Anh là chàng trai trẻ, lấy được vợ già. Khác với mọi người thường xịu mặt khi nghe danh “phi công”, anh lại vui vẻ và có ý tự hào.
Tôi bắt đầu được gọi là phi công từ lúc tôi lấy vợ. Vợ tôi hơn tuổi tôi nên mọi người gọi tôi là phi công còn cô ấy là máy bay.
Kể ra đây cũng là một câu chuyện hơi khó chia sẻ theo kiểu phi công trẻ lái máy bay… Anh có cảm thấy có điều gì đó không bình thường?
Cái gì trong tự nhiên mà không bình thường, vô lý đã bị đào thải rồi. Bản thân tôi, tôi rất tự hào với việc “lái được máy bay”.
Lịch sử loài người, những người lái máy bay thường rất ít, phải là những người đặc biệt và thực sự may mắn. Ở xã hội phát triển như các nước phương Tây, Mỹ, Nhật, Hàn… những người giàu cùng lắm được lái xe ô tô chứ làm gì có mấy người có máy bay? Giả sử mấy ông tỷ phú có máy bay riêng thì cũng toàn… thuê người lái chứ có lái được đâu.
Việc có một chiếc máy bay, dù già thì vẫn sang hơn ô tô. Mà nhất là trong tình trạng giao thông hỗn loạn như Việt Nam, đi máy bay là sướng nhất rồi.
Thời nào cũng hiếm “máy bay” thật. Tuy nhiên, việc lấy một cô vợ vẫn khác lấy một bà vợ chứ?
Ô hay, lấy người này rõ là khác với người kia. Tôi nói thật, bà đâu chẳng biết, nhưng tất cả những ông lấy vợ rồi được dăm bữa nửa tháng đều gọi vợ là… bà hết. Nên các bà đừng tự hào “tôi lấy chồng với tư cách là cô!”.
Thôi được rồi! Lại nói về vợ anh, anh nói lái máy bay là sang trọng, là may mắn, là hạnh phúc… Vậy anh có thể chứng minh được điều đó cho những cặp vợ chồng khác “sáng mắt, sáng lòng” được không?
Vợ tôi tuy lớn tuổi hơn tôi nhưng cô ấy có một vẻ đẹp, sức hấp dẫn cực kỳ đằm thắm chứ không sồn sồn như các bà cùng lứa tuổi. Mấy cậu trẻ lấy được vợ hơn tuổi là may vì cô ấy vừa quán xuyến được mọi công việc một cách nhẹ nhàng, lại tâm lý và chiều chồng.
Mấy anh bạn thân của tôi, lấy vợ trẻ thật khủng khiếp. Vì trẻ hơn nên các cô vợ ra sức làm nũng. Cái trò làm nũng, giận dỗi, coi chồng “dưới cơ” và là của riêng chỉ lúc yêu đàn ông mới chấp nhận mắt nhắm, mắt mở thôi. Còn lấy về rồi tình thế nó khác. Nhõng nhẽo nhiều làm đàn ông ớn hết cả người.
Hơn nữa các cô vợ trẻ thường chưa từng trải, kém bản lĩnh, cái gì cũng đổ lỗi cho chồng, cái gì cũng vác chồng ra than vãn, khóc lóc và rất ít khi biết nhận lỗi. Nói chung là không bao giờ có thể đối thoại với các cô vợ này một cách hòa bình quá lâu. Nếu cứ thế nó thành nhạt dần tình cảm vợ chồng. Chính vì thế hôn nhân mới trở nên nhàm chán và như địa ngục trần gian.
Người được coi là máy bay thường đã đạt được đẳng cấp rồi. Tất nhiên, tôi không nói đến những bà cô không thể lấy chồng được. Những người như vợ tôi thường là đã có thành quả công việc nhất định, có quan hệ xã hội tốt nên tự chủ, biết nhường nhịn và biết cách đối nhân xử thế. Đối với cô ấy, tôi vừa có cảm giác yêu, kính nể, và gần gũi. Chúng tôi rất khó cãi nhau. Việc tôi trở thành một người đàn ông có trách nhiệm hơn, sống tình cảm hơn, ít vô tâm hơn cũng nhờ “máy bay” nhà tôi.
Nghe chuyện anh kể cũng thú vị. Nhưng đàn ông thì khó chấp nhận kém người phụ nữ là bạn đời của mình lắm. Anh chấp nhận việc đó như thế nào?
Tôi chẳng việc gì phải chấp nhận hết. Cái gì đến tự nhiên nó sẽ đến. Cuộc sống vợ chồng cũng thế. Người ta có thể mạnh điểm này và yếu điểm kia, dù sống hết đời vẫn thế. Nên mỗi người phải trợ giúp nhau trong cuộc sống.
Còn việc không chịu thua kém vợ, đó cũng là sự thể hiện lòng tự trọng của một người đàn ông. Tuy nhiên đa số các ông quá đáng và cổ hủ. Người ta hơn mình là do người ta nỗ lực cố gắng chứ có phải người ta dùng thủ đoạn mà dìm mình xuống đâu.
Chúng ta phải có cái nhìn thật công bằng. Đàn ông cố gắng khẳng định trong sự nghiệp và bản lĩnh trong cuộc sống thường dễ dàng hơn phụ nữ. Để đạt được thành quả như một người đàn ông, người phụ nữ nào đó sẽ phải nỗ lực ghê gớm và vô cùng dũng cảm. Tôi thấy những người đàn ông phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của vợ, không biết chia sẻ và động viên vợ là những người ích kỷ, không đáng mặt là đàn ông.
Tôi tự hào vì vợ tôi thành công. Đó cũng là động lực để tôi vươn tới. Nếu tôi muốn hơn cô ấy, không còn cách nào khác là phải cố gắng thôi.
Đó có phải là một cuộc đua trong gia đình để giúp gia đình hạnh phúc hơn?
Không có cuộc đua nào trong gia đình hết. Đó là cuộc đua hoàn thiện bản thân mình. Tôi nói từ đầu rằng tôi may mắn vì được lái máy bay. Nếu không phải vợ tôi là một máy bay hạng sang (nhiều người nói là máy bay bà già) thì tôi sẽ không bao giờ có được những nhận thức về gia đình như thế này. Tôi cũng không bao giờ có được ý thức tôn trọng phụ nữ. Họ thật vĩ đại.
Chỉ tính riêng việc phụ nữ sắp xếp nhà cửa gọn gàng, chăm sóc chồng, con, đối nội thật tốt là đã hoàn thành sứ mệnh của họ. Nhưng họ lại thêm cái “tròng” công việc thắt lên cổ nữa. Vậy mà họ vẫn việc nào ra việc ấy. Đối với tôi, phụ nữ có sức mạnh bằng hai lần đàn ông…
Anh khéo nắn bắt tâm lý các bà vợ quá! Nhưng một người phụ nữ có quá trình phát triển, rồi các cô trẻ cũng thành “máy bay”. Sao anh không lấy một cô trẻ để đến lúc cô ấy “chín” là vừa?
Cũng có thể. Nhưng tôi sợ chẳng may, đến cái tuổi cần phải chín, cô ấy lại… nẫu thì cũng khốn khổ cho cả hai. Cuộc sống gia đình với những va vấp, trải nghiệm mới không ai dám chắc là mình sẽ đi về hướng nào. Biết đâu tôi lấy một cô vợ trẻ, tôi sẽ hại cô ấy không thể “chín” được mà trở thành “nẫu”.
Tôi không dám chắc đứng trước hoàn cảnh, lúc nào tôi cũng là người tốt, bản lĩnh và bao dung. Nếu không có người như vợ tôi bây giờ đi cùng trên con đường đời, có lẽ bây giờ tôi chị lại nhắm tôi vào người đàn ông gia trưởng chứ chẳng phải một phi công trẻ đầy tương lai nữa!
Vâng! Tôi thấy thực sự anh đang có một gia đình hạnh phúc và có một tương lai thật tốt đẹp. Chúc gia đình anh mãi hạnh phúc như thế! Cảm ơn anh!
Theo PLXH
(Theo dantri)