Nuôi con thành “Tây lai” (3): Đau không khóc, đói không la
Wednesday, November 30, 2011 16:20
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nhiều bà mẹ trẻ muốn rèn tính tự lập cho con từ nhỏ nên đứa trẻ chẳng may bị vấp, ngã họ coi như không nhìn thấy hoặc nhìn thấy nhưng để tự con đứng dậy. Dạy con tự lập theo kiểu “Tây” là phương pháp tốt, nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc vì áp dụng thái quá phương pháp này nhiều khi lại gây tác dụng ngược.
Không cưng nựng, chỉ ra lệnh
Sau ba năm làm việc ở bên Đức, Minh Huế đưa con nhỏ 8 tháng tuổi về Việt Nam thăm ông bà nội, ngoại. Nhưng cách chăm sóc con khác người của Huế khiến ông bà ngỡ ngàng, khó chịu. Bé Bảo Châu (con chị Huế) thường được mẹ để trong chiếc xe đẩy, đến bữa ăn chị Huế đưa cho Bảo Châu bình sữa hoặc thức ăn (loại thức ăn mà chị mua từ bên Đức về chỉ việc cho vào lọ hòa tan với nước là xong) là bé tự cầm đưa lên miệng bú ngon lành. Thấy con dâu cho cháu ăn toàn đồ ăn sẵn, bà Ngọc (mẹ chồng chị Huế) nói: “Hôm nay, con đừng cho cháu ăn đồ sẵn nữa. Mẹ nấu cho cháu nồi cháo thịt ngon lắm”. Chị Huế thản nhiên nói: “Không quen chắc nó không ăn đâu, mẹ nấu làm gì cho mất công”. Bà Ngọc vẫn bê bát cháo lên nhưng đúng là con bé không ăn thật.
Thương Bảo Châu cứ phải đứng trong xe mãi, bà Ngọc đưa tay toan bế cháu thì cô con dâu ngăn lại: “Mẹ cứ mặc cháu, nó quen rồi. Mẹ bế được 2-3 ngày rồi con mang sang kia nó quen bế thì con làm sao được. Ở bên đó, con phải cho cháu đi làm cùng. Con lái xe, đặt cháu ngồi ở ghế sau. Đến chỗ làm con phải cho cháu vào phòng riêng. Con rất bận nên chỉ khi đến bữa ăn mới vào cho nó ăn thôi”. Bà Ngọc đành ngậm ngùi nhìn cháu. Đôi lúc con bé khóc, vì có lẽ nó thấy mình mất tự do hay không được âu yếm, cưng nựng, bà Ngọc bỏ qua sự ngăn cản của chị Huế bế Bảo Châu lên dỗ dành. Chị Huế thể hiện rõ sự không đồng tình: “Mẹ không cần phải dỗ đâu, con nói một câu là nó im ngay: “Bảo Châu im ngay!”. Con bé đang khóc, nghe tiếng mẹ bỗng im bặt.
Bà Thanh Ngân ở phố Chùa Láng, Hà Nội tuôn lời sa sả khi nói về cách chăm cháu của con dâu: “Con dâu tôi nó chăm con kinh khủng lắm. Chẳng bao giờ thấy nó cưng nựng tình cảm với con mà toàn thấy ra lệnh thôi. Con bé Hiền Anh hay khóc ăn vạ, mà con dâu tôi nhất quyết không dỗ cứ đứng trơ mắt ra nhìn. Nó bảo trẻ con không phải cứ muốn là được, mà tôi thì cứ nghe cháu khóc là ruột gan lại quặn lên lao ra dỗ, nhưng nó lại không đồng ý bảo: “Con đã bảo là nó khóc thì cứ mặc nó. Khóc chán thì thôi. Mẹ làm thế cháu nó hư đi”. Thành ra ở nhà tôi mẹ chồng nàng dâu cứ lời ra tiếng vào vì những chuyện nho nhỏ, mà mỗi lần như thế đến bữa cơm lại chẳng ai muốn ăn.
Cắn răng nín lặng vì tự ngã gẫy xương vai
Chị Trần Thanh Bình, xã Hoàng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa vẫn chưa hết hối hận khi nhớ lại cách đây 1 năm phải đưa cu Bi đi bó bột xương vai. Chị Thanh Bình tâm sự: “Cu Bi được chiều từ bé nên đã 7 tuổi rồi vẫn có tính nhõng nhẽo, đến bữa vẫn không chịu xúc cơm ăn mà cứ để mẹ phải bón. Vì thế, khi sinh cháu thứ hai tôi quyết định rèn con có tính tự lập, nhưng không ngờ lại có phản ứng ngược”.
Cách đây 1 năm khi cu Bi còn học mẫu giáo nhỡ bị ngã trượt gãy xương vai mà không dám nói với mẹ. Ngay từ lúc đón con về, tôi đã thấy nó kém năng động so với mọi ngày, mặt buồn nhưng hỏi nó cứ bảo không sao. Đến bữa cơm tối, cu Bi cố bưng bát cơm lên nhưng không bê được, bát cơm rơi xuống. Lúc đó tôi hỏi, cháu mới nhăn nhó nói: “Con đau tay và vai quá”. Vợ chồng tôi vội kiểm tra mới nhận ra và đưa con đến bệnh viện. May mà bác sĩ cứu được cánh tay không thì tôi hối hận cả đời. Thương nhất là lúc bác sĩ hỏi: “Sao bị ngã đau, cu Bi không nói cho bố mẹ biết?”. Thằng bé mới mếu máo trả lời: “Bố mẹ con dạy, nếu tự mình làm đau thì không được khóc, không được la ạ”. Cứ nghĩ lại là tôi không cầm được nước mắt.
Rước họa nếu quá cứng nhắc
Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Quyên, Trung tâm tư vấn Thanh Tâm, Hà Nội cho rằng: “Đúng là nên rèn cho con tính tự lập, bản lĩnh ngay từ khi con còn nhỏ. Tuy nhiên, tự thân không đồng nghĩa với chuyện bỏ rơi con. Người phương Tây tiên tiến trong việc dạy dỗ con cái, nhưng chắc họ cũng sẽ không đồng ý với những bài học sáng tạo như bỏ mặc trẻ trong xe đẩy, không người lớn bên cạnh, đau không được khóc, vấp không được la, lười ăn là bị bỏ đói… Dạy con theo kiểu này thì tàn nhẫn quá.
“Trước đây, khi tôi còn làm chuyên gia tư vấn cho một dự án về nụ cười trẻ em. Có lần theo chương trình dự án chúng tôi xuống một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy. Chắc thấy tôi hay cười lại còn kể chuyện cổ tích cho một nhóm học sinh nghe, một bé gái tên là Khánh Ly khi ngồi ghế để ở chỗ không phẳng bị ngã lộn ra đằng sau. Tôi đến đỡ bé dậy. Bị ngã khá đau nhưng tôi rất ngạc nhiên khi thấy bé tròn xoe mắt nhìn tôi rồi nói: “Cô ơi, mẹ con không thương con như cô đâu. Ở nhà con cũng bị ngã rướm máu ở chân mà mẹ không đỡ con dậy. Ngủ một mình sợ ma, con muốn ngủ với mẹ nhưng mẹ đuổi con về phòng… Dạy con dù là Tây hay ta, phương pháp nào cũng phải dựa trên sự yêu thương, cảm thông, lắng nghe thì mới hiệu quả”, bà Quyên nói.
Cũng theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Quyên, dạy con không được mè nheo, vòi vĩnh khi ốm đau thì được. Nhưng diễn biến sức khoẻ trong cơ thể của một đứa trẻ không phải bố mẹ nào cũng đủ tinh tế để nhận ra. Trẻ đau như thế nào, bị té ra làm sao, cơ thể va đập vào đâu, cần phải tường thuật hết với bố mẹ. Không thể học theo lối dạy của Tây, rồi áp dụng cứng nhắc vào việc nuôi dưỡng con mình thì có ngày tự rước họa. Trường hợp của cu Bi nhà chị Thanh Bình là một ví dụ.
Mai Vy – Kỳ An
(Theo GiadinhNet)