Được hít thở không khí trong lành ở làng quê, được chạm đến những cảnh vật thôn dã mà thành thị không có được sẽ là trải nghiệm quý báu với trẻ thơ – Ảnh: Yên Minh
Bé Đông, con chị K., hầu như không có cảm xúc gì với quê nội của bé vốn thuộc một xã vùng sâu ở miền Tây Nam bộ. Gia đình chị K. ở một chung cư Sài Gòn, vốn là người “giữ” con quá kỹ, ngay cả chơi ở sân chung cư cũng bị hạn chế nên bé Đông sợ đủ thứ. Đi Vũng Tàu thì không dám chơi cát, tắm biển, lên Đà Lạt thì sợ không khí quá lạnh nên chẳng dám đi bộ ra đường, về quê nội ngoại thì miệt vườn, chị K. lại càng âu lo vì sợ con bị… muỗi cắn, ong chích.
Cho rằng bé Đông không thích ứng với môi trường, dễ bị cảm, về quê mấy lần đầu bé Đông không ngủ được vì không có máy điều hòa, không có máy nước nóng để tắm gội, nước thì không lọc sạch nên bé nổi mẩn ngứa, mỗi lần cả nhà chị về quê là mỗi lần ám ảnh. Chị K. phải chuẩn bị cho những chuyến về quê nào nước cho con uống, thức ăn đem theo loại tinh sạch thế nào, chị đem theo luôn cả mền gối của bé Đông nên thành ra lần nào cũng phải thuê xe riêng để về dù quê chỉ cách Sài Gòn hơn trăm cây số.
Về đến quê, cậu bé Đông nay đã hơn 10 tuổi, vẫn mang vớ, đi giày, mặc quần áo tay dài, chỉ đi loanh quanh trong nhà, ôm chiếc điện thoại để chơi game chứ không dám cùng các anh chị họ đi thả diều, mò cá, vớt ốc… Nhiều anh em họ của bé Đông cũng có nhà trên thành phố nhưng không như bé Đông, về tới quê là “a lê hấp” chơi những trò thôn quê, rủ nhau ra vườn hái trái, cho gà ăn. Còn bé Đông thì lẻ loi vì bị anh chị mình gọi là “công tử bột”, nên bé hết than chán lại than buồn.
Việc “ủ” con quá kỹ không giúp bé hòa vào môi trường làm cho cơ thể bé cũng dễ “nắng không ưa, mưa không chịu”. Quen sống ở thành thị và thích hưởng thụ, nhiều cha mẹ dạy con mình hướng đến những giá trị vật chất cao mà quên gốc gác quê hương. Có về quê thì con cái không được cha mẹ kể về tuổi thơ, không hình dung cha mẹ mình sinh ra và lớn lên ở quê ra sao. Chính những điều như vậy cha mẹ vô tình tước mất niềm yêu thích khám phá của con trẻ.
Chuyện không dám biến một chuyến về thăm quê thành một chuyến đi thú vị như trường hợp mẹ con nhà chị K. vô tình không giúp con trẻ có được những kỷ niệm trong trẻo của tuổi thơ ở quê nhà, không giúp bé quan sát và phân biệt những môi trường sống khác nhau có gì hay có gì dở, không giúp bé phát triển ngôn ngữ, cảm xúc với những sự vật, hiện tượng, khung cảnh thực tế ở quê nhà.
Cho con về quê như một cách dạy con yêu quý quê hương xứ sở, nguồn gốc cha mẹ. Và phải chăng, tâm hồn trẻ thơ cũng phong phú, khoáng đạt hơn…
( theo tuoitre )