Đến tận hôm nay, vợ chồng mình vẫn còn giận nhau vì một chuyện theo em là “chẳng có gì đáng phải ầm ĩ”. Thật tình, nếu có ai hỏi vì sao không khí trong nhà lạnh tanh, anh cũng không biết phải kể thế nào.
Mấy đứa em vợ chuẩn bị về quê thăm cha mẹ. Hai vợ chồng mình qua chơi, mang theo chút đồ gửi biếu ông bà ngoại. Nhìn mớ quà bánh lỉnh kỉnh, em mở lời:
- Cho chị hộp kẹo này đi, ông bà ngoại già rồi, đâu có ăn được. Để chị mang về cho cháu.
Em gái vui vẻ lấy ra, dúi vào tay chị. Em nhìn thấy chai rượu vang, lại mở lời ngọt nhạt với cậu Út. Anh đã nhìn em, tỏ ý khó chịu, nhưng em vẫn phớt lờ. Thằng Út nổi tiếng ăn nói bỗ bã, vừa lôi chai rượu ra khỏi mớ đồ đã ràng buộc cẩn thận, vừa nửa đùa nửa thật:
- Đây, cho bà, từ nay bỏ thói xin xỏ đi nhá.
Anh vừa xấu hổ, vừa giận vợ đến nóng bừng hai tai. Đây đâu phải lần đầu em làm chồng mất mặt vì thói quen gặp đâu xin đó. Hai vợ chồng đều đi làm, chỉ mới có một đứa con, cuộc sống không đến nỗi nào, thế nhưng em đi đâu cũng đều tranh thủ mang về một cái gì đó. Bất kể thân sơ, nhìn thấy món gì hợp ý, em đều thản nhiên mở lời xin. Gặp người chưa từng “nếm” thói quen đó của em, ai cũng vui vẻ cho em “lấy thảo”. Có người còn khen vợ anh tự nhiên, thân thiện. Còn với người thân trong nhà, đương nhiên em chẳng ngại gì mà không ngừng phát huy thế mạnh “năng nhặt chặt bị”.
Mỗi dịp về nhà ngoại chơi, em đều tranh thủ gom góp đồ ăn thức uống. Em “tha” từ chuối xanh trong vườn, mắm cá, mớ rau hái vội, đến mấy trái ớt xanh. “Để cũng đâu ai ăn, uổng phí”, em giải thích như vậy. Rồi thì “cái áo này mẹ không mặc thì cho con”; “bịch bột ngũ cốc ăn dở, con cầm về cho cháu luôn nhé”… Anh xấu hổ với ý nghĩ, chắc bên nhà vợ nghĩ rằng mình vô dụng lắm đây, để vợ con thiếu thốn, thấy cái gì cũng thèm thuồng, háo hức.
Không ít lần, em còn làm anh bất ngờ khi “tha” về nhà những thứ xin được từ cơ quan hay nhà bạn bè. Thậm chí, cái gì mọi người bỏ đi mà cảm thấy còn xài được là em “bao” luôn, chẳng ngại ngần. Có lần, ngay chiều mùng một Tết, từ nhà chị dâu về, em xách đầy túi đồ ăn dư, với lời giải thích gọn hơ: “Thì có sẵn, mình khỏi phải nấu nướng mất công, tốn kém”. Không phải người mê tín, nhưng mới đầu năm đầu tháng vợ đã đi xin như thế thì anh không sao chịu nổi.
Mỗi lần đề cập tới chuyện này, trước thái độ bực bội của chồng, em không bao giờ thừa nhận mình sai. Nhiều lần vợ chồng mình cãi vã, vì em cứ cố tình không hiểu vấn đề. Em cho rằng anh sướng mà không biết hưởng, có vợ tằn tiện, vén khéo lại còn hay chấp nhặt, chê bai. Nhìn vợ người ta vung tay quá trán, tiêu hoang, phung phí, thì sao?
Lẽ nào vợ anh không nhận ra những ánh mắt thương hại và xem thường của mọi người khi em cất lời xin xỏ?
Theo Hoàng Anh
PNO
(Theo dantri)