Thảo nghe mẹ nói, chị bật khóc ngon lành, ấp úng ôm chầm mẹ chồng: “Mẹ ơi, con dâu xin lỗi mẹ”.
Tính ra con dâu bà, chị Thảo đã về nhà mẹ đẻ được gần một tháng. Đạt và Thảo đã hoàn tất các thủ tục ly hôn và rậm rịch đệ đơn lên tòa án. Đôi khi và tự hỏi, phải chăng vì mình mà các con ra nông nỗi này? Từ hai khóe mắt bà rỉ ra những dòng nước mắt cằn cỗi.
Bà có hai người con, một trai và một gái. Con gái út của bà đã yên bề gia thất, lấy chồng mãi tận Thái Bình xa xôi. Con trai cả là Đạt, đã lấy vợ và cũng đã có một cậu con trai 7 tuổi kháu khỉnh, đáng yêu.
Một mình thờ chồng nuôi con không phải là điều dễ dàng, đặc biệt trong những năm tháng đất nước tiền đổi mới, đầy khó khăn, thiếu thốn, bà một tay tần tảo, chèo chống cho hai anh em chúng ăn học thành người, nhìn bà, ai cũng nể phục sự gan góc, nhẫn nại và đức vượt lên hoàn cảnh ngặt nghèo.
Mang tiếng Hà Tây chẳng cách xa nội thành Hà Nội là mấy, nhưng chẳng mấy khi Đạt và Thảo về thăm mẹ. Cũng bởi công việc cuốn chúng rời xa vòng tay của bà. Lên dây cót tinh thần trước cho điều ấy, nhưng tiết vẫn chẳng quen. Từ ngày chúng chuyển lên hẳn Hà Nội cho tiện công tác, bà luôn canh cánh chúng bay khỏi vòng tay của bà đến một chân trời mới.
Bà rủ cu Tí ra góc vườn hái rau cùng, gặng hỏi mãi, nó ấp úng kể: “Hôm trước, con thấy ba và mẹ cãi nhau. Con thấy ba nổi giận ném vỡ chiếc cốc xuống nền đất và mẹ ôm mặt khóc bà nội à”. Vậy là suy đoán của bà đã đúng. Không hiểu giữa chúng đang xảy ra xích mích gì. Lòng bà chập chờn lo lắng, bất an như có lửa đốt.
Sau bữa cơm chiều, cả nhà ngồi quây quần xem ti vi, thưởng thức vài thứ hoa quả đặc sản quê hương, chị Thảo lôi lại câu chuyện xích mích của hai vợ chồng hôm trước, nói lại với bà Thuận.
“Mẹ ạ. Hôm trước vợ chồng con bàn nhau xem Tết này về quê ăn Tết như thế nào. Và giữa chúng con đã không có tiếng nói chung. Con đã giao hẹn với anh Đạt rằng con chỉ ở đây 3 ngày Tết thôi, sau đó con phải về trực cơ quan. Nhưng anh Đạt muốn phá vỡ kế hoạch của con.
Anh ấy còn lớn tiếng thuyết giảng đạo đức với con, rằng Tết là để nghỉ ngơi. Mình đi làm cả năm cả tháng mới có vài ngày nghỉ lại lao mình làm việc. Con đồng ý chồng nói có lý của anh ấy, nhưng mẹ xem, về quê ăn Tết ngoài việc cắm mặt vào bếp, chuẩn bị cơm cúng cho 3 ngày Tết phải chăng quá rắc rối?
Việc phục vụ cơm nước cho khách đến nhà chơi thật phiền phức. Chưa kể tới mình cũng phải đi chúc Tết lần lượt từng nhà họ hàng, chú bác, tính ra cũng hết ngày chưa xong. Tết con chỉ muốn được nghỉ ngơi, được làm những điều ấp ủ cả năm chưa có thời gian thực hiện.
Vậy mà anh Đạt còn lớn tiếng phản đối. Mà mẹ xem, mùng 4 và 5 cô Út về với mẹ rồi. Thế là vừa tròn trặn hết Tết. Việc anh Đạt muốn vợ chồng con ở lại thêm thật vô lý và không cần thiết”.
Thảo nói gay gắt. Hai hàng lông mày của chị cau lại với nhau, mặt đỏ gay không che giấu sự giận dữ. Bà Thuận ngồi bất động như chờ chồng. Bà biết tính con dâu vốn thẳng thắn, bạo miệng nhưng việc chị bày tỏ thẳng thắn suy nghĩ một cách rành rẽ thế này đến bà còn choáng váng.
Đạt nhìn vợ thở dài ngao ngán. Vẫn giữ thái độ ôn tồn trước mặt mẹ, Đạt nói với Thảo:
“Cả năm chỉ có 3 ngày Tết. Mẹ cũng chỉ đợi dịp này để gần gũi, sum họp với con cháu. Vả lại, cỗ bàn một loáng là xong, đâu làm khó em như em tưởng tượng.
Trong khi rõ ràng em được nghỉ tới tận mùng 6, nhưng em đòi về nhà ông bà ngoại, đòi dẫn theo cả cu Tí nữa. Năm ngoái chiều em, anh đã để em và con về ăn Tết với ông bà. Em cũng nên biết điều một chút mới phải”.
“Thôi anh không phải nói nhiều với em đâu. Ý em đã quyết rồi, không thay đổi nữa. Anh không đồng ý em cũng đành chịu!” – Giọng Thảo gầm qua khẽ răng kin kít. Anh lúc nào cũng chỉ nhất mực theo ý của anh thôi.
Đạt bực mình đứng dậy định lôi Thảo trở vào phòng nói chuyện tiếp. Anh không muốn đôi co với vợ trước mặt mẹ. Nhưng Thảo gạt phăng tay anh ra, đùng đùng chạy vào phòng và dọn đồ vào vali, đón taxi trở về Hà Nội trong sự ngăn cản quyết liệt của bà Thuận.
Bà không thể ngờ cả con dâu và con trai mình nóng tính thế. Bà còn trách Đạt mãi về sự ngang bướng và làm căng với vợ, nhưng Đạt gạt đi: “Mẹ không ở cùng mẹ không hiểu. Con đã nhịn cô ấy nhiều lắm rồi đó”.
Nói chẳng hiểu cũng không đúng, bà hiểu tính Thảo quá đi chứ. Nàng dâu ấy là tiểu thư con nhà giàu, được chiều chuộng quen lại nhất mực làm theo ý mình nên đôi khi con trai bà cũng lao đao, điêu đứng.
Tưởng vậy là xong xuôi, nào ngờ vài ngày sau, bà nhận được cuộc điện thoại của nàng dâu tên Thảo. Giọng chị chưa hết bực tức: “Mẹ ơi, con và anh Đạt quyết định ly hôn. Giữa chúng con đã cạn tình cảm. Vì… mẹ”. Bà Thuận như chết đứng trước những lời trách móc của con dâu, vội vã gọi điện cho con trai cũng chỉ nhận được câu xác minh khẳng định những gì vợ nói là sự thật.
Từ ngày nghe tin con dâu thông báo, đêm nào bà cũng mất ngủ. Vì mình mà các con xích mích, cãi vã và dẫn đến một kết cục đau lòng thế này. Nước mắt bà lặng lẽ rơi. Thương con trai thật, giận con dâu thật, nhưng chẳng biết phải nói với chúng thế nào.
Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết gõ cửa từng nhà, cả nhà được xum họp, vui vầy, cuối cùng gia đình bà lại thành ra nông nỗi này. Bà mắng Đạt cả giận mất khôn, bắt anh đi làm lành với vợ, Đạt buồn bã: “Chúng con đã hoàn tất thủ tục, bây giờ chỉ đợi tòa phán quyết”. Đêm nào bà cũng thắp hương cho chồng, thì thầm trò chuyện với ông, mong có người chia sẻ nỗi niềm khó nói với mình. Nỗi trăn trở này các con không hiểu cho bà.
Đạt về ăn Tết với mẹ sớm hơn. Nhìn nhà nhà, người người tấp nập đi chợ chọn lá dong, chọn đỗ, gạo nếp, lạt rang gói bánh chưng, còn nhà mình quanh đi quẩn lại quạnh quẽ hai mẹ con, bà len lén lau những giọt nước mắt tủi tủi. Nhìn con trai nằm dài trong phòng, bà càng nẫu ruột nẫu gan.
Chiều 30 Tết, bữa cơm tất niên lặng lẽ chỉ có hai mẹ con, cuộc trò chuyện trống trải, thiếu vắng hẳn tiếng cười nói râm ran như những mùa Tết trước. Bất ngờ cả nhà thông gia, cả con dâu của bà xuất hiện. Họ lặn lội đường xá xa xôi về thăm bà đúng chiều 30 Tết.
Còn chưa hiểu chuyện gì, bà thông gia đã nắm lấy tay bà rối rít: “Con gái lớn mà vẫn dại như trẻ con. Mong chị sui rộng lượng tha thứ. Nó là đứa không hiểu chuyện nên mới có những quyết định gàn dở như vậy. Thôi cùng là người lớn thì bao dung cho tụi trẻ”.
Thì ra, việc Thảo dắt cu Tí về quê ăn Tết với ông bà ngoại và thông báo ly dị khiến ông bà cũng giống như bà Thuận: sốc và choáng váng. Trước khi cho phép Thảo làm dâu xa xôi như vậy, ông bà cũng đã tìm hiểu kĩ càng về gia đình sui gia, hiểu được nếp giáo dục con cái chuẩn mực của bà.
Nên việc lần này, không vì bênh con, dung túng cho con mà làm tổn hại đến cuộc đời nó. 8 năm có được chàng rể tử tế tốt bụng, ông bà quý trọng Đạt như con cái trong nhà, lại thừa hiểu tính tình con gái đỏng đảnh, quen được nuông chiều nhất mực nên chuyện lần này xảy ra cũng vì cái thói ấy mà nên.
Giọng đều đều, bà Thuận và bố mẹ Thảo ôn lại kỉ niệm những ngày xưa cũ. Mẹ chồng Thảo từ tốn. Ngày xưa, thời bà đi làm dâu cơ cực gấp mấy mươi lần thời nay mà tiệt không dám kêu ca gì. Ngày Tết chẳng cần ai đôn đốc, tự giác ra vườn chọn từng lá dong xanh mướt, mỡ màng để có cái gói bánh chưng.
Thậm chí, gần Tết đã phải tính đến chuyện vỗ béo đàn lợn, bán đàn gà con lấy tiền mua sắm Tết, mua quần áo mới cho các con và mua quà biếu cho họ hàng trong nhà. Những ngày đầu tháng Chạp, vừa lụi cụi ngoài đồng cấy hái cho kịp vụ mới, lại tất bật lo muối vại dưa hành thật to.
Ngày xưa, làm dâu không dễ dàng như bây giờ. Mấy ngày Tết, người lúc nào cũng ám mùi thức ăn, lo dọn dẹp nhà cửa, quà cáp, biếu xén, thăm nom họ hàng. Bận rộn là thế , nhưng chỉ cần thấy hai con mắt sáng bừng vì có quần áo mới được ăn những món ăn thịnh soạn ngày thường không có đã đủ hạnh phúc rồi.
Bà Thuận ôn tồn: “Xưa nay mẹ đâu bắt bẻ con phải cầu kỳ, kiểu cách gì đâu. Chỉ cần các con sum vầy, được gần gũi vợ chồng hai đứa, ôm ấp cu Tí đã thỏa niềm vui”. Thảo nghe mẹ nói, chị bật khóc ngon lành, ấp úng ôm chầm mẹ chồng: “Mẹ ơi, con dâu xin lỗi mẹ”.
Nhìn thấy con gái ngoan ngoãn nhận ra lỗi lầm của mình, bố mẹ đẻ chị cũng mỉm cười hạnh phúc. Chẳng phải ai giục giã, Đạt chạy tới ôm vợ làm lành. Cả nhà rộn rã tiếng cười, mỗi người mỗi việc sửa soạn bữa cơm giao thừa. Niềm vui nhân lên gấp bội khi giao thừa năm nay, nhà bà Thuận đón thêm hai vị khách đặc biệt từ xa tới thăm.