Nhà mình nghèo, mỗi dịp cuối năm mẹ lại lo làm sao Tết đến trong nhà có dăm bảy lạng thịt, dăm cái bánh chưng, các con có bộ quần áo mới…
Con nhà nghèo, bữa ăn quanh năm chỉ có mắm nhút, tương cà, ngày Tết có chút thịt, thấy sao mà ngon thế.
Ngày Tết, các con diện quần áo mới. Còn mẹ, vẫn bộ quần áo cũ ngày thường. Bạn bè con đến chơi, con giục mẹ đi thay quần áo. Mẹ cười, bảo:
- Mẹ mặc thế này có sao đâu. Các con mới cần đẹp, mẹ già rồi có mặc đẹp cũng chẳng ai dòm.
Sợ bạn bè chê cười, con lôi cái rương quần áo của mẹ ra để kiếm bộ quần áo tử tế cho mẹ mặc. Quần áo mẹ nhiều nhưng toàn đồ thừa thãi của các dì, các bác cho, lâu năm rồi cái thì sờn vai, cái thì mòn gấu…
Mùng hai Tết, người ta còn hội họp, vui chơi, mẹ đã quẩy đôi quang gánh ra đồng lụi cụi nhổ rau rồi lại hì hụi ngồi bó mang đi chợ huyện bán. Chợ thì xa, mẹ phải gánh rau đi khi trời chưa sáng. Mỗi ngày một gánh rau oằn lên đôi vai, mẹ dành dụm, chắt bóp để ngày giáp hạt chị em con không bị đói.
Bao cái Tết đi qua là bấy nhiêu lo toan, nhọc nhằn. Chưa có cái Tết nào mà mẹ không mong ngóng: con mình có được cái Tết no đủ, nhà mình có tiền để sửa lại ngôi nhà đã xập xệ, tường vôi bong tróc từng mảng, ngày mưa nước nhỏ xuống tận giường nằm…
Và hôm nay khi các con của mẹ đã trưởng thành, khôn lớn, có thể xây cho mẹ một ngôi nhà khang trang, sắm cho mẹ một cái Tết đầy đủ thì mẹ đã không còn nữa.
Ngày Tết, anh chị em gọi nhau về đoàn tụ, thắp nén nhang nhìn lên di ảnh mẹ, thấy mẹ đang cười – nụ cười hiền hậu, mãn nguyện, lòng rưng rưng nhớ những cái Tết nghèo mà mẹ đã đi qua.
(Theo PNO)