Theo họa sĩ Trần Lâm Bình, người khởi xướng ý tưởng, thủ lĩnh nhóm nghệ sĩ Art Liberal, bức tranh không phải là một dự án “na ná” Con đường gốm sứ, vì nó được thực hiện trên toan, toàn bộ nội dung được hệ thống hóa chặt chẽ với 5 mảng chính là giai thoại về lịch sử, danh nhân, văn hóa, thời tiết, dân gian.
Các họa sĩ sẽ tái hiện những câu chuyện về chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, Lý Công Uẩn, Lý Chiêu Hoàng, vua cờ Đế Thích, lễ hội Gò Đống Đa…, những hình ảnh thú vị về quà vặt Hà Nội, gốm cổ, những con đường, quán cóc, những chiếc xe kéo và cả những người hành khất. Trần Lâm Bình cho biết thêm: “Những trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, đá cầu, tập tầm vông, nu na nu nống, thả đỉa ba ba… cũng được đưa vào tác phẩm khổng lồ này”.
Phác thảo vị trí bức tranh ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Thoa |
Ngoài ra, các nghệ sĩ cũng tìm hiểu lý do Thăng Long – Hà Nội đổi tên qua nhiều thời kỳ… và thể hiện điều đó bằng nghệ thuật của mình.
Dự án nhận được sự ủng hộ và cố vấn của nghệ sĩ thị giác Như Huy và một số chuyên gia về văn hóa – lịch sử khác. TS Peter Bumke, Viện trưởng Viện Goethe Việt Nam, nói: “Tôi tin rằng khi thực hiện, nó sẽ đóng góp tích cực cho đời sống văn hóa Hà Nội, vì vậy chúng tôi cam kết tư vấn cho dự án và ủng hộ một phần kinh phí”. Tham gia dự án, họa sĩ Ngô Lực cho rằng việc cùng nhau vẽ bức tranh hai km là một dịp để họa sĩ ba miền kết nối với nhau.
Nhiều người băn khoăn rằng với 28 cá tính cộng với sự tham gia của người dân, liệu trên bức tranh có sự xung đột giữa các trường phái ấn tượng, lập thể, siêu thực…, giữa tính chuyên nghiệp và nghiệp dư? Họa sĩ Trần Lâm Bình khẳng định, tất cả có sự kết nối trong một hướng đi chung, và bức tranh sẽ mang ý nghĩa kết nối mọi người, bỏ qua mọi bất đồng về lứa tuổi và ngôn ngữ.
Trần Lâm Bình đặt tên dự án là Hà Nội – những giai thoại. Anh cho biết đây là dự án hưởng ứng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đồng thời tranh sẽ được đăng ký xác lập kỷ lục Guiness
Theo baodatviet