Ngày yêu nghe Ngọc nói: “Em không biết đâu, anh làm cho em đi, không có anh em chẳng biết sẽ sống thế nào đâu”, Bình sướng rơn vì thấy mình như một người hùng. Anh có cảm giác mình là người bao bọc, che chở và là chỗ dựa vững chắc cho người yêu bé bỏng. Nhưng cái hạnh phúc ấy chẳng thể nào duy trì được mãi khi lấy nhau gần 3 năm trời, câu nói mà Bình được nghe từ vợ vẫn là: “Em không biết đâu, anh làm cho em đi”.
Ngọc không hẳn được sinh ra trong một gia đình quá giàu có nhưng cô là con một. Thương đứa con gái yếu đuối, mỏng manh cái gì trong nhà bố mẹ Ngọc cũng lo liệu hết để cho con gái yên tâm học hành. Bởi thế ngay từ khi yêu Ngọc lúc nào cũng tỏ ra là một người yếu đuối. Sinh ra ở Hà Nội, nhưng mỗi lần cần đi đâu Ngọc cũng í ới điện thoại cho Bình: “Em không biết đường đâu, anh qua đèo em đi đi. Không có anh em không biết xoay xở thế nào?”. Nghe thế, dù vừa mới đi làm về mệt phờ nhưng Bình lại hồ hởi phóng vù xe tới chỗ người yêu để làm tròn vai trò một người hùng.
Không phải Ngọc yếu hay vụng về mà đơn giản là cô đã quen với việc được chiều chuộng, cung phụng thành thử dần già trở nên ỷ lại, lười nhác. Những ngày đầu kết hôn, Bình tíu tít suốt ngày với công việc của gia đình, từ chuẩn bị cơm nước tới giặt quần áo. Cũng thấy mệt, nhưng vì cái gì mới mà chẳng hay ho, vả lại mỗi lần Bình làm, Ngọc thường ngồi bên xuýt xoa: “Sao mà em tốt số thế, lấy được người chồng cái gì cũng biết làm. Không biết không lấy được anh đời em sẽ thế nào?”. Nghe vợ nói thế, vất vả mấy Bình cũng hồ hởi làm mà chẳng nghĩ ngợi gì.
Nhưng rồi Bình không thể gắng gượng được mãi khi mà ngày nào tan làm về tới nhà bếp núc vẫn lạnh tanh. Nếu Bình không tự tay làm thì nhà cửa lúc nào cũng bộn bề đủ thứ đồ, bát đĩa vài ngày chẳng ai sờ tới, quần áo trong máy giặt xong cũng chẳng hề được bỏ ra phơi…Bình nóng giận quát vợ, Ngọc vẫn giữ vẻ mặt bình thản: “Ngày trước yêu nhau em đã chả nói với anh là em không biết làm gì rồi giờ anh lại còn trách mắng em là sao? Thôi anh thương em thì thuê người làm cho bọn mình đỡ khổ”.
Ngọc đi làm cũng đã gẫn 7 năm nhưng mãi chỉ là cô nhân viên quèn chẳng thăng tiến được. Tất cả cũng chỉ bởi cái tính lười nhác của Ngọc mà ra. Tới văn phòng chẳng bao giờ Ngọc đánh rửa bộ cốc chén chung hay cầm cái chổi quét vài nhát cho văn phòng sạch sẽ. Đi ăn liên hoan Ngọc ngồi thu lu một chỗ đợi ăn chứ chẳng chịu động chân động tay vào cái gì. Mọi người thấy vậy ai cũng tỏ thái độ với Ngọc nhưng cô chả quan tâm. Bình nghe một cô bạn cùng công ty Ngọc phản ánh, về góp ý với vợ Ngọc nhăn mặt lên lí giải: “Chúng nó thấy em số sướng nên ghen tị đấy”.
Càng ngày những câu nói nũng nịu để trốn việc của Ngọc càng nhiều khiến Bình không thể nào chịu nổi. Nhiều đêm nằm trăn trở mãi cuối cùng Bình phải đưa ra một quyết định. Sáng hôm sau, Bình chuẩn bị quần áo cho vợ rồi giục cô dậy đưa về nhà mẹ đẻ. Anh vào thưa chuyện: “Chiều nay con phải đi công tác. Con sẽ đi một tháng nên đưa Ngọc về bên này. Bởi vì con sợ một tháng không có con chắc cô ấy chết mất vì cô ấy cái gì cũng ’Em chẳng biết đâu anh làm cho em đi”. Con hi vọng ở với bố mẹ một thời gian cô ấy sẽ biết làm nhiều thứ. Con không thể nào ở với một người cái gì cũng không biết. Con sợ sau này có con rồi cô ấy cũng sẽ nói: ’Em không biết đâu anh cho con bú đi’ thì con chẳng biết làm thế nào nữa”.
Chiều, Bình về nhà chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi. Anh ngạc nhiên khi thấy bếp nghi ngút mùi xào nấu. Bước vào nhà, Bình thấy Ngọc đang hì hụi nấu cơm nhìn cô khá vất vả và chật vật. Thấy bóng chồng, Ngọc giật mình quay lại vừa nói mắt vừa ngân ngấn nước: “Em đã sắp đồ đạc cho anh rồi, giờ em đang nấu cơm. Em nấu chưa ngon, anh cố ăn nhé. Anh đi công tác rồi nhanh về với em. Ngày đón anh em sẽ nấu nhiều món ngon hơn”. Bình cảm động, ôm vợ chặt vào lòng. Nép vào vòng tay chồng, Ngọc thì thầm: “Em xin lỗi”.
(theo afamily)