Năm nay Tết sớm, nổi lo cũng đến sớm. Trong tỉ cái lo, lo nhất là khi ôsin về quê! Đó là tâm trạng của nhiều bà chủ gia đình.
Mấy ngày trước Tết, công việc nhà dồn như núi, vậy mà bà Cao thị Quý, một giảng viên Đại học không giữ nổi người giúp việc. Bởi một lý do đầy tính nhân văn: “Tết này em về quê, có khi lấy chồng cô ạ”. Trời đất! Em ở trong nhà suốt, quen ai mà lấy”. “Có chứ, hôm trước em đi chợ, gặp ảnh, người cùng xã, làm công nhân ở Sài Gòn…”.
Thông báo vậy rồi mới xong Tết Tây, cô Tám ngày nào cũng nhắc chuyện về quê. Thấy cô giúp việc cười tít cả mắt, bà dành phải “duyệt” cho cô ấy về quê trước cả ông Táo về trời. Cô ấy đã gần 40 tuổi, đang mong lấy chồng. Tết này không được về quê, ở lại nhà chủ, chắc mặt mày như cái bánh bao nguội, khổ! Nhưng cho cô ấy về, thì bà chủ khổ.
Đầu tiên, bà từ bỏ hết các cuộc gặp gỡ cuối năm bạn bè, lý do: Chẳng có ai lo việc nhà. Ông xã bà vẫn đi suốt. Vợ thông báo: “Cô Tám về quê rồi”. Ông chỉ: “Thế à, ừ Tết mà”. Đàn ông vốn vô tư thật, vợ nói thế là muốn chồng phụ giúp việc nhà, chứ có phải là thông tin cần biết đâu.
Vậy là bà chủ thành osin.
Một ngày chủ nhật, bà dậy sớm, nạp năng lượng bằng một tô bún bò, rồi ra tay. Bắt đầu từ cái bếp, bà nhón chân, với tay mở cái tủ chén, thì…Trời! Một cái tô rớt xuống vỡ toang, may mà bà né kịp. Bà tìm cái chổi, không biết osin cất ở đâu? Cái gì cũng phải đi tìm, bà ở trong nhà mình, mà như ở nhà hàng xóm. Căng nhất là bạ dọn cái tủ lạnh. Trời ơi! bà lôi ra hộp bọc gì thế này, không biết đã mấy đời rồi. “Trời ơi” là điệp khúc trong bài ca lao động nội trợ của bà.
Nhưng mọi sự không dừng lại ở sự mệt mỏi, bà loay hoay bưng cái chậu mai cảnh, nó đâu có nặng gì, thế nhưng bà lại không thẳng lưng lên được. Gọi điện chồng bảo “Đang kẹt xe, em cứ đến bệnh viện, anh vào đó luôn”. Bác sĩ bảo bà lom khom sai tư thế, phải nằm nghĩ nhiều. Bà ngao ngán quá, nhưng vào bệnh viên mới biết hội chứng: “Đẹp nhà, xấu người” phổ biến mỗi độ xuân về. Vào thời khắc giao mùa, mọi người tập trung dọn dẹp nhà cửa. Tay chân đang làm việc văn phòng, bỗng bị “lao động quá mức” nên quặt quẹo đủ kiểu, người trật khớp, kẻ sưng cơ… Ôsin lại không có, khổ chồng lên khổ. Chồng bà an ủi vợ: “Coi như Tết này, bà khỏe rồi, cứ nằm xem tivi. Đấy, trong cái rủi có cái may”. Chồng bà bảo, cứ đóng cửa như là tụi mình về quê. Thôi! ngày thường có osin có cơm nóng, canh sốt, còn ngày Tết thì chịu cơm hộp vậy, hẹn Tết sau, mình sẽ ăn hoành tráng hơn.
Làm việc nhà, bà Lê Thị Kiều Lam, nhân viên của một nhà xuất bản, không lo mỏi tay, mà bà lo năm mới phải tìm osin mới. Mới gì chứ mới vụ này, thiệt hổng ham. Cô giúp việc cũ tìm được một chân tạp vụ của một tòa nhà cao tầng. Thôi thì để cho người ta phát triển bản thân. Nhìn nhà cửa không có osin bà phát ớn lạnh. Bà lầm bẩm: “Mới Tết đây, mà tết nữa rồi”. Mọi chuyện cứ như mới ngày hôm qua. Tết năm trước, bà theo chồng về quê, tưởng trốn được việc dọn dẹp nhà cửa, nhưng sai lầm hết biết: hết nấu, đến rửa chén phờ phạc hết cả người.
Còn Tết năm ngoái, vợ chồng bà tậu được chiếc xe hơi giá rẻ, nên nảy sinh ý tưởng đi “xuyên Việt” cho đến khi hết Tết. Ông lo chuyện xe cộ, xăng nhớt, bà lên danh sách ghé nhà ai dọc đường. Thế là: anh Tư, anh Tám, chị Năm, cô Sáu…bà con thân sơ, bạn bè củ mới đều được bà hồi tưởng nhớ lại để đến…Chúc mừng năm mới. Có người mở cửa mừng rỡ, có người ngạc nhiên: “Ủa! Vợ chồng bây tha con cái đi đâu nắng nôi vậy…”. Thoát được cái Tết khỏi phải ở nhà dọn dẹp, nấu nướng, tiếp khách…nhưng hao kinh khủng. Đến nhà ai, đám con nít cũng nhao lên đòi lì xì, còn phải quà cáp cho người lớn… Rồi dọc đường xe hư, đường hỏng, phải nằm chờ mệt muốn chết. Thôi kệ, vợ chồng bà giả lả mừng vui, sống cho qua ngày Tết. Còn năm nay thì sao đây?
Vợ chồng bà đang tính nát óc. Ông chồng bàn đi nước nào gần gần, giá rẻ. Thì chỉ có Thái Lan, không biết có bị lụt lũ gì nữa không? Hay đi Campuchia, Lào…bà lại lo nắng nôi, nóng bức. Tết đến nơi rồi, mà vợ chồng bà vẫn chưa nghĩ ra…
Còn bà Đỗ Thị Tú Oanh, nhân viên ngành bảo hiểm, thì mỗi năm đến Tết là hai vợ chồng bà tăng số lượng và chất lượng cải nhau. Ông chồng bà không chịu đi đâu cả: “Tôi phải ở trong ngôi nhà này để đón Tổ tiên về vui Tết”. Theo ông, chỉ có ba ngày Tết, ông bà, cha mẹ ông mới xin được “phép” về thăm con cháu. Nói thế, chẳng khác nào ông tra tấn vợ, bởi ôsin đã về quê. Nhưng ông không coi đó là chuyện lớn, vì nếu như phải đưa vợ đến một nơi mà bà ít khi đến, thì nơi đó là cái bếp.
Bà lại nghĩ, cả năm bù đầu với công việc, Tết là dịp nghĩ ngơi, vui chơi, chứ cắm đầu vào bếp thì làm sao có cuộc sống chất lượng. Vợ chồng trái quan điểm, cải nhau suốt từ rằm tháng chạp đến hết rằm tháng Giêng, đó là thời điểm ôsin trở lại làm việc.
Cũng vì tranh luận với chồng, mà bà vợ mất hết năng lượng. Cái gì bà cũng thấy nặng nề, ủi đồ xong lưng mỏi nhừ, nấu xong bữa cơm mờ cả mắt…Chưa hết đâu, con cái sao chúng bẩn thế nhỉ, thay đồ suốt vẫn cứ bẩn, bà lại nhăn nhó.
Bà nảy ra một ý tưởng, tìm người giúp việc theo giờ. Trả tiền hơi cao, nhưng đỡ tốn sức. Đến nhà bà là một cô gái trẻ, sinh viên, không về quê, tìm việc làm ngày Tết. Trời đất! Mới một ngày bà phải nói lời tạm biệt. Cô gái có biết làm gì đâu, quét cái nhà không sạch, toa-let thì chê không cọ, chỉ biết luộc trứng, nấu mì gói…
Mỗi bà vợ mệt mỗi kiểu, nhưng họ có chung một nổi mong “hết Tết”. Chỉ đến khi ôsin xuất hiện trong nhà, cuộc sống gia đình mới cân bằng trở lại.
Theo Tuổi trẻ cười