Từ lâu nụ cười đầy bí ẩn của nàng Mona Lisa – một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới của danh họa Italia Leonardo da Vinci – đã gây nhiều tranh cãi. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Thần kinh ở Alicante, Tây Ban Nha, đã đưa ra lời giải đáp về nụ cười này: ban đầu rất rạng rỡ, sau đó nghiêm túc và trở nên mỉa mai. Các nhà khoa học cho rằng, chúng ta thấy như vậy không phải do bức tranh, không phải do cách vẽ mà do đôi mắt người xem gửi những tín hiệu lẫn lộn tới bộ não.
Các nhà khoa học tin rằng cách mà chúng ta cảm nhận được nụ cười của Mona Lisa là dựa vào những tế bào thu nhận hình ảnh trong võng mạc và các “kênh” chuyển chúng tới não. Các tế bào khác nhau được cấu thành trong mắt để tiếp nhận những màu sắc khác nhau, sự tương phản, hình nền và cận cảnh.
Tiến sĩ Luis Martinez Otero, người đứng đầu nhóm nghiên cứu kể trên, cho biết việc chúng ta cảm nhận nụ cười của Mona Lisa phụ thuộc vào “kênh” hình ảnh được chuyển tới não đầu tiên.
Các nhà khoa học đã yêu cầu những người tình nguyện tham gia thử nghiệm nhìn vào bức tranh với nhiều kích cỡ khác nhau từ những khoảng cách khác nhau và và họ phát hiện ra rằng, càng ở cự ly gần thì bạn càng có khả năng “nhìn thấy” nụ cười của nàng Mona Lisa. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh xem ánh sáng đã tác động tới cách nhìn của người xem như thế nào trong quá trình phán đoán về nụ cười bí ẩn này. Có hai loại tế bào quyết định độ sáng của một vật thể tùy theo môi trường xung quanh. Các tế bào “trung tâm” chỉ làm việc khi chúng được rọi sáng còn các tế bào ngoài trung tâm chỉ hoạt động khi chúng nằm trong vùng tối.
Tiến sĩ Martinez Otero tiếp tục cuộc thử nghiệm của mình bằng việc cho những người tình nguyện xem một bức ảnh của Mona Lisa trên một màn hình lúc đen lúc trắng trong khoảng 30 giây. Kết quả là dường như người xem có thể “nhìn thấy” nụ cười của Mona Lisa sau khi màn hình sau khi họ được xem bức tranh trên màn hình đen và điều này khiến nhóm nghiên cứu kết luận rằng, các tế bào trung tâm giúp người ta cảm nhận được điều đó.
Otero cho biết, cách nhìn chăm chú cũng tác động tới việc người xem “nhìn thấy” nụ cười của Mona Lisa như thế nào. Kết quả cho thấy, trong một phút nhìn chăm chú vào bức tranh, những người tình nguyện hướng về bên trái miệng của Mona Lisa. Nếu chỉ nhìn thoáng thì mắt họ chỉ hướng tới má trái của Mona Lisa và điều đó cho thấy tầm nhìn ngoại biên cũng đóng một vai trò trong quá trình xác định này.
Nhưng liệu Leonardo da Vinci có cố tình gây “nhiễu” cho người xem hay không khi ông cầm cọ vẽ bức tranh này? Otero nói: “Da Vinci từng viết trong một cuốn rằng mình đang cố gắng mô tả những biểu cảm sống động vì đó là những gì mà ông nhìn thấy trên đường phố”
Theo thethaovanhoa