Những năm qua, trong các cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, năm nào Phú Yên cũng có họa sĩ được Hội Mỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tặng giải thưởng hoặc giấy khen. Đó là các họa sĩ: Trần Quyết Thắng (2002, 2003, 2005, 2008), Lê Đức Thắng (2001, 2002), Nguyễn Hưng Dũng (2001), Phan Đình Phúc (2002), Nguyễn Bảo Loan (2004), Phạm Thi (2006), Nguyễn Lê Tường Thi (2007), Nguyễn Huy Bách (2008)…
Giải lao – tranh sơn mài của Huỳnh Thụy Cam |
Năm nay, hai họa sĩ Phú Yên được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng là những cái tên lạ, tra trong danh sách hội viên Hội VHNT Phú Yên cũng không có, đã làm nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng thực ra, với những người trong giới mỹ thuật thì cái tên Huỳnh Thụy Cam và Huỳnh Công Nam không phải là xa lạ, chỉ là bạn cũ lâu ngày gặp lại mà thôi. Cả hai đều là những họa sĩ trẻ ở Phú Yên thuộc thế hệ 8X, được đào tạo bài bản ở Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Một điều lý thú nữa: họ là chị em. Ở Phú Yên không ít gia đình có truyền thống về mỹ thuật, đó là gia đình họa sĩ Nguyễn Ngọc Bửu và các con trai Nguyễn Huy Bình, Nguyễn Huy Bách đều là họa sĩ, gia đình nữ họa sĩ Đặng Thị Thọ và con gái Nguyễn Lê Tường Thi, gia đình họa sĩ Phạm Thi và con trai Phạm Hạnh Thư… Những gia đình này đã góp phần không nhỏ trong các hoạt động mỹ thuật của tỉnh nhà.
Tác phẩm Giải lao của Huỳnh Thụy Cam là một bức sơn mài khổ lớn, mô tả giây phút nghỉ ngơi của những người công nhân. Ba người đàn ông, người thì tranh thủ lướt qua đôi dòng thông tin trong báo mà mình quan tâm, người thì thư giãn bên ly cà phê cùng điếu thuốc lá trên tay, còn người thứ ba, hẳn là khói thuốc lá không “đã” nên đang chuẩn bị cho một mồi thuốc lào. Bố cục của bức tranh chặt chẽ, tỉ lệ hình thể cân đối, màu sắc xanh đậm, bút pháp khoáng đạt, gân guốc, rất phù hợp với nội dung tác phẩm về đề tài công nhân lao động.
Đợi – tượng gỗ của Huỳnh Công Nam |
Tác phẩm Đợi của Huỳnh Công Nam là một bức tượng gỗ thể hiện người phụ nữ đang cho con bú. Bức tượng gợi cho người xem liên tưởng đến những người mẹ Việt Nam ngóng chờ chồng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Điều độc đáo là tác giả đã sử dụng hết chiều cao của cây gỗ để khắc họa những mảng gạch hai bên nhân vật và mái che trên đầu tạo nên sự chặt chẽ trong bố cục, gợi mở cho người xem liên tưởng đến khung cửa của ngôi nhà. Tác phẩm được tạc từ một thân cây tạo nên thế đứng vững chãi biểu tượng cho sự vững bền của mái ấm gia đình là tế bào của xã hội.
Huỳnh Thụy Cam và Huỳnh Công Nam trước khi bước chân vào Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đều trải qua các lớp bồi dưỡng về năng khiếu mỹ thuật ở lò luyện thi của gia đình họa sĩ Nguyễn Ngọc Bửu trên đường Duy Tân (TP Tuy Hòa). Tham gia giảng dạy ở lò luyện thi này, ngoài các họa sĩ là thành viên trong gia đình, từng thời kỳ còn có các họa sĩ tài năng của Phú Yên tham gia là Nguyễn Hưng Dũng, Trần Quyết Thắng… Cho đến nay, những thầy giáo của lò luyện thi này vẫn là những người gắn bó với nghề qua việc luôn có tác phẩm tham gia các cuộc triển lãm mỹ thuật trong tỉnh và khu vực. Huỳnh Thụy Cam học chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, tốt nghiệp năm 2008, hiện làm giáo viên hợp đồng giảng dạy mỹ thuật cho các trường ở TP Hồ Chí Minh. Huỳnh Công Nam vẫn còn là sinh viên khoa Điêu khắc, nhưng tác phẩm của Nam đã chứng tỏ một khả năng đầy triển vọng.
Dù cả hai chị em đang kiếm sống và học tập tại TP Hồ Chí Minh nhưng đã mang tác phẩm về quê hương triển lãm chứng tỏ tình cảm gắn bó của họ với mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn. Vấn đề còn lại là làm sao để những tài năng trẻ hiếm hoi ấy không phải dứt áo ra đi mà được cống hiến tài năng và sức lực của mình cho quê hương núi Nhạn sông Đà.
ĐÀO MINH HIỆP (Theo Báo Phú Yên Online)