Chán chê với kiếp ở trọ nên khi nghe người hàng xóm sát vách nhà anh Hai mình rao bán nhà giá mềm, chị Kim Khanh (Q.4, TP.HCM) quyết tâm mua cho bằng được. Anh Hai chị cũng muốn sống gần em mình nên cho mượn tiền để mua. Vui sum họp chưa lâu đã có chuyện. Một trưa đi làm về, vào buồng thay đồ, chị Khanh hốt hoảng khi thấy một cô gái ăn mặc hớ hênh nằm ngủ ngay trên chiếc giường của vợ chồng mình. May mà chồng chị… đang cho chim ăn trên gác. Nhìn kỹ cô gái chị mới té ngửa, đó là Thảo, con gái lớn của anh Hai. Thảo vừa ngáp vừa nói: “Nhà con có khách, đông đúc, ồn ào quá nên con qua nhà cô dượng ngủ nhờ”. Chị Khanh không biết nói sao với cháu, với chồng; chẳng lẽ lại cấm cháu sang chơi với lý do “coi chừng bị dượng sàm sỡ?”. Chồng chị mà nghe được câu đó thì rách việc. Nghĩ tới nghĩ lui, chị chẳng dám nói gì nhưng bắt đầu cảnh giác hơn, nhìn chồng xét nét hơn, nhiều lúc khiến chồng chị phải đổ quạu.
Năm 2010, vợ chồng anh Phước Hưng cho thuê lại căn nhà đang ở tại Bình Chánh, cất nhà trên phần đất cha mẹ cho tại Q.10 để thuận lợi cho việc làm ăn, con gái đi học cũng gần hơn. Là phận dâu con, lại là “ma mới”, vợ anh Hưng luôn ân cần, ngọt ngào để có quan hệ hữu hảo với nhà chồng. Được thể, hết mẹ chồng, chị em chồng, cháu chồng cứ sang nhà chị quấy rầy. Cần gì là họ tự tiện qua lấy. Hết tha cái quạt, bàn ủi, máy xay sinh tố, đến ôm mớ sách báo, băng đĩa, miễn thích là “tuyển” về. Vì thế, nhiều lúc chị rớ hũ nước mắm, nước mắm chỉ còn vài giọt, lấy hũ đường, hũ đường nhẹ tênh, phải cấp tốc chạy đi mua. Đó là chưa kể có lúc tô chén chỉ còn mấy cái trong tủ, đành phải ăn tạm chén giấy. Bực mình, chị chỉ dám nhè anh mà càm ràm: “Đồ của nhà mình mà họ cứ tha về rồi giữ làm của luôn”. Anh cũng bực, nhưng người nhà thì mình phải bảo vệ, lúc thì anh bảo “người nhà cả, mượn qua mượn lại có sao đâu”; lúc anh lại nạt vợ “ai làm thì nói thẳng người đó, nói với tui làm chi, đàn bà lắm lời!”. Chị ức lắm vì bị anh xử ép, vợ không bênh mà đi bênh “người ngoài”.
Do chồng là bộ đội, thường xuyên đi công tác xa nên khi sinh con, chị Thanh Hằng thuê nhà đối diện nhà mẹ chị để tiện qua lại. Tuy ở riêng nhưng đi làm thì thôi, hễ về nhà là chị ở riết bên mẹ. Nhà mẹ có thuê người giúp việc nên chị Hằng “tranh thủ”. Chị xem ti vi, ăn tối, nhờ người giúp việc tắm rửa, đút em bé ăn. Đến khuya, băng qua đường về đến nhà là hai mẹ con chỉ việc đặt lưng lên giường ngủ. Ngược lại, nhà chị Hằng có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt nên được mọi người xài “ké”. Ngày cuối tuần, em, cháu chị Hằng ôm mùng mền, ri đô, bao gối sang nhờ máy giặt “công cộng”. Cuối tuần mới có được một ngày ở nhà nghỉ ngơi mà nhà cứ như cái chợ, chồng chị Hằng rất khó chịu. Là người đứng giữa, chị chẳng biết xử thế nào cho vừa dạ đôi đàng.
“Sân nhà” ở đây không chỉ là ở sự gần gũi, chung chạ về không gian, mà còn do những người trong “sân” không biết tự giới hạn, không tôn trọng đường biên. Nhiều người nghĩ, nhà chị cũng như nhà em, tình thâm trước sau như một. Chị đã lo cho em thì bao nhiêu cho đủ, có đáng gì những chuyện nhỏ như mượn cái nồi, xin trái ớt. Người dưng ngoài đường còn giúp nhau huống gì “huynh đệ như thủ túc”. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở giá trị vật chất, mà ở chỗ quyền sở hữu, quyền tự do bị xâm phạm. Với những người rể/dâu, không thể bắt họ nhập nhằng những gì mà họ cho là riêng tư với những người không ruột thịt. Ở gần không phải là ở chung, mà ngay cả ở chung cũng không phải là của chung. Với vợ chồng, khoảng riêng là vô giá.
Một trong những nguyên tắc vàng trong hạnh phúc vợ chồng là “đóng cửa bảo nhau”. Nguyên tắc này không chỉ nhắc nhở các cặp vợ chồng nên nhẹ nhàng, kín đáo mà còn ngầm cảnh báo “đừng để ai khác xô cửa xen vào chuyện nội bộ nhà mình”. Sự can thiệp thô bạo của người ngoài luôn bắt nguồn từ ứng xử của vợ chồng, nếu kịp thời “căng cờ việt vị” thì người ngoài không thể lấn sâu vào được. Tuy nhiên, lại có nhiều nguyên nhân khiến người trong nhà nhượng bộ: do cả nể, sĩ diện, sợ mất lòng, sợ người khác nghĩ mình là người ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ mọn.
Điều quan trọng là do người đứng giữa quá dễ dãi, không chịu thích nghi với hoàn cảnh hoặc không xem là quan trọng việc giữ lửa nhà mình. Như chuyện chị Hằng ở trên, lâu lâu chồng về nghỉ phép, chị vẫn “trung thành” với bếp nhà mẹ. Được cung phụng đã quen, chị không thích phải tự đi chợ, nấu ăn, dọn rửa. Đi làm về, chị ghé nhà mẹ rồi nhắn tin cho chồng sang cùng ăn tối. “Có anh với em thôi, bày ra nấu nướng làm gì cho mệt, trong khi bên mẹ đã có sẵn hết”. Chiều vợ một lần, hai lần, nhưng đến lần thứ ba thì chồng chị Hằng ngán ngược, không chịu qua. Chị vẫn ăn cơm nhà mẹ như thường lệ, hứa sẽ mang thức ăn về cho chồng. Khi chị mang về thì chồng đã ngáy pho pho, trong thùng rác có bao mì ăn liền mới xé. Trong lúc chồng chị cần một mái ấm thực sự thì sự hời hợt của chị đã khiến gia đình không khác gì “nhà trọ qua đêm”.
Một lẽ khác khiến vợ chồng yếu thế trên sân nhà là do đã từng nhờ vả người thân, từng mượn tiền, từng gửi con, đến khi bị nhờ vả lại hay bị lấn lướt thì… chịu phép! Nhưng, nếu cứ nín nhịn, chịu đựng thì những người thân ấy sẽ không biết tự dừng lại và càng sa đà. Nể nang là tạo điều kiện để họ càng đánh mất sự lịch sự, tự trọng. Không chỉ động chạm đến nếp sống, sinh hoạt, nhiều người thân còn tiến sâu hơn, chen vào giải quyết thay chuyện nội bộ nhà mình.