Mỗi ngày, anh Nam sốt sắng hỏi vợ: “Em thèm ăn gì thì cứ bảo anh?” nhưng vợ anh toàn lắc đầu. Hiếm lắm, nàng mới bảo em “muốn thứ này, thứ kia”. Những lúc thế, anh Nam vừa mừng, vừa lo.
Thấy vợ nghén là Tuấn cười hềnh hệch vì “báo nói mẹ nghén con mới thông minh”.
Hễ đặt mình xuống ghế cơ quan, việc đầu tiên, anh Nam làm là nhắn tin hỏi vợ: “Em có buồn nôn hay thèm ăn gì không?”. Khi vợ đáp: “Em chẳng thấy gì” thì anh buồn so, nghe cậu đồng nghiệp than mệt vì chiều vợ nghén mà anh Nam phát … thèm.
Lúc mang thai đầu, vợ anh Nam không thấy có biểu hiện nghén. Sau mới biết là bị thai lưu. Hai lần tiếp theo cũng bị sảy nên vợ chồng anh nóng ruột chuyện có con. Đưa vợ đi siêu âm, dù bác sĩ bảo không vấn đề gì nhưng anh Nam vẫn lo. Theo anh, cứ phải thấy vợ nghén thì mới yên tâm.
Bỗng một tối, vợ chồng đang xem phim thì vợ anh Nam kêu “thèm ăn bánh bao” khiến anh “mừng húm”. Dù trời mùa đông lạnh, lại lắc rắc mưa phùn, anh vẫn để đầu trần, tìm “đặc sản” cho vợ. Lặn lội một hồi, mang được “thành quả” về cũng là lúc, vợ anh lắc đầu, than: “Em hết cơn thèm rồi”. Cuối cùng, anh Nam đành ngồi ăn bánh bao mà miệng vẫn không ngớt hỏi han: “Em có thèm gì khác, để anh mua”.
Mỗi ngày, anh Nam sốt sắng hỏi vợ: “Em thèm ăn gì thì cứ bảo anh?” nhưng vợ anh toàn lắc đầu. Hiếm lắm, nàng mới bảo em “muốn thứ này, thứ kia”. Những lúc thế, anh Nam vừa mừng, vừa lo. Mừng vì vợ nghén, nghĩa là em bé trong bụng vẫn khỏe mạnh. Còn lo vì sợ vợ anh đòi món “độc” thì anh biết tìm nơi nào.
Một lần, chuẩn bị tan giờ làm, đi đón vợ thì anh Nam nhận được “chỉ thị”: “Em thèm ăn chuối chín chấm cốm”. Anh nhăn nhó, gọi điện cho vợ, giải thích: “Em ơi, giờ là mùa đông, chuối thì sẵn chứ cốm thì lấy đâu ra”. Nhưng vợ anh dỗi: “Không biết, em thèm lắm”. Loanh quanh suy nghĩ một hồi, anh Nam cũng tìm ra phương án. Anh phóng xe một hồi rồi dừng ở cơ quan vợ, hớn hở: “Em xem này”. Nói xong, anh chìa cho vợ một nải chuối chín và 3 cái bánh cốm.
Chung tâm trạng mong vợ nghén như anh Nam là anh Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Lần đầu tiên, thấy vợ bưng bát phở lên miệng, mới húp được tý nước đã ôm miệng, chạy xồng xộc vào nhà vệ sinh là anh cười vui. Bố mẹ anh trách: “Ơ hay, thấy vợ nôn mà sao con vui thế?” thì anh cười, giải thích: “Mẹ nghén thì con mới thông minh, khỏe mạnh. Con đọc trên báo thế”. Sau đó, anh còn lấy dẫn chứng rằng, ngày xưa mẹ anh cũng vừa ăn vừa nôn nên sinh được một người đàn ông thành đạt là anh. Cho nên, bây giờ, anh Tuấn cũng mong vợ mình nghén, rồi sẽ sinh con thông minh như bố nó.
Khi thấy vợ đòi ăn: “Ổi xanh chấm muối”, anh Tuấn càng mừng hơn. Số là ngày xưa, lúc “bầu bí” anh, mẹ anh cũng thèm món đó. Thế nên, tranh thủ ngày cuối tuần, anh đi chợ, tự tay chọn từng quả ổi cho vợ. Tiếp đến, về nhà, anh phân chia số ổi thật hợp lý, vì sợ vợ ăn nhiều sẽ bị “táo”.
Theo nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi ở Toronto, Canada tin rằng ốm nghén còn có mối liên hệ với sự phát triển não bộ của trẻ. Họ đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên để tìm hiểu ảnh hưởng dài hạn của hiện tượng ốm nghén đến não của các em bé, và liên hệ với 121 phụ nữ từ giữa năm 1998 đến 2003.
Hai phần ba số phụ nữ này không ốm nghén, trong khi số còn lại có những triệu chứng như mệt mỏi, ói mửa và buồn nôn. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đo chỉ số IQ và thực hiện các test về hành vi trên những đứa con của họ khi chúng được 3 tuổi và 7 tuổi.
Nghiên cứu nhận thấy những đứa trẻ có mẹ ốm nghén thì có điểm IQ cao hơn. Các bé này cũng nói năng lưu loát hơn và thực hiện các bài toán đơn giản dễ dàng hơn.
Bà bầu thường hay buồn nôn vào buổi sáng sẽ sinh ra những đứa con có chỉ số thông minh cao hơn, nói năng trôi chảy hơn, âm vị chuẩn hơn và trí nhớ cũng tốt hơn.
Do vậy, không chỉ phụ nữ mong chờ phút giây làm mẹ, đàn ông cũng sốt ruột chờ được nghe tiếng con khóc. Thế nên, không ít anh chồng trở nên cưng chiều vợ trong thời gian này. Nếu biết tận dụng, người vợ có thể biến đây thành những cơ hội để “đào tạo” chồng đảm việc nhà và làm quen với chuyện chăm con sau này.
C.H – Tổng hợp
(Theo Mevabe&VnExpress)