Qua rằm tháng Chạp, vợ “trưng” ra một kế hoạch dài dằng dặc công việc phải hoàn thành trước ngày đưa Ông Táo về trời để tạo luồng sinh khí mới, đón nhiều lộc mới vào nhà.
Chao! Mới nghe vợ thông báo “kế hoạch” mà anh muốn “xỉu” vì còn có “nhiu” ngày nữa đâu? Trong khi hai vợ chồng vẫn phải đi làm, con vẫn phải đến trường, thức ăn vẫn phải mua, cơm vẫn phải nấu. Nhưng dù anh có “trình bày”, “phân tích”, “năn nỉ ỉ ôi” cách mấy, vợ vẫn quyết tâm “hoàn thành kế hoạch”.
Hàng ngày, vợ đánh thức anh dậy từ 4 giờ sáng để “tranh thủ chút nào hay chút đó” trước khi đi làm. Tối về, nuốt vội vài hột cơm, vợ hò hét chồng “bắt tay vào việc”. Tối mắt tối mũi như vậy mà kết quả thật thảm hại, không ra đâu vào đâu. Ví như việc sơn nhà hay làm cửa sắt, đánh bóng đồ gỗ hay véc ni bàn ghế, ngày cuối năm, thợ giỏi bận hết, thợ học việc đảm nhận nên “chất lượng sản phẩm” lôm nhôm hết chỗ nói. Thế là, dù hết sức cố gắng, kết quả vẫn không như ý, công việc không hoàn thành đúng “tiến độ”, lại bận rộn quá sức nên vợ suốt ngày bực dọc, cáu kỉnh, trách cứ, còn quần áo thì xốc xếch, tóc tai bù xù, mặt mũi nhem nhuốc.
Lại nữa, những ngày này, anh thường lu bu với đủ thứ việc ở cơ quan và không thể vắng mặt trong những vụ tiếp khách, liên hoan, tổng kết cuối năm. Nhiều khi vợ phải một mình trần lưng cáng đáng việc nhà, xoay như chong chóng, “đầu tắt mặt tối” từ sáng đến khuya. Hệ quả tất yếu là những “cơn bão lời ”của vợ “dội” xuống anh càng ngày càng tăng cấp độ. Anh trở thành ông chồng “lười biếng”, “vô trách nhiệm”, “có cũng như không”.
Biết lỗi nên anh không dám cãi, chỉ thỏ thẻ khuyên vợ mướn người giúp việc hay thuê “dịch vụ dọn nhà”. Nhưng vợ cương quyết phản đối với lý do “gần tết phải cảnh giác, không nên có người lạ trong nhà!”.
Vợ ơi! Biết vợ vất vả nên anh thương lắm! Năm sau, rút kinh nghiệm, vợ chồng mình hãy dàn đều những việc cần làm mới nhà cửa trong suốt năm chứ đừng dồn hết vào những ngày cuối năm rồi nhăn nhó, cáu kỉnh. Anh mong lắm những ngày giáp tết thoải mái và vui vẻ, vợ ạ!
Theo Thảo Duy
PNO