Xế chiều. Sơn dầu của Mai Anh
Chính thế mạnh này đã giúp chị bộc lộ cảm xúc một cách trực diện nhất. Hình tượng người phụ nữ xuất hiện trong tranh Mai Anh như nhân vật chính mang tính tự sự trong mối giao hòa với thiên nhiên, với công việc, với thiên chức làm mẹ, làm vợ. Một nỗi buồn man mác với những suy nghĩ về thân phận người phụ nữ, mối đồng cảm với họ về những lo toan hằng ngày, niềm khát khao hạnh phúc, tình mẫu tử chất chứa trong các tác phẩm của chị.
Mai Anh thổ lộ: “Thân phận người phụ nữ Việt Nam là chịu thương chịu khó. Gương mặt của một người có thể là đang cười nhưng biết đâu đấy không phải là thực chất. Cái mà ta nhìn thấy không phải bao giờ cũng là cái đang tồn tại. Có khi nom ta có vẻ buồn nhưng có thể ta đang rất hạnh phúc. Bộ mặt của chúng ta là những cái mặt nạ che giấu những tình cảm thực của chúng ta”.
Đợi, Ngày dài, Gia đình, Người mẹ trẻ, Mồng 1 âm lịch hàng tháng… là những tác phẩm đẹp về người phụ nữ mà trong đó nghệ thuật diễn tả ánh sáng của Mai Anh dường như được đưa lên mức huyền ảo. Nhà phê bình nghệ thuật Ian Findlay phân tích: “Cái chất phảng phất như trong mơ ở tác phẩm Mai Anh là kết quả sự lựa chọn chủ đề và đối tượng được thể hiện theo lối miêu tả tối thiểu nhân vật trong ánh sáng mờ tối. Chiếm chủ đạo trong nhiều bức chân dung cá nhân và cảnh sinh hoạt đạt nhất của chị là bối cảnh âm u với những sắc màu đầy trăn trở như nâu, xanh lục, đen và đỏ ở nhiều cung bậc. Các cảnh sinh hoạt trong nhà phảng phất một dự cảm âu lo bổ sung vào “chất trong mơ” bồn chồn, nền mỗi bức tranh vừa hư vừa thực được tạo bởi những gam màu giàu sức gợi cảm”.
Cuộc triển lãm cá nhân mới đây của Mai Anh tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội bộc lộ một giai đoạn mới trong sáng tác của chị. Vẫn là thứ ánh sáng vàng huyền ảo ấm áp đó, vẫn là những tâm trạng chia sẻ với những người phụ nữ thôn quê bình dị, những người phụ nữ phải xa gia đình lên thành thị kiếm sống, nhưng con mắt sáng tạo của Mai Anh giờ đây mang tính đương đại hơn, mạnh mẽ và kịch tính hơn, mặc dù vẫn giữ tinh thần lãng mạn.
Trong bức sơn dầu Bốn mùa, Mai Anh đã khéo léo mang sắp đặt vào trong hội họa hay ngược lại đưa hội họa vào sắp đặt (Installation). Những chiếc nón nhấp nhô đan xen nhau, ẩn dụ hình bóng những người phụ nữ trong một phiên chợ có thể ở đồng bằng hay miền biển. Ánh sáng của mỗi mùa được phủ một màu đặc trưng riêng. Ở các tác phẩm Cánh đồng vàng, Bắt cá, Đường lên thành phố… ánh sáng được Mai Anh diễn tả như bừng sáng hơn, mang hơi thở của cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, chị đã không cắt bỏ sợi dây níu kéo quá khứ với hình ảnh những hố bom chưa liền vết hay thói quen sống gắn bó với thiên nhiên của lớp người trước. Một cách tạo hình mạnh mẽ, táo bạo và hiện đại hiếm thấy ở nữ giới được Mai Anh trút lên một loạt các tác phẩm đen trắng cỡ lớn: Mưu sinh, Ngách 371/3, Sáng và tối…
Sinh năm 1961 tại Thanh Hóa, bắt đầu sáng tác nhiều tại Hà Nội từ năm 1998 và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Mai Anh đã giành được nhiều cảm tình của đồng nghiệp và những người yêu nghệ thuật bởi những cảm xúc chân thành chị thể hiện trên tranh, bởi thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và phong cách riêng đã định hình.
Thu Thủy (Theo Hà Nội Mới Online)