Về đến đầu làng tôi giật mình nghe mọi người bàn tán xôn xao chuyện anh chị đâm đơn ra tòa đòi ly dị. Từ hồi cưới nhau đến giờ, ngót mười năm, hai anh chị có tiếng là hạnh phúc.
Tôi đem thắc mắc của mình nói với Bảo, thằng bạn thân, nó gạt phắt đi: “Ối dào! Lão chán òm, nếu lão bụi bặm, nhậu nhẹt như anh em mình có khi lại hay…”. Qua lời Bảo kể tôi mới biết, hóa ra sự đời không đơn giản.
Hồi mới cưới thấy anh chỉn chu, không rượu chè, chị mừng lắm. Nhưng cuộc sống cứ trôi qua đều đều bên người chồng tẻ nhạt, chỉn chu đến mức lạnh lùng. Chuyện vợ chồng cũng không mấy mặn mà vì anh chỉ qua quýt cho xong chuyện. Nhiều lần chị than thở với bạn bè rằng anh “thiếu nhiệt”.
Nhìn họ tôi chợt nảy ra ý so sánh ngồ ngộ: Chị hây hẩy như gió xuân thì, chớm khởi đầu cho sự chín chắn, viên mãn, ngọn lửa tình lúc nào cũng chực bùng phát, còn anh sao u uất, tàn tạ, héo úa như cây cối mùa Thu. Phải chăng sự chuẩn mực, mô phạm trong cách sống với sự thờ ơ, lãnh cảm chỉ gần trong gang tấc?
Sống với anh chị thừa nhiều thứ, thời gian, bản năng làm vợ, làm mẹ. Những chuyến tham quan, du lịch của cơ quan tổ chức chị tham gia đều đặn, có lẽ đó là quãng thời gian ngoài chồng thú vị. Tiến, một nhân viên dưới quyền, xuất hiện như làn gió mới thổi bùng ngọn lửa âm ỉ trong chị. Tiến hội đủ tất cả những gì chị cần, ga lăng, lãng mạn…
Lúc đầu chị cũng thấy có lỗi với chồng nhưng ma lực tình yêu cứ cuốn chị đi. Việc đến tai anh, rồi anh thấy chị và Tiến tay trong tay bước vào nhà nghỉ… Chị quỳ mọp khóc lóc, van xin anh tha thứ nhưng đã quá muộn.
Suốt chặng đường về tôi cứ suy nghĩ mãi, trách ai bây giờ? Có trách thì trách số phận đã đưa đẩy anh chị đến với nhau. Có lẽ Bảo nói đúng, những gì làm nên đạo đức cốt cách của người phụ nữ là truyền thống, là văn hóa, là sự chế ngự những ham muốn tầm thường của bản thân. Nhưng đó có thể chỉ còn là dĩ vãng khi cuộc sống đủ đầy hơn, bao nhiều luồng văn hóa tây – tàu hằng ngày, hằng giờ gặm nhấm thì những định chế, mô phạm cũng bằng không khi cái tôi trong mỗi người quá mãnh liệt.
Đình Dũng
(Theo dantri)