Nghe vợ gọi “ông xã ơi vào phòng khám cùng em, một mình em sợ”, người chồng đặt vội hành lý xuống ghế chờ chạy vào trong.
Trở lại băng ghế chờ, thấy nhiều người nhìn mình, Nguyễn Thành Tuyển – chồng của cô Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi có gương mặt một bà lão – cười và nói: “Vợ yêu của tôi là vậy đấy, rất hay làm nũng, lúc nào cũng muốn có chồng một bên”.
Câu chuyện từ những ngày đầu quen nhau đến khi Phượng mắc bệnh rồi biến dạng gương mặt đã được anh Tuyển tâm sự cùng chúng tôi.
Anh Nguyễn Thành Tuyển, chồng Phượng, ân cần yêu thương chăm sóc vợ tại bệnh viện ở TP HCM, như ngày cô còn xinh đẹp.
Ảnh: Thiên Chương
|
Mối lương duyên bắt đầu từ những ngày giữa tháng 4 năm 2006, khi chàng thanh niên 28 tuổi, nhân viên tiếp thị cho một hãng nước rửa chén, thi thoảng ghé qua một quán nước tại Mỏ Cày, Bến Tre, nghỉ trưa. Ở đó anh quen Phượng, cô phục vụ quán 21 tuổi, được trai làng đồn nhau là “hoa khôi của huyện”.
“Lúc bấy giờ ngoài tôi, Phượng còn được rất nhiều chàng trai theo đuổi tán tỉnh, thế nhưng gần một năm tìm hiểu, cuối cùng cô ấy đã chọn tôi. Nghe em đồng ý làm vợ, tôi mừng còn hơn trúng số. Không có tiền làm đám cưới, Phượng vẫn chấp nhận về nhà tôi làm vợ hiền dâu ngoan. Nào ngờ chỉ một năm sau, cô ấy lâm bệnh” - Tuyển kể.
Nghe vợ nói bị ngứa da mặt, thường nổi mề đay mỗi khi ăn đồ biển, không có còn đi Sài Gòn chữa trị, gom tiền lương còm, Tuyển chạy mọi nơi tìm thuốc. Tiền không nhiều, nghe đồn có một thầy đông y rất giỏi, anh mua thuốc về sắc cho vợ uống. Tuy nhiên bệnh tình không giảm mà còn nặng hơn.
“Quyết định xa quê của vợ chồng Phượng khi con bé bị bệnh và lại không có tiền khiến mọi người trong nhà ai cũng lo lắng nhưng Tuyển đã thuyết phục rằng, nó muốn đi xa là vì thương vợ mặc cảm nên cuối cùng người lớn cũng phải chịu theo” - một người cậu của Phượng kể chen vào.
|
Phượng tươi tắn khi nói về chồng mình.
Ảnh: Thiên Chương
|
Cuộc sống ở Bình Phước không khá hơn về vật chất bởi chồng đi làm mộc, vợ bóc vỏ hạt điều, mỗi tháng tổng thu nhập chưa đến 2 triệu đồng lại phải ở nhà mướn, nhưng nó lại giúp hai vợ chồng nghèo thoải mái hơn về mặt tinh thần. Bởi lẽ, hàng xóm, những người chưa từng biết Phượng trước đây, không tò mò dè bỉu về gương mặt bệnh tật của cô.
“Không ít người thắc mắc tại sao tôi lại sống và yêu thương một người có gương mặt bà già. Nhưng ai nói gì thì nói, tôi vẫn yêu Phượng như lúc cô ấy còn xinh đẹp. Tình cảm này không bao giờ thay đổi. Với Phượng, tôi chỉ thấy thương vì cô ấy bệnh chứ chưa bao giờ chê chán hay nghĩ rằng mình sẽ bỏ để lấy người khác” - Tuyển tâm sự.
Nói về ông xã, cô gái trẻ với gương mặt bà lão nghi do bệnh tế bào vón, bẽn lẽn thổ lộ: “Với em, anh ấy là số một. Anh ấy rất dễ thương, lúc nào cũng động viên an ủi em. Tuyển chính là niềm lạc quan của em để chống lại bệnh tật”.
Phượng cho biết, ngày xưa cô có rất nhiều người đàn ông đẹp trai giàu có theo đuổi, nhưng lý do cô chọn Tuyển là vì anh trầm tính, hiền từ và nghiêm túc. Cô cho rằng lần ấy mình đã lựa chọn không sai.
“Em có tính hay ghen, khi thấy gương mặt mình ngày càng già, cái ghen lại càng nổi lên bởi mặc cảm. Em rất sợ chồng bỏ mình để quen người khác. Nhưng Tuyển đã khóc. Anh ấy lo cho em từng li từng tí. Gương mặt của em khiến người khác khó biết được cảm xúc, nhưng anh ấy biết ngay. Hễ thấy em buồn là lập tức tìm cách chọc em cười” - Phượng nói.
Khi được hỏi “trong lúc này đây, khi nằm viện chờ được chữa bệnh, Phượng ước ao gì”, cô gái 26 tuổi mang gương mặt bà lão trả lời ngay mà không suy nghĩ: “Em ước mặt mình trẻ không phải vì muốn mình xinh đẹp mà để bù đắp cho chồng. Dù biết anh ấy không bỏ nhưng em vẫn muốn chồng hạnh phúc hơn”.
Nguyễn Thị Phượng xinh xắn năm 21 tuổi. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
Còn Tuyển, ngoài việc đắn đo không biết vợ chữa trị trong bao lâu, thời gian ấy lấy gì mà ăn, điều anh mong muốn lớn nhất là vợ khỏi đau nhức vì phù nề. “Nhan sắc phục hồi hay không, không quá quan trọng. Tôi chỉ muốn vợ mình bình an. Sau khi chữa lành, chúng tôi muốn làm đám cưới. Tôi muốn vợ mình cũng được một lần mặc áo cô dâu như những người vợ khác”, chồng Phượng khẳng định.