ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: Cơ Duyên
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Bi hài “khách ở quê ra”
Saturday, October 8, 2011 7:59
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Lấy chồng là phải “lấy” luôn các mối quan hệ xa lắc xa lơ của chồng. Trong mối quan hệ “nhằng nhịt” ấy, lắm chuyện bi hài.

Gánh nặng trên trời rơi xuống
 
Ngày nọ, khi thức dậy, chị Nga – hàng xóm của tôi, đã thấy hai đứa cháu gọi chồng bằng cậu ngồi lù lù ở phòng khách. Chị chưa kịp thắc mắc thì mẹ chồng chị (ở chung nhà) giải thích: “Sáng nay Thủy (chị của chồng chị Nga) đưa tụi nó vô chuẩn bị nhập học. Tính nói con cho chúng ở nhờ trong thời gian học đại học, nhưng con chưa dậy. Thôi thì cho tụi nó ở nhờ một thời gian đến khi quen đường sá, nếp sinh hoạt ở đây đã…”.
 
Chị Nga bực mình vì bị đặt vào “sự đã rồi”. Đường đường là (vợ) chủ nhà, ai đó muốn vào ở thì phải nói trước với chị một tiếng chứ! Đã vậy lại không ai đả động gì đến chuyện đóng góp chi phí sinh hoạt, thời hạn ở nhờ cũng không xác định!

Chồng chị Nga cũng khó xử giữa một bên là vợ, bên kia là gia đình. Bà chị vô tư có lẽ nghĩ đây là nhà em trai mình, mẹ mình còn giúp việc nhà, trông con cho em dâu nên cứ vô tư đưa con vào ở mà không cần “gửi gắm” gì chăng? Không hiểu mẹ chồng hay chồng chị có tác động gì không mà sau đó người chị gọi điện xin lỗi về việc đường đột đem con vô ở, còn chuyện “góp gạo thổi cơm chung” để tính sau(?) Thấy chị Nga có vẻ không vui, bà mẹ chồng lẫy, đòi về quê. Nghĩ tới việc gửi con cho người khác, nhà cửa không ai trông nom trong khi hai vợ chồng đi làm tới tối mới về, chị Nga đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, dỗ dành mẹ chồng ở lại, đương nhiên kèm theo hai đứa cháu yêu quý của bà.

Từ khi có thêm người, chi phí trong nhà tăng lên thấy rõ. Hai đứa cháu từ nhỏ ở quê, gia đình thiếu thốn lại sẵn tính vô tư của con trai nên ngoài việc đi học, đi chơi, chúng chẳng phụ giúp được gì. Đã vậy, trong nhà có món gì ngon chưa cần biết cậu mợ đã dùng chưa, bọn chúng vẫn chén sạch, kể cả những món mợ chúng chỉ dám mua bồi dưỡng riêng cho hai em đang tuổi mẫu giáo. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ ở mức trung bình nên chị Nga phải chi tiêu dè sẻn. Chồng chị thương cháu, thương chị gái nên chỉ biết chịu đựng khi vợ gắt gỏng. “Lâu lâu thèm món gì ngon cũng không dám ăn ở nhà vì đông người, chịu không xiết. Mà đưa chồng con đi ăn tiệm thì tiền đâu chịu nổi? Cứ thế này có ngày tôi stress mất!” – chị Nga than thở.

Mẹ chồng ham vui

Mẹ chồng chị Thanh – một đồng nghiệp của tôi – mới hơn 60 tuổi nhưng trông bà vẫn còn trẻ, khỏe mạnh. Chị sinh lần lượt hai đứa con, chạy vạy mãi vẫn không tìm được người giữ nên đành gửi con đi nhà trẻ sớm sau khi nài nỉ “gãy lưỡi” mà mẹ chồng nhất định không chịu rời quê lên trông giúp cháu, dù chỉ một thời gian ngắn để chị xoay sở tìm người. Nhìn hai con ốm ỏng eo vì phải đi nhà trẻ từ lúc còn quá bé, chị xót con bao nhiêu thì cũng giận mẹ chồng bấy nhiêu.

Nào phải mẹ chồng chị bận rộn gì cho cam, ở quê bà chẳng vướng bận chuyện gì, suốt ngày đi… đánh tứ sắc hoặc lên thành phố đi chùa, thăm viếng bạn bè! Mỗi lần như vậy bà lại rủ thêm vài bà bạn và chỗ trọ không đâu khác là nhà chị Thanh – bà luôn tự hào với mấy người bạn về vợ chồng người con “thành đạt ở phố”! Tuy chỉ ở lại vài hôm nhưng mỗi lần như vậy, chị Thanh phải lo chuyện ăn, nghỉ của mẹ chồng và các bà bạn để không bị trách là dâu thành phố đối xử tệ. Lâu lâu một lần còn được, đằng này nhà chị cứ liên tục đón “khách ở quê ra”, khi thì đi xem bói, khi thì đi cúng kiếng, lúc chỉ là mấy bà bạn của mẹ chồng đi khám bệnh ghé vào ở nhờ. Mệt mỏi vì việc cơ quan, việc nhà lẫn chăm sóc con nhỏ, nay thêm bà mẹ chồng ham vui khiến chị Thanh luôn trong tình trạng “núi lửa chờ phun trào”.

“Khách ở quê ra” nếu tế nhị, biết tôn trọng chủ nhà và “nhập gia tùy tục” sẽ mang lại niềm vui, sự gắn kết tình thâm. Ngược lại sẽ chỉ gây nên sự phiền toái, bực bội và đẩy mối quan hệ vốn rất cần sự tinh tế đến bờ vực của mâu thuẫn, “chiến tranh lạnh”.

Theo Lê Thị Ngọc Vi
PNO

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.