chồng muốn đưa cháu về quê, vợ chồng cùng quản lý xưởng gỗ nhưng Yến nhất định không chịu. Yến đang có công việc và thu nhập ổn định ở Hà Nội. Hơn nữa, Yến nhận thấy việc kinh doanh ở quê chồng không hợp với mình. Nghĩ đến cảnh phải đầu tắt mặt tối, không được mặc váy áo đẹp, ung dung ngồi máy lạnh làm việc là Yến rùng mình. Chưa kể, chuyện học hành, chăm sóc sức khỏe, ăn uống của con nhỏ ở quê cũng không thể sánh bằng thành phố.
Cũng như Yến, Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng dưng phải xa chồng. Hai vợ chồng Trang cưới xong thì thuê trọ gần nhà ngoại (ở Cầu Giấy). Chồng Trang làm việc trong ngành viễn thông nhưng chẳng đâu anh làm được lâu. Lần thất nghiệp gần năm trời, chồng Trang về quê (Đông Anh, Hà Nội), còn hai mẹ con Trang vẫn ở Cầu Giấy.
Đùng cái, bố mẹ chồng Trang báo là đã “chạy” việc cho con trai ở bưu điện huyện. Công việc ổn định và có nhiều cơ hội phát triển nên chồng Trang đã ở lại. Còn Trang cũng không thể bỏ công việc yêu thích ở “phố” để đưa con về quê theo chồng.
Cảnh “vợ một nơi, chồng một nẻo” diễn ra hơn năm nay. Cho dù nhiều lúc Trang cực kỳ lo lắng sợ xa chồng, chồng cặp bồ rồi lại mất chồng nhưng Trang cũng không đủ can đảm để “bỏ phố, về quê”.
“Mình sống trên này quen rồi, cũng tìm được một trường mẫu giáo tốt cho con. Không phải chê quê chồng đâu nhưng lần nhìn thấy trường mẫu giáo ở đó, mình thấy nản. Mình chẳng muốn con mình phải sinh sống rồi học tập trong điều kiện thiếu thốn thế” – Trang tâm sự.
Chồng Trang và nhà chồng không ép nhưng xa chồng khiến Trang có cảm giác như phải nuôi con một mình.
Ở vào hoàn cảnh này, cần nhất ở vợ chồng là sự tin tưởng, tôn trọng và hướng về nhau. Tránh cảnh “xa mặt” rồi “cách lòng”. Để làm được điều đó thì vợ chồng nên tranh thủ những cơ hội gặp nhau để hâm nóng tình cảm, chăm sóc con cái… Cũng nên thường xuyên liên lạc với nhau, trao đổi về công việc, chuyện chăm con… thông qua các kênh như điện thoại, nhắn tin, internet.