Cảm ơn vợ – bằng cách nào?
Friday, November 11, 2011 14:05
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Cảm ơn vợ – không phải người chồng nào cũng đủ dũng cảm để nói ba từ rất đỗi đơn giản ấy.
Cũng không nhiều người biết cách thể hiện lòng biết ơn với người phụ nữ của mình. Báo GĐ&XH xin trích đăng bài viết cảm động của một độc giả về những băn khoăn này trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới.
10 năm ngày cưới sắp đến, tôi băn khoăn không biết mua quà gì cho vợ. Những ngày lễ, Tết, kỷ niệm trước, tôi thường tặng cho vợ một bữa “oánh chén” ở nhà hàng, chấm hết. Nhưng hôm trước, cô ấy bảo kỷ niệm ngày cưới năm nay, phải làm gì đó thật đặc biệt, để đánh dấu quãng thời gian 10 năm chung sống.
1 Vợ tôi là người phụ nữ đảm đang, tháo vát. Từ ngày lấy cô ấy, mọi việc trong nhà tôi không phải lo lắng, động chân động tay gì cả. Sáng ra, vợ lo bữa sáng ngon lành cho cả nhà rồi ai làm việc người ấy. Các con học gần cơ quan vợ nên việc đưa đón cô ấy đảm nhiệm hết. Tối về đến nhà, cơm canh đã xong xuôi cả. Mọi việc trong nhà, nhất nhất mẹ tôi đều bàn bạc với con dâu, vì bà biết, tôi không phải người nhanh nhẹn, tháo vát có thể lo toan được như cô ấy.
Dạo trước, dù bận học thêm bằng hai nhưng tôi thấy cô ấy vẫn lo toan mọi việc đâu vào đấy nên cũng chẳng thấy bận tâm gì. Nay vợ nói muốn có một điều gì đó ấn tượng kỷ niệm ngày cưới, tôi bỗng giật mình. Mười năm qua thật nhanh, vợ tôi đã già hơn so với ngày đầu gặp mặt. Những nét chân chim khiến đôi mắt có phần nào mệt mỏi. Tôi bỗng thấy thương vợ, muốn có một món quà đặc biệt nào đó để nói lên tấm lòng mình. Tôi bèn tụ tập mấy gã bạn khéo nịnh vợ để tham khảo…
2 Bữa nhậu này thật đặc biệt, chủ đề tặng gì, làm gì cho vợ không ngờ lại rôm rả và lắm ý kiến đến thế. Lão Phương, cán bộ ngân hàng vừa làm động tác đếm tiền vừa nói: “Chả cái gì bằng tiền. Chung quy lại là các bà ấy chỉ thích cái này thôi”. Phương vừa nói vừa làm động tác xoa hai ngón tay cái và ngón trỏ vào nhau như đang đếm tiền rồi cả hội lăn ra cười nhăn nhở. Nhưng vợ tôi lại không phải tuýp người lúc nào cũng đòi hỏi chồng chuyện tiền bạc.
Phương án mua tặng đồ trang sức được Thắng “phô tô” đưa ra thì Quyết “đầu bạc” gạt đi: “Cái đó xem ra không ổn. Lần trước tôi mua về tặng vợ, bị mụ ấy rít lên là đồ ngốc, có tiền mà không biết tiêu, mua ba cái đồ vàng tây lúc bán lỗ chổng vó, chả được đến nửa tiền”. Vậy mua bó hoa hồng thật to, cả trăm bông, với mấy chục ngọn nến, tối bày hoa ra, đốt nến lên, lãng mạn phải biết! “Ờ, tôi đã từng làm gần giống thế, bị vợ bảo là rửng mỡ. Vợ tôi bảo, tây chẳng ra tây, ta chẳng ra ta, chỗ này lại chả đến 500 nghìn à, anh cứ đưa tiền đây tôi mua được khối thứ” – Tuấn, đồng nghiệp của tôi ngán ngẩm.
Còn Bình, kỹ sư xây dựng thì bảo có lần thấy vợ cứ xuýt xoa bạn nọ, bạn kia toàn mặc đồ xịn, đầu tóc thay đổi xoành xoạch, nhân có một khoản mới thanh toán một công trình đã đưa vợ đi mua sắm, làm tóc. Bình kể: “Đầu tiên, cô ấy cảm động lắm, nhưng tối về đến nhà chả hiểu nghĩ thế nào lại bảo, “sao anh biết những chỗ mua sắm, làm tóc ấy. Chắc lâu nay thường xuyên đưa con nào đến phải không. Tôi hết lòng lo toan vì gia đình này, cuối cùng để đứa khác được hưởng”. Dù tôi giải thích là những địa chỉ ấy lên mạng Internet tìm và bạn bè mách cho nhưng cô ấy nhất định không tin, dằn vặt tôi mãi. Sau lần ấy, tôi cạch đến già…”.
3 Tóm lại, sau hàng chục phương án và những câu chuyện minh họa, tôi thật sự bối rối. Điều trăn trở ấy, tôi đem đến chỗ ông bác làm ở một nhà xuất bản. Hôm đó, tôi được gặp thêm mấy người bạn của bác cùng bàn về chuyện này. Họ, những người đi hơn nửa chặng cuộc đời đều cho rằng, tình cảm vợ chồng rất sâu nặng, không thể đong đếm bằng vật chất, quan trọng là cách thể hiện thôi. Một người bạn của bác tôi là nhà khảo cổ học đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những năm tháng tuổi trẻ đi liên miền hết miền đất này, đến miền đất khác của ông.
“Nói thật, tôi đã từng tự hào về những thành công của cuộc đời mình và cho rằng do sự nỗ lực và trí tuệ. Nhưng qua một trận ốm thập tử nhất sinh, nằm ở nhà, có thời gian được vấn an mẹ già, nhìn các con trưởng thành, mọi việc trong nhà đâu vào đấy, tôi mới vỡ ra rằng, tất cả những gì trong gia đình tôi đang có, không phải do trí tuệ và sự thành đạt của tôi đem lại. Nó do chính bàn tay chăm lo, hi sinh của vợ mình. Tôi phải cảm ơn bà ấy rất nhiều”, ông nói.
Ông kể rằng, ông đã không kịp nói với vợ của mình lời cảm ơn ấy, thì bà đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Và ông bảo, những người phụ nữ luôn thầm lặng vì hạnh phúc của gia đình, điều họ cần nhất là được người bạn đời hiểu và ghi nhận.
Câu chuyện của người đàn ông đó khiến tôi trăn trở. Đúng là không món quà nào sánh được những gì vợ tôi đem lại cho tổ ấm gia đình này. Tôi cũng không phải người có thể nói ra một lời cảm ơn vợ.
Lễ kỷ niệm 10 năm ngày cưới của chúng tôi chỉ có gia đình và một vài người bạn. Đêm hôm ấy, vợ tôi mở món quà tôi tặng, cô ấy lặng đi. Bên trong hộp quà xinh xắn chỉ có một dòng chữ: “Mười năm qua, anh có em là một món quà vô giá. Anh không biết tặng gì để có thể sánh với những gì em dành cho anh và các con. Anh chỉ có thể nói được một điều: Cảm ơn em, vợ của anh”.
Trí Anh
(Theo GiadinhNet)