Ba của Minh Đức (14 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai) đi công tác thường xuyên. Từ nhỏ, cháu chỉ quen được mẹ chăm sóc… Cách đây hai năm, ba Đức chuyển công tác về gần nhà để có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến gia đình. Nhưng, cũng từ đó, Minh Đức luôn so sánh mình với ba, cho rằng ba đã lấy hết thời gian của mẹ, làm mẹ không còn quan tâm nhiều đến mình như trước. Thậm chí, Đức còn tìm cách chống đối, không vâng lời ba, chỉ chịu nghe mẹ.
Theo TS giáo dục Nguyễn Minh Thức (Trường ĐH Sĩ quan Lục quân 2): Ở tuổi vị thành niên, trẻ thường suy nghĩ nông nổi, xúc cảm, tình cảm phát triển mạnh… Vì vậy, nếu trong gia đình, ba mẹ thường xuyên gần gũi để chia sẻ, giúp đỡ, động viên trẻ, các em sẽ cảm thấy được an toàn, nhưng cũng dễ hình thành tâm lý phân biệt, coi thường nếu ba mẹ ứng xử không khéo léo. Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ cũng thường gặp những đỗ vỡ, thất bại về tâm lý. Trong hoàn cảnh đó, có người che chở, giúp đỡ, các em sẽ vượt qua được, nhưng đồng thời cũng nảy sinh tâm lý tôn sùng những người đã từng che chở, bảo vệ mình, xem họ là thần tượng.
Luôn đồng hành cùng con trẻ
Theo các chuyên viên tâm lý, để giúp trẻ giữ vững trạng thái cân bằng tâm lý trong ứng xử, không vướng vào thái độ tôn sùng quá mức hay coi thường người lớn, các bậc phụ huynh cần chú ý các vấn đề sau:
Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm tâm lý của lứa tuổi vị thành niên, luôn đồng cảm, chia sẻ, giúp trẻ vượt qua những thất bại. Nên giải thích cho con trẻ về tình thương yêu của ba mẹ, có thể tình thương đó thể hiện khác nhau, người cha thường đối xử với con theo những nguyên tắc, đặt ra yêu cầu cao, trong khi người mẹ thường có những tình cảm gần gũi, hay động viên khích lệ, thường xuyên bên cạnh con.
Trong trường hợp con trẻ cảm thấy sự thiên lệch trong đối xử, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu, vì lý do nào đó, mà cha hoặc mẹ ít có điều kiện để chăm sóc con thường xuyên nhưng tình cảm dành cho con bao giờ cũng tốt nhất và không gì có thể so sánh bằng.
Khi trẻ cảm thấy cha không bằng thì người mẹ, với vai trò là người chia sẻ trực tiếp cần phân tích, giảng giải cho con hiểu về tình yêu thương của cha.
Lứa tuổi vị thành niên thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những cảm xúc, tình cảm, bị chi phối bởi đời sống tình cảm nhiều hơn lý trí. Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, động viên, để các em không cảm thấy thiếu thốn tình cảm.
Trong mọi trường hợp, cha mẹ luôn phải là tấm gương sáng, là hình mẫu để trẻ noi theo, luôn đối xử một cách công bằng để giúp trẻ phát triển nhân cách một cách hoàn thiện.
Nguyễn Văn Công – Giảng viên tâm lý học
(theo Phụ nữ)