“Mày cút đi cho khuất mắt ông. Đồ vô dụng!!! Cút hết ra khỏi nhà tao…” Những tiếng chửi mắng cay nghiệt, tiếng khóc nức nở và hình ảnh bố cầm chiếc dép đập vào mặt mẹ sẽ ám ảnh tôi trong suốt cuộc đời này, như một vệt xăm không thể xóa mờ. Nhưng điều đó đối với tôi không phải là một hồi ức tồi tệ đáng quên đi, mà đang là thực tại, sự thật mà tôi đang phải chứng kiến hàng ngày và đối mặt với nó.
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Nguồn thu nhập chính của gia đình trước đây phụ thuộc vào bố – khi ông còn chạy xe ở ga Long Biên. Còn giờ đây, chỉ một mình mẹ tôi còm cõi với gánh xôi, bánh chưng rán từ sáng sớm cho đến tối mịt để lấy tiền nuôi chúng tôi ăn học. Những ngày trời rét căm căm như thế này, khi mọi người còn đang say giấc trong chăn ấm, thì mẹ tôi lại băng mình ra ngoài vì mưu sinh. Mẹ tôi nói: “Trời càng lạnh, thì mẹ lại càng phải đi. Những ngày này mới bán được hàng con ạ. Mày thương mẹ thì gắng học cho giỏi là mẹ mừng.” Nhìn dáng mẹ đi vào bóng tối xa dần, mà tôi chỉ muốn trào lên nước mắt. Gia đình tôi cũng từng có một khoảng thời gian yên ấm. Hồi mẹ chưa sinh em Thúy, bố còn đi làm và ông cũng rất thương tôi. Mỗi tối đi làm về, thế nào ông cũng mua một hai gói kẹo về làm quà cho con gái. Nhà hàng xóm, bọn trẻ con có tàu thủy, tàu hỏa Thomas để chơi, thì tôi cũng có thuyền giấy của bố gấp cho. Đó là những kỷ niệm ngọt ngào đến khó quên, thứ mà tôi luôn khao khát tìm lại…
Năm tôi lên 8 tuổi thì mẹ mang thai em Thúy. Khi đó tôi còn quá nhỏ để nhớ hết được mọi việc. Và cũng chẳng có ai giải thích để tôi hiểu vì sao khi mẹ tôi đang đau bụng đến ngất đi trên nền gạch, thì bố lại bỏ đi. Chỉ có những người hàng xóm chở mẹ vào viện để sinh em, còn tôi thì đứng khóc. Tôi đã chạy theo để gọi bố, nhưng ông làm như không nghe thấy gì hết. Trong khi ở bệnh viện, người ta có chồng ở bên chăm sóc hỏi han, thì mẹ lặng lẽ nằm ôm em trên giường bệnh. Những giọt nước mắt khóc thầm chảy ứa trên khuôn mặt mẹ. Khi ấy, tôi cứ thắc mắc mãi. Tại sao bố lại làm mẹ buồn đến vậy? Tại sao mẹ phải khóc nhiều như thế? Mẹ đâu có làm gì sai…
Từ ngày mẹ và em tôi trở về từ bệnh viện phụ sản, bố chẳng thèm nhìn mặt em, cũng không hỏi han, bận tâm gì đến mẹ. Ông trở nên cáu bẳn và rất hay quát tháo. Lắm hôm, ông đi biệt không về nhà, lần nào về cũng say khướt và nôn mửa. Không chỉ vậy, cứ ngứa ngáy chân tay là ông lại đập phá. Khi thì bát đũa, bàn ghế, khi thì nồi cơm điện, đèn bàn học… Đồ đạc trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Nhà đã nghèo, lại càng thêm túng quẫn khi bố tôi không còn đi làm nữa mà chỉ biết ở nhà đập phá. Đặc biệt, ông rất ghét tiếng trẻ con khóc. Cứ mỗi lần em tôi khóc, là một lần mẹ tôi bị ăn đòn. Không chỉ là đánh, đấm, ông ta hành hạ mẹ tôi bằng những chiếc dây điện chập làm bốn. Mỗi lần chiếc roi ấy quất xuống, là một lần mẹ tôi đau đến cháy da cháy thịt. Bà chỉ biết bặm chặt môi để hứng chịu những trận đòn roi vô cớ của chồng.
Những lần như thế, tôi chạy đến ôm em và dỗ dành để nó nín đi cho mẹ đỡ bị đánh. Nhưng càng dỗ, em càng khóc. Không khóc làm sao được, khi những tiếng dây quật vào người mẹ tôi đen đét và tiếng chửi rủa, quát tháo của bố vang lên trong gian nhà khiến tôi còn phải giật nảy người vì sợ hãi. Đánh vợ, chửi con xong, ông ta thẳng tay đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà và khóa trái cửa lại. Ngày hôm ấy trời mưa tầm tã. Tôi hoảng hốt chạy ra ngoài sân tìm cách mở cửa cho mẹ. Qua lỗ cửa sắt nhỏ, tôi đưa bàn tay nhỏ bé với lấy tay mẹ đang run vì đau đớn. Tôi nghe thấy tiếng mẹ cầu xin: “Anh ơi mở cửa cho em vào với con.” Nhưng bố vẫn tỉnh bơ đắp chăn đi ngủ. Lúc đó, tôi cảm thấy hận bố vô cùng. Ông đã không còn là người cha mà tôi yêu quý, chờ đợi cho đến khi ông đi làm về như hồi bé. Từ bao giờ, ông đã trở thành một kẻ bợm rượu không còn tình người. Tôi mong ông biến mất khỏi thế gian này để đừng hành hạ, giày vò mẹ tôi thêm nữa…
Chỉ vì không sinh được con trai mà mẹ tôi bị đánh đập, chửi rủa thậm tệ (Ảnh minh hoạ)
Thời gian tiếp tục trôi qua trong sự cam chịu của mẹ tôi. Mặc dù tôi đã nói với bà tôi không cần một người bố như vậy, nhưng bà vẫn kiên nhẫn nói với tôi: “Mẹ không muốn con không có bố. Vì hai con, mẹ sẽ chịu đựng được hết. Thương mẹ thì con phải cố mà học. Sau này kiếm một người chồng tốt, đừng như mẹ.” Những lần ngồi xoa vết thương cho mẹ, tôi lại ứa nước mắt mà không dám nấc lên thành tiếng vì sợ bố nghe thấy. Trên người mẹ chằng chịt những vết dây diện đỏ hoe và dập nát. Tôi thương mẹ vô cùng. Vì sao cuộc đời mẹ lại khổ như vậy chứ.
Sau này lớn lên, tôi mới biết rõ nguyên do mà bố đối xử tàn nhẫn vũ phu với mẹ. Đó là vì bà sinh ra tôi và em Thúy đều là con gái, trong khi bố tôi lại muốn có con trai. Tôi thấm thía từng câu mắng chửi của bố, vì sao ông nói mẹ tôi là cau điếc, là đồ vô dụng. Biết là vậy, nhưng tôi nghĩ, mẹ đã không làm gì sai. Nếu không có mẹ liều mạng để bảo vệ con, thì có lẽ em tôi đã không được chào đời. Nhiều lúc, tôi muốn chạy ra nói với bố: “Tuy con là con gái nhưng con sẽ cố gắng học tập, nghe lời bố mẹ. Nếu bố cần gì, bố cứ sai con. Con sẽ làm được hết. Con sẽ không thua kém bất cứ một thằng con trai nào.” Nhưng ông có bao giờ tỉnh táo để nghe những lời tôi nói. Tôi có biết bao lời muốn tâm sự với bố, rằng: “Bố ơi, năm nay con lại được học sinh giỏi rồi đấy. Bố thấy con gái bố có siêu không?”, “Bố ơi, hôm nay con đã xin được chạy bàn quán nước. Người ta nhận con rồi. Nhà mình từ nay sẽ đỡ vất vả hơn.” Còn rất nhiều, rất nhiều điều tôi muốn nói ra…Nhưng trong mắt ông, “con gái” chỉ là một thứ rác rưởi, vô dụng, nuôi dài lưng tốn vải. Một thứ đáng nguyền rủa!
Đã rất nhiều lần, tôi chạy ra ngoài khóc vì ấm ức. Nếu tôi sinh ra là con trai thì có lẽ mẹ tôi đã không phải chịu khổ. Tôi căm hận! Ai đó hãy trả lời cho tôi biết tại sao bố tôi lại phải thèm khát một thằng con trai đến thế. Con trai có gì hơn con gái. Nếu ông muốn có người giúp mình làm những việc nặng nhọc trong nhà, tôi tự tin là tôi sẽ làm được. Nếu ông cần một người để dựa dẫm lúc tuổi già, tôi nhất định sẽ chăm sóc tốt được cho bố mẹ và em. Thật nực cười và thật bất công khi bố đối xử với mẹ con tôi như vậy. “Nối dõi tông đường” sẽ có nghĩa lý gì, nếu sinh ra một đứa con nghiện hút, cờ bạc, phá gia chi tử. Nhưng bố tôi không cần biết đến những điều đó.
Tôi thề rằng, tôi sẽ tránh xa lũ con trai quý tử, vừa sinh ra đã được cả gia đình đón chờ, yêu thương. Trong khi tôi và em gái tôi thì bị bố hắt hủi, ghẻ lạnh. Nhưng khi cảm xúc đã dần trở nên chai lỳ trong tôi, thì cậu ấy lại xuất hiện. Đó là một người bạn rất tốt đối với tôi!
Ngày hôm ấy, vì quá bức xúc khi bố lại rượu say và về nhà đánh mẹ, tôi đã xông vào giằng lấy sợi dây điện trong tay ông ta và bị đấm vào mặt. Một bên mắt và gò má của tôi bị thâm tím và sưng lên khiến tôi không mở mắt ra được. Nghĩ đến lời của mẹ và hoàn cảnh gia đình mình, tôi vẫn cố gắng đi học. Mắt tôi chỉ nhìn được một bên rất khó, nên cậu ấy đã đọc từng chữ trên bảng cho tôi viết. Tôi cảm thấy đỡ tủi thân biết bao khi nhận được sự giúp đỡ dù chỉ đơn giản như vậy. Tan học, cậu còn đưa tôi về tận nhà vì sợ tôi không nhìn thấy đường sẽ bị xe đụng. Tôi nhớ mãi giọng nói ấm áp của cậu khi đưa tôi một chiếc lọ rượu gấc mà cậu đã sẻ từ bình ở nhà: “Mẹ tớ bảo, bị sưng mà bôi cái này sẽ đỡ đấy. Ấy thử bôi vào, mai là vết thương sẽ sẹp ngay.” Chỉ một câu nói rất bình thường như thế thôi, nhưng đã khiến tôi bật khóc. Khóc thành tiếng! Tôi khóc vì cảm kích rất nhiều trước sự quan tâm của cậu. Từ bé, tôi đã quen phải chứng kiến cơn say của bố và những trận đòn thê lương mẹ phải chịu, nên tôi đã dặn lòng mình phải mạnh mẽ. Phải vươn lên sống tốt cho dù không có sự trợ giúp của con trai. Có lẽ, chuyện của bố và mẹ đã ám ảnh tôi rất nhiều. Khiến tôi không còn muốn quen biết với bất kỳ một cậu bạn nào.
Cậu ấy đã quan tâm tới tôi rất nhiều, mới đây còn ngỏ lời muốn làm bạn trai. Cậu mong tôi đồng ý để có cơ hội chăm sóc tôi nhiều hơn… Qua những việc làm của cậu ấy, tôi biết tình cảm dành cho tôi là chân thành. Chỉ có điều tôi không biết mình nên làm gì nữa. Bởi tôi cảm thấy rất mất lòng tin vào những người xung quanh mình, nhất là con trai. Trước đây bố tôi cũng đã từng rất yêu và thương hai mẹ con, nhưng kể từ khi em tôi ra đời thì ông lại hoàn toàn thay đổi. Giờ đây, tôi không muốn đặt hy vọng vào bất cứ ai để rồi lại phải thất vọng ê chề.
Có lẽ tôi phải mạnh mẽ hơn để học cách tự chăm sóc bản thân mình, để sống mà không cần phụ thuộc vào bất cứ người con trai nào hết…
(T.T HN – Theo PLXH)