1. Con gái đi học về, phụng phịu:
- Mẹ ơi, con được có 6 điểm làm văn thôi.
- Chết, sao điểm thấp thế con?
- Tại cô giao bài “Hãy miêu tả mùi hoa hoàng lan”. Con thấy miêu tả cái bàn học còn khó, nữa là miêu tả mùi hoa hả mẹ. Mà cô không cho làm giống trong sách, con biết miêu tả thế nào.
2.
- Mẹ ơi, con bị điểm kém.
- Con không thuộc bài à?
- Không ạ. Hôm nay cô giáo giao bài tập làm văn miêu tả người bà em yêu quý. Tất cả các bạn con viết: “Bà em sống ở quê. Bà nhai trầu, môi đỏ thắm. Tóc bà bạc, răng bà móm mém” đều được điểm cao.
Nhưng con miêu tả bà ngoại nhà mình: “Bà em sống ở khu chung cư cao tầng, bà đi thang máy nhanh vèo vèo. Tóc bà không bạc trắng mà nhuộm đen. Bà còn làm cả tóc xoăn vì mẹ em bảo làm thế cho trẻ. Bà và mẹ em hay đi siêu thị mua sắm, ít khi đi chợ. Bà em không cười móm mém đâu. Môi bà cũng đánh son phớt hồng giống mẹ em”.
3.
- Mẹ ơi, hôm nay con lại bị điểm kém.
- Ôi, con gái mẹ sao hôm nào cũng điểm kém thế?
- Tại cô chứ. Cô giáo cho câu đố: “Hãy tìm con vật khác với những con còn lại trong tập hợp: con bò, con chim bồ câu, con gà, con vịt bầu.” Con trả lời là con chim. Vì con chim là con duy nhất có thể bay trên trời. Còn các con còn lại không bay được mẹ ạ.
Nhưng cô giáo bảo sai, phải chọn con bò. Cô bảo con bò là gia súc, các con khác là gia cầm. Con bò có 4 chân, còn các con khác chỉ có 2 chân.
Mẹ ơi, làm như con thế cũng đúng chứ, mẹ nhỉ?
Hãy khuyến khích bé sáng tạo trong học tập
Ôi, con gái mẹ đã học lớp 2 và nhiều lý sự quá. Có lúc, mẹ cũng không biết giải thích thế nào cho con hiểu. Nhưng đúng là, cách học ở Việt Nam, các cô giáo luôn luôn đúng và sách giáo khoa được coi là chuẩn mực.
Mẹ thấy ở nước ngoài, giáo viên rất khuyến khích học sinh phát biểu ý kiến của mình, kể cả ý kiến đó có sai so với đáp áp của sách giáo khoa hay của thầy cô. Miễn là học sinh đó có thể thuyết phục được người khác đồng ý với ý kiến của mình.
Đến đón con, mẹ thấy các con ngồi trong lớp quá trật tự và ngoan ngoãn. Các con đang trong độ tuổi hiếu động nhưng vẫn ngồi khoanh tay ngay ngắn lên bàn, mắt nhìn lên bục giảng. Khi cô hỏi, cả lớp đồng loạt giơ tay. Cô chỉ định ai thì bạn đó đứng lên lễ phép phát biểu.
Có đoàn kiểm tra, thanh tra nào về, các con cũng được chuẩn bị trước học gì, nói gì và làm gì trong buổi đó. Cũng chỉ một số ít lớp được lựa chọn để mời đoàn kiểm tra vào thôi con nhỉ. Điều này các con đã quá quen thuộc từ hồi học lớp 1 rồi nhỉ.
Dì Lan của con kể chuyện ở bên Mỹ, lớp học tiểu học tầm các con rất mất trật tự. Các bạn ngồi xoay ngang xoay dọc để bàn luận. Phát biểu rôm rả lắm, thậm chí còn “phản bác” ý kiến của cô giáo. Dì bảo: “Chính sự “lộn xộn” đó mới tạo nên sức sống của một lớp học”.
Đã kết thúc học kỳ I rồi, bước sang học kỳ II, mẹ không ước mong con sẽ có được một môi trường học tập “lộn xộn” như dì nói. Mẹ cũng chưa dám nghĩ đến việc ngành giáo dục sẽ cải tiến chương trình và phương pháp dạy học để giảm tải cho các con.
Mẹ chỉ muốn một điều duy nhất: “Con được tự do suy nghĩ, phát triển tư duy theo lập luận của con. Con sẽ yêu thích việc học tập của con. Mẹ không phải là quan tòa, hàng ngày phân xử, “phán xét” xem con làm bài tập thế có đúng hay không?”.
Mẹ bé Mun (Ngọc Khánh – Hà Nội)
(theo afamily)