Việc lạm dụng những lời “có cánh” với con trẻ, nhất là khi chúng chỉ hoàn thành những nhiệm vụ đơn giản, sẽ khiến trẻ không chú tâm vào việc học hành một cách hoàn chỉnh. Những lời khen không cần thiết cũng có thể khiến trẻ em không ý thức được rằng chúng cần phải làm việc chăm chỉ để đạt được thành tích thực sự.
Khảo sát ở các bậc phụ huynh cho thấy, đang có một xu hướng của cuộc sống hiện đại là thường xuyên khen trẻ thông minh và tài năng để thúc đẩy sự tự tin, giúp chúng đạt được thành công. Nhưng việc tán dương trẻ làm việc gì đó tốt ngay cả trước khi chúng bắt tay vào thực hiện có thể không đem lại kết quả như mong đợi, do trẻ em sẽ cho rằng chúng không cần nỗ lực nhiều cũng có thể làm được.
Khen trẻ quá nhiều sẽ có tác dụng không tốt.
Tác giả Ashley Merryman và Po Bronson đã phân tích 150 nghiên cứu của ĐH Stanford, California, Mỹ, cho thấy những sinh viên được tán dương quá mức sẽ trở nên thích chống đối, không nỗ lực và thiếu sáng tạo.
Trong một nghiên cứu khác ở 400 trẻ 9 tuổi, nếu nói với con trẻ câu “chắc chắn con sẽ làm tốt” trước kỳ thi, điểm số của chúng sẽ thấp hơn 20%. Đặc biệt, điểm số của những học sinh nữ giỏi sẽ thấp nếu được khen thông minh trước khi bước vào thi. Đó là do áp lực phải đạt được điểm cao.
Trong khi đó, ngày càng nhiều học giả Anh cho rằng, nền giáo dục đang suy yếu dần do chế độ “khen thưởng” giành cho mọi học sinh cũng như việc lạm dụng lời khen ở trường học.
Simon Brownhill, giảng viên ĐH Derby, cho rằng, khen thưởng cần tương ứng với những thành tích hợp lý và đạt được hơn mức bình thường. “Khen thưởng là hình thức để bạn phải nỗ lực làm việc để đạt tới. Nếu những việc làm bình thường nhưng vẫn được khen thưởng thì sẽ làm giảm giá trị của hình thức này”,Simon Brownhill nói.
Theo Phan Anh
Baodatviet/Mail Online