Vợ chồng cãi cọ một trận kịch liệt, Lâm bực bội lên gác ngồi hóng gió một mình. Đến lúc nguôi giận, anh xuống nhà nhưng tìm mãi chẳng thấy Trang – vợ mình đâu.
Ngó ra ngoài, không thấy xe, túi xách và cả điện thoại của vợ, Lâm đoán vợ về bên ngoại. Yên tâm ngồi xem tivi được khoảng 1 tiếng thì Lâm nhận điện từ mẹ vợ, bảo: “Cho mẹ gặp vợ anh chút. Gọi di động mà nó không nghe máy”, anh mới thực sự hoảng hốt. Bịa một lý do cho mẹ vợ yên lòng, Lâm cuống cuồng tra danh sách các số điện thoại của bạn bè thân thích, truy tìm tung tích vợ nhưng ai cũng nói “không biết”.
Hồi xưa, yêu nhau, hễ không vừa ý là Trang đứng dậy, ngúng nguẩy bỏ về. Sau khi sống chung, đây là lần đầu tiên vợ chồng Lâm xô xát và Trang cũng phản ứng bằng cách bỏ đi nhưng không biết đi đâu.
Ảnh minh họa
Lâm vật vã cả đêm, hết lo vợ bị cướp, tai nạn, thậm chí là bị… Lúc Lâm định đi báo công an thì vợ về, người nồng nặc mùi rượu. Cố gắng kiềm chế, Lâm ngọt nhạt hỏi: “Tối qua, em ở đâu?” thì vợ bĩu môi: “Không việc gì đến anh”. Chịu không nổi, Lâm nói lại vài câu, thế là vợ chồng lại cãi nhau.
Hân (Tây Hồ, Hà Nội) biết thừa chồng bị gãy tay, đang bó bột nhưng vì nghi chồng ngoại tình, Hân chẳng ngại bỏ chồng chơ vơ một mình, cô bắt xe về nhà ngoại ở Hải Dương chơi. Ròng rã hai ngày cuối tuần, Hân không một cú điện thoại hay tin nhắn hỏi han sức khỏe của chồng. Hân ngấm ngầm cho rằng, chồng mình đáng bị trừng trị như thế, phải làm vậy để chồng biết nâng niu và quý trọng vợ.
Không dùng chiêu bỏ nhà đi, Lam (quận Tân Bình, TP HCM) mỗi khi giận chồng là đùng đùng phóng xe ra ngoài. Chỉ một loáng sau, Lam trở về nhà trong tiếng nói cười râm ran của 2-3 cô bạn nữa. Lam và bạn hữu sẽ trải chiếu ngoài phòng khách, bày la liệt đồ ăn, vừa xem tivi, lúc máu lên có thể vừa uống bia vừa chơi bài ăn tiền.
Biết thừa chồng hậm hực, khó chịu ra mặt, Lam cũng kệ. Chồng tức quá, giận dữ bỏ ra ngoài, Lam cũng không buồn níu kéo. Lam tuyên bố với chồng rằng, khi cãi nhau, vợ chồng có quyền xả stress theo cách riêng của mỗi bên.
Giận chồng như thế khác gì ‘lửa bỏ thêm dầu’
Vợ chồng cãi cọ, giận hờn là chuyện muôn thủa. Thường những lúc xô xát, vợ chồng đều muốn chứng tỏ sức mạnh của mình hoặc cố ý trả đũa, nhằm gây tổn thương đến người bạn đời. Điều đáng nói là vợ nên chọn cách giận chồng làm sao để không gây tổn thương lên tình cảm vợ chồng, để vợ chồng còn có chỗ dẹp bỏ tự ái, làm lành với nhau.
Nếu vợ thù dai hoặc cố ý dùng những chiêu “không đẹp” như bỏ nhà qua đêm, không quan tâm khi chồng đau ốm hoặc sa đà vào con đường xấu với mục đích trả đũa thì hậu quả thật khó lường. Vẫn biết khi tức giận, người trong cuộc thường khó kiểm soát và kiềm chế được bản thân nhưng nếu cố tình dùng mọi cách để trị lại chồng thì e rằng, chồng càng muốn xa vợ hơn.
Chồng có thể chấp nhận chuyện bị vợ dỗi hoặc cùng lắm là vợ bỏ về bên ngoại “lánh nạn” nhưng nếu vợ lạm dụng những cách giận chồng khó chịu như trên thì có khi, chồng không thể tha thứ cho vợ. Khi ấy, kiểu trả thù chồng, trong lúc nhất thời, thường để lại hậu quả nặng nề. Chống sẽ cho rằng mình bị vợ coi thường trong khi vợ khăng khăng, bản thân làm như vậy là đúng.
Để vượt qua cơn giận chồng, vợ nên xác định rằng, đó chỉ là cảm xúc nhất thời, quan trọng là tìm ra nguyên nhân cãi vã và đi đến dung hòa ý kiến đôi bên. Muốn đạt được điều này, vợ nên lựa chọn lúc vợ chồng bình tĩnh để tâm sự, phân tích cái đúng, cái sai cho chồng hiểu. Còn nếu cố tình giận dai, nhằm trả đũa chồng thì ấm ức càng chồng chất và vợ chồng càng khó có cơ hội ngồi nói chuyện với nhau.
Theo Mẹ và bé
(Theo vtc)