Như vậy, dù là bí mật dạng ảo hay thật thì nguy cơ đều ghê gớm như nhau. Từ đó, xuất hiện băn khoăn rất chính đáng của cha mẹ: làm thế nào để trẻ tin tưởng trao gởi mọi bí mật cho mình?
Học kỹ năng làm bạn với con
Trên thực tế, rất nhiều người bất chấp tất cả để tìm biết cho được những bí mật mà con không muốn chia sẻ. Nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? Con chỉ muốn chia sẻ khi cảm thấy cha mẹ thực sự là người bạn đáng tin cậy của mình. Khi con không muốn chia sẻ nữa, nghĩa là con đã mất lòng tin nơi cha mẹ. Do vậy, thay cho những câu hỏi: Nó giấu chuyện gì? Làm cách nào để biết được? Phải làm gì để nó sợ mà nói ra?… các bậc cha mẹ cần tự hỏi: Mình đã làm gì khiến con không còn dám nói như ngày nó còn bé?
Khi cảm thấy con đang giấu giếm điều gì, hãy xem đó là sự cố của cả cha mẹ và con, và điều đầu tiên tối quan trọng là phải bình tĩnh. Mỗi sự việc cụ thể cần có những giải pháp cụ thể phù hợp, nhưng cần dựa trên vài nguyên tắc chung: không sử dụng bạo lực, la mắng, kể lể với nhiều người, ở chỗ đông người: đó là hành vi sỉ nhục, không phải giáo dục. Không đối xử với con như tội phạm bằng những câu tra hỏi thiếu tôn trọng (chỉ khi nào con thấy mình được tôn trọng, cha mẹ mới có cơ hội nghe con nói). Khi con bày tỏ, dù là với thái độ hằn học hoặc lời lẽ không được êm tai, hãy kiên nhẫn lắng nghe, không phán xét bình luận, rồi cất sự việc sang bên độ đôi ngày. Hãy chờ cho cơn bão cảm xúc của bạn yếu hẳn đã, lúc ấy sẽ họp gia đình lại và tìm câu hỏi đúng để cùng nhau trả lời. Ví dụ: “Tại sao hai mẹ con mình lại không thể là bạn tốt của nhau? Mẹ muốn biết để sửa con ạ”…
Cùng con chơi những trò con yêu thích – kể cả chơi game (có chọn lọc) – cũng là một phương cách vô cùng lợi hại mà rất hiếm phụ huynh ý thức được: con sẽ đỡ stress, thấy cha mẹ mình có phần “chơi được”, từ đó sẽ mở lời thổ lộ bí mật của chúng.
Lê Thị Phương Nga
(chuyên gia nghiên cứu trẻ em)
Em không dám kể với ba mẹ! Trần Anh Thư, lớp 3 trường tiểu học Bạch Đằng, Q.4, TP.HCM Em thường ít tâm sự với ba mẹ. Em chỉ khoe những khi mình đạt điểm tốt, còn những chuyện linh tinh ở trường hay chuyện buồn thì em thường kể cho dì. Dì em là cô giáo, dì khuyên em không chỉ ở vai trò của một người dì mà còn ở vai trò của một người thầy nên em thích lắm. Em buồn hay giận ai cũng tâm sự với dì hết. Em không dám kể với ba mẹ vì ba mẹ đi làm về mệt mỏi, nhiều khi kể xong, có khi em còn bị la nữa! Chỉ kể cho ba mẹ nghe chuyện vui Huỳnh Tấn Phát, lớp 7 THCS Phú Xuân, Đồng Nai Theo em, con cái không nên chia sẻ hết mọi chuyện với ba mẹ. Em chỉ kể cho ba mẹ nghe chuyện vui thôi. Riêng chuyện học hành thì bắt buộc phải kể hết. Em thường chia sẻ bí mật với chị vì chị cũng gần tuổi nên hiểu em. Chị bày cách này cách nọ giúp em khi em gặp chuyện không hay, chứ ba mẹ không cùng “hệ tư tưởng” nên em nói là sẽ bị la. Không bao giờ giấu chuyện gì Nguyễn Thu Dung, sinh viên năm 1 khoa báo chí và truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM Em vẫn thường chia sẻ với ba mẹ, kể cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Đặc biệt là khi em có chuyện buồn, bị hiểu lầm, em nghĩ ngay tới ba mẹ. Sau khi chia sẻ với ba mẹ, em luôn nhận được sự động viên, đồng cảm và dễ chịu hơn. Còn khi em sai, em kể ra thì ba mẹ la liền. Như khi em nhận xét về ai đó không đúng, ba mẹ sẽ nhắc nhở. Nhưng thường thì em không bao giờ giấu chuyện gì, vì em biết, ba mẹ lúc nào cũng đem lại những lời khuyên đúng đắn cho em. Ý Nhi ghi |
(theo sgtt)