ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Bí ẩn mối tình muộn của danh họa Trần Văn Cẩn : Bức họa cuối cùng dang dở
Thursday, March 25, 2010 16:48
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Họa sỹ Trần Văn Cẩn ra đi ở tuổi 84 mang theo tình yêu lớn lao với người vợ trẻ và hội họa. Bức tranh cuối cùng mà ông vẽ chính là chân dung người vợ -tình yêu duy nhất của ông, và bức tranh ấy còn dang dở…

Họa sỹ Trần Văn Cẩn để lại cho bà Trần Thị Hồng hơn 1.000 bức tranh. Gia tài nghệ thuật của ông bao năm qua vẫn được người bạn đời của ông gìn giữ như những kỷ vật tình yêu. Tuy nhiên, tâm nguyện muốn làm một bảo tàng nhỏ để trưng bày những tác phẩm đó cho người dân có cơ hội chiêm ngưỡng, suốt 16 năm qua vẫn chưa thành. Nỗi day dứt của người ở lại với người ra đi còn nhói đau mỗi lần nhắc tới.
Bí ẩn mối tình muộn của danh họa Trần Văn Cẩn : Bức họa cuối cùng dang dở - Tin180.com (Ảnh 1)

Họa sĩ Trần Văn Cẩn những ngày cuối đời.

Vượt qua bệnh tật để yêu và vẽ

23 năm có nhau trong cuộc đời, tuy chưa dài nhưng cả họa sỹ Cẩn và bà Hồng đều mãn nguyện, bởi họ đã mang hết cho nhau tình yêu và hạnh phúc. Ngày họa sỹ Cẩn sắp rời bỏ thế gian, cứ mỗi lần nhìn thấy người vợ trẻ là nước mắt ông lại ứa ra. Lúc này vì quá yếu nên ông đã không còn nói được, nhưng từ ánh mắt, từ những lần máy môi… bà Hồng biết rõ ông đang hết sức lo lắng cho bà. Ông lo sợ khi ông mất đi bà sẽ không còn ai thân thuộc trên đời này nữa. Bà sẽ lại sống cô độc, lầm lũi như ông từng sống. Đó là điều vò xé trái tim ông mà ông ra đi chẳng đành.
Bà Hồng cho biết, họa sỹ Cẩn bắt đầu yếu dần từ năm 1990, lúc ấy ông đã bước qua tuổi 80 nhưng ông vẫn rất hăng say sáng tác. Do chân tay run rẩy, đi lại không vững nên mọi hoạt động của ông bó gọn trong căn phòng nhỏ của khu tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Bà cố tạo điều kiện cho ông vẽ bằng cách tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngoài giờ dạy (sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành điêu khắc, hệ sơ trung, bà Hồng được đặc cách lên học tiếp đại học và sau đó được giữ lại làm giảng viên của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội cho đến khi về hưu – PV) bà tìm kiếm các dụng cụ vẽ để ông nằm trên giường bệnh mà vẫn vẽ được.
Trong những trang nhật kí cuối cùng của cuộc đời, ông đã viết: “1991. Không phải lúc này mới bắt đầu vẽ natyren (vẽ tĩnh vật), nhớ lại trong cuộc đời đã vẽ và làm nhiều thể loại nhưng rất ít khi vẽ dạng này… Do hoàn cảnh tê liệt nên buộc phải vẽ tĩnh tại là chủ yếu. Nhờ có cô bạn điêu khắc (Hồng) khuyên khi ốm nên làm những việc nhẹ nhàng. Cô giúp đỡ tìm bút kết hợp với sơn dầu, màu, giá vẽ, bút màu, lên ballet (dụng cụ pha màu – PV)… nên gắng vẽ thuận tiện. Cô Hồng lại say vui thờ Phật, lập một bàn thờ để cho mình cố đem một chi tiết Phật A Di Đà, Phật Tích vào tác phẩm, do đó cứ một tuần vài lần, hàng tháng đều đặn phải tìm ra hoa về cúng… Ráng ngồi nhưng không được lâu, đau thì lại phải nghỉ nhưng càng được vẽ càng thấy hào hứng, những mẫu vẽ thơm mùi hoa hồng nhung, hồng bích… cứ cuốn mình vào từng nét vẽ…”.
Thời điểm này đã có lúc ông bị cảm thương hàn rất nặng, tưởng chừng như khó lòng qua khỏi nhưng ông vẫn cố gắng chống chọi với bệnh tật để tiếp tục sống. Sức mạnh tình yêu như một thứ thuốc nhiệm mầu giúp ông “kháng” lại được bệnh tật để cùng bà sống tiếp những ngày hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà mặc dù nằm trên giường bệnh, nhưng thời gian này ông đã vẽ được những 11 bức tranh tĩnh vật và một bức ký họa chân dung người vợ mà ông vô cùng yêu quý. Chỉ tiếc khi bức ký họa còn những đường nét cuối cùng thì ông lại ra đi. Tâm nguyện cuối cùng, muốn dành tặng cho người bạn đời tri kỷ một bức vẽ “yêu thương” đã không thành.
Bí ẩn mối tình muộn của danh họa Trần Văn Cẩn : Bức họa cuối cùng dang dở - Tin180.com (Ảnh 2)

Bà Hồng không rời họa sĩ Trần Văn Cẩn nửa bước kể từ khi ông ngã bệnh.

Bà Hồng kể, họa sỹ Cẩn ra đi rất nhanh. Ông chỉ ốm sơ sơ mấy ngày, thấy bụng ông ngày càng chướng to, bà vội vàng đưa vào viện thì bác sỹ kết luận bị viêm bể cầu thận, không thể mổ được vì tuổi tác của ông đã cao. Rồi mấy ngày sau đó ông mất.
Ông trút hơi thở cuối cùng vào 6h50 sáng 31/7/1994 tại Bệnh viện Việt Xô bên người tình duy nhất của cuộc đời ông. Tờ lịch hôm đó bà Hồng xé xuống vẫn giữ phẳng phiu trong chiếc hộp giấy cất giữ những kỷ vật của người chồng quá cố, trên đó ghi rằng: “Sáng mưa, trưa nắng, chiều nồm/ Trời còn luân chuyển huống mồm thế gian”.

Nỗi day dứt của người ở lại

Trước khi nhắm mắt, họa sỹ Trần Văn Cẩn đã kịp để lại di chúc tặng toàn bộ gia tài nghệ thuật của mình cho người bạn đời duy nhất của ông: “Xin cô Trần Thị Hồng nhận lấy gia tài hội họa của tôi như một chút quà mọn”. Gia tài hội họa của ông là hơn 1.000 bức tranh do chính tay ông vẽ với nhiều thể loại tranh khác nhau. Đó là thứ tài sản duy nhất cuộc đời của một người họa sỹ nghèo. Ông tặng lại cho bà xem như “một chút quà mọn” thay cho lời cám ơn bà. Cám ơn những hạnh phúc muộn màng bà đã mang đến cho ông trong cuộc đời, những hạnh phúc hiếm hoi mà ông chưa bao giờ nghĩ đến.
Số tranh ấy cho đến bây giờ bà Hồng vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn trong căn nhà bà đang sống. Nhiều người thấy bà Hồng sống đạm bạc đã khuyên bà bán đi một số bức tranh để sửa sang nhà cửa, trang trải cuộc sống nhưng nhất định bà không chịu bán. Dắt chúng tôi đến bên chồng tranh được gấp xếp lên nhau cẩn thận, ngay trung tâm phòng khách của căn hộ tập thể chưa đầy 10m2 bà đang sống, bà Hồng nấc nghẹn, xót xa: “Đây là toàn bộ gia tài nghệ thuật mà chồng tôi – họa sỹ Trần Văn Cẩn để lại. Đã 16 năm, kể từ lúc ông ra đi đến nay những tác phẩm nghệ thuật này phải chịu số phận đắng cay là nằm ủ rũ dưới tấm ni lông che tạm bởi mái nhà đã xuống cấp, chỉ cần mưa to nước thấm từ mái nhà xuống rất nhiều. Tôi muốn làm cho ông Cẩn một bảo tàng nhỏ để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật này lên cho công chúng gần xa có cơ hội tiếp xúc với tranh ông, nhưng do một mình, không có tiền, không có đất nên lực bất tòng tâm… Tôi từng đi gõ cửa rất nhiều nơi để nhờ họ giúp đỡ nhưng ai cũng hứa hẹn rồi lại bặt tăm.
Nhiều người khuyên tôi nên bán đi một số bức tranh để có tiền thực hiện tâm nguyện của mình nhưng tôi tiếc lắm. Tôi giữ gìn và bảo bọc những tác phẩm đó đến giờ phút này nghĩa là xem chúng như những đứa con tinh thần không thể nào rời xa chúng được. Cho đến bây giờ lòng tôi day dứt khôn nguôi. Đã bao nhiêu năm rồi tôi vẫn chưa làm được gì cho chồng tôi… Năm nay vừa tròn 100 năm ngày sinh của ông, chắc là tôi sẽ phải đưa tranh ông về một tỉnh nào đó, nơi đó người ta chấp nhận mình. Tôi sẵn sàng mang nghệ thuật đến nơi đó gầy dựng để nó không bị lãng quên, không phải xếp xó một cách phí phạm như thế này…”.
Bí ẩn mối tình muộn của danh họa Trần Văn Cẩn : Bức họa cuối cùng dang dở - Tin180.com (Ảnh 3)

Bà Hồng bên mộ họa sĩ Trần Văn Cẩn.

Giờ đây, trên căn hộ tập thể bà Hồng vẫn sống đơn độc một mình với hai chú mèo con. Thi thoảng bà vẫn vẽ tranh, nặn tượng… như để sống lại ký ức của những ngày còn có ông. Ngoài ra, bà cũng tham gia một số công tác xã hội như Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, ủy viên BCH Hội VHNT Hà Nội.
Bà Hồng cho hay, bà tham gia công tác xã hội là để công việc cuốn bà đi cho bà bớt nhớ thương ông. Tuy nhiên, dù bận việc đến đâu thì đều đặn mỗi tháng một lần bà lại ra thăm mộ họa sỹ Cẩn. Mỗi lần ra mộ bà thường ngồi trò chuyện với ông hàng tiếng đồng hồ mới đứng dậy ra về. Mới đây, bà đã cố gắng dành dụm được một số tiền và xây lại mộ cho ông rất đẹp. Chỉ buồn một nỗi, sau những khi rảnh việc sự cô đơn lại kéo dài lê thê, mênh mang khiến cho bà cảm thấy như khó lòng sống tiếp những ngày còn lại khi không có ông bên mình.
Hà Tùng Long
(theo giadinh)

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.