ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn
Friday, November 6, 2009 10:10
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Đã lâu lắm rồi, công chúng Hà Nội mới có dịp được gặp lại, nhìn ngắm những gương mặt đẹp của giới văn nghệ sĩ Việt Nam trong triển lãm “Bản diện kim cương bất hoại” những gương mặt đẹp, bền vững như kim cương, qua thời gian không thể hủy hoại của họa sỹ Đinh Quang Tỉnh đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Để cho ra đời được triển lãm này, ông đã phải đánh đổi bằng 10 năm lao động nghệ thuật cần mẫn.
Chân dung nghệ sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Ba Tỉnh

Giống như nhà văn viết tiểu thuyết

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) luôn quan niệm: “Họa sỹ vẽ tranh chân dung cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết về thân phận con người vậy”. Họa sỹ cũng phải thâm nhập vào đời sống của nhân vật mới hy vọng có thể lột tả được thần thái, tính cách riêng biệt của từng nghệ sĩ. Vì thế, phần lớn những gương mặt nghệ sĩ lớn trong triển lãm lần này đều là những người bạn của ông -những người bạn tri kỷ. Qua chén rượu thân tình, trong những cuộc đàm đạo văn nghệ, bên bàn nhậu lai rai, họ đã quen nhau rồi từ đó nảy sinh tình bằng hữu. Họ hiểu nhau và thân thuộc như người nhà. Điều này đã giúp Ba Tỉnh thể hiện các bức tranh chân dung. Khi thể hiện bằng màu dầu, ông đã mặc sức miêu tả trạng thái nhân vật, trực tiếp hoặc ẩn dụ, bay bổng phóng khoáng, hoặc trầm lắng suy tư. ông có thể vẽ chi tiết từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn con người.

Ngay tại phòng triển lãm, cạnh những bức tranh chân dung của các cố nghệ sĩ như nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, người ta lại thấy một cái bàn thờ nhỏ trên đó để một bình rượu nhỏ nút lá chuối, vài ba cái chén như chút lòng thành của ông tưởng nhớ đến những cây đại thụ trong làng văn nghệ Việt Nam đã khuất. Hoặc cũng có lẽ ông làm như thế vì ông muốn những người bạn của ông như đang ngồi trước ông, cùng ông đàm đạo, cùng ông nâng chén…

Ba Tỉnh đã vẽ những nhân vật của mình bằng tình cảm trân trọng, tấm lòng yêu mến đối với các nghệ sĩ lớn. Đã biết bao lần, ông đã phải tự tay bỏ đi những bức tranh không đạt. Bởi ông luôn theo một nguyên tắc, vẽ chân dung điều quan trọng nhất là phải giống. Và ông còn nhớ mãi một lần đem tặng bức tranh chân dung của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đang hý hửng muốn đem lại cho ông bạn một niềm vui bất ngờ thì ông lại chưng hửng, xấu hổ khi nhà thơ chỉ khen tranh đẹp ở cái nền và khung. Về ngẫm nghĩ lại, ông thấy để thể hiện được cái thần thái của Nguyễn Trọng Tạo thật khó.

Nhưng một vài lần đi uống rượu với bạn, Ba Tỉnh nhận thấy gương mặt bạn sẽ toát lên được cái hồn nhất là khi mái tóc xoăn lòa xòa trên đầu, để lộ vầng trán rộng và đôi mắt sáng cương nghị. Và không mất nhiều thời gian để ông hoàn thành lại tác phẩm này. Trong buổi khai mạc triển lãm, người ta thấy nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã đến chia vui cùng Ba Tỉnh. Còn họa sỹ Thành Chương, họa sỹ vẽ rất nhiều tranh chân dung đã bày tỏ lòng khâm phục đối với Ba Tỉnh có sức sáng tạo dồi dào khi hoàn thành được một số lượng lớn các tác phẩm như vậy. Được biết, họa sỹ Thành Chương cũng chính là người đầu tiên khuyến khích, ủng hộ Ba Tỉnh vẽ chân dung.

Ít vẽ về nữ nghệ sĩ vì… ngại

Điều đặc biệt, người ta thấy Ba Tỉnh có phần thiên vị các nam nghệ sĩ vì chỉ có 2 gương mặt nữ nghệ sĩ là nhà văn Lê Minh Khuê và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư góp mặt trong triển lãm lần này. Hỏi ra mới biết, đơn giản chỉ vì Ba Tỉnh ngại. Hay đúng hơn là ông rất ngại nhìn thẳng vào khuôn mặt phái đẹp. Đối với cánh mày râu, ông có thể nhâm nhi chén rượu rồi nhìn ngắm dung nhan thật kỹ.

Cách vẽ chân dung của ông không mấy cầu kỳ, phần nhiều ông vẽ trực tiếp nhân vật, theo trí nhớ, vẽ theo tài liệu ký họa hoặc theo ảnh. Tuy chưa một lần được gặp nhà văn Sơn Nam nhưng bức họa ông vẽ đã khiến cho gia đình nhà văn Sơn Nam phải giật mình về thần thái của nhân vật. Và con gái nhà văn Sơn Nam đã viết gửi tới ông thể hiện sự ngưỡng mộ đối với họa sĩ Ba Tỉnh: “Bức họa rất giống ba cháu từ đôi mắt, khóe miệng, sự khắc khổ và ánh mắt xa xăm trong bức tranh đã làm cho cháu thật xúc động vì đã thể hiện rất thật về con người của ba cháu. Cháu nghĩ, chỉ có sự kính mến và vô cùng yêu mến thì mới có thể vẽ lại được như vậy”.

Bằng cảm xúc chân thành và lao động nghệ thuật cần mẫn, những bức tranh ông đã thể hiện được nét tài hoa của họa sĩ và tấm lòng yêu mến của ông đối với các bậc văn nhân hiền tài đương đại mà ông quen biết và ngưỡng mộ.

Phạm Thu Hương

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.