Quần áo thay ra, có móc không treo mà anh đương nhiên chất lên thành ghế. Áo cộc, áo sơmi, quần âu hay quần đùi chất thành một đống, có rơi xuống đất, anh cũng chẳng buồn nhặt. Thậm chí, mỗi lần muốn tìm quần áo bẩn của chồng để giặt, Hường toàn phải kiểm tra bằng… mũi.
Có hôm về muộn, Hường nhờ chồng cắm hộ nồi cơm thì anh làm thinh, vờ như không nghe thấy. Hường nhắc lại yêu cầu, chồng mới miễn cưỡng đứng dậy. Vừa làm lại vừa nhăn nhó: “Có mỗi việc nấu cơm cũng không xong”. Sau đó, thấy cái phích cắm lỏng, nút “cook” trên nồi cơm chưa bật sáng, Hường bảo thì chồng dửng dưng nói: “Cắm cơm hộ cho là tốt rồi, còn đòi hỏi”.
Nghén thì ăn tạm bánh mỳ
Cũng thương chồng phải nương nhờ nhà vợ, Tuyến (Từ Liêm, Hà Nội) chiều chồng đến sinh hư. Tuyến nghĩ, đàn ông ở rể, tính tự ái rất cao, không cẩn thận sẽ làm anh xã tổn thương, rồi sinh ra bất mãn. Vì thế, Tuyến tự nguyện làm hết việc nhà. Bố mẹ đẻ của cô hiền lành, dễ tính, cũng ngại làm khó con rể nên không ý kiến hoặc sai bảo điều gì.
Chỉ vài tháng sau, anh chồng lười của Tuyến còn kéo theo tính vô tâm, vô trách nhiệm. Chẳng bao giờ anh cầm cái chổi quét nhà lấy một lần. Nếu Tuyến có nhờ thì chồng “ậm ừ” rồi leo thẳng lên phòng riêng, vùi mình vào game.
Một lần, cả nhà đi vắng, Tuyến nghén, sợ mùi dầu mỡ, dặn chồng nấu cơm hộ. Nhưng chồng vẫn chỉ biết có “em game”. Đến bữa, Tuyến được chồng quẳng cho cái bánh mỳ và hộp sữa, coi như xong việc. Ức chồng, Tuyến ngồi khóc, cả buổi lặng thinh nhưng chồng cũng không một lời hỏi han.
Nhiều người vợ thương cảnh chồng ở rể nên tự nguyện chiều chuộng chồng. Hơn nữa, bố mẹ vợ vẫn còn xem trọng quan niệm “dâu con – rể khách” nên càng tạo mảnh đất màu mỡ cho tính lười, vô trách nhiệm ở chồng.
Người vợ sai lầm khi cho rằng yêu thương, chiều chồng sẽ được chồng ghi nhớ, đền đáp, vô hình tạo nên thói quen hưởng thụ cho đối phương. Mỗi ngày qua đi, người được cho càng muốn nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn trong khi “người cho” mệt mỏi và stress. Đến một giới hạn nào đó, người vợ nhận thấy việc chiều chồng chẳng khác gì con dao hai lưỡi nên quyết tâm cải tổ. Thay đổi chồng khó 1 thì thay đổi chồng lười khó 10. Có khi, người vợ còn nhận được sự ghẻ lạnh, bất mãn của chồng. Vợ cứ làm căng ra hoặc dài cổ chờ đợi mà chồng chẳng có chút mảy may tiến bộ.
Thương chồng là tốt nhưng quan trọng là cần biết thương lấy mình. Muốn cải tạo chồng, trước hết phải cải tạo tư tưởng của chính người vợ. Đó cũng là cách để người vợ có giá trị trong mắt chồng, được chồng coi trọng và thương yêu. Nếu đã kết hôn thì dù ở hoàn cảnh nào, vợ chồng cũng cần được bình đẳng và chia sẻ. Dù thương chồng ở rể đến mấy, cũng tránh đền bù bằng cách chiều chuộng mọi sở thích của chồng. Hãy để chồng thấy có trách nhiệm trước tiên là với vợ, sau đó là đến nhà vợ.
Tất nhiên, ở vào hoàn cảnh này, đòi hỏi người vợ cần khéo léo ngay từ đầu. Làm sao để tạo cho chồng thói quen làm việc gì đó, dù là nhỏ nhặt trong nhà. Không hình thành cho chồng tâm lý đang ở nhờ, ở trọ, muốn làm gì thì làm, không thì thôi. Hai vợ chồng cùng thỏa thuận thời gian cùng đi làm, cùng ăn, cùng ngủ và cùng làm việc nhà. Bởi lẽ, nếu chồng phải quét nhà, nhặt rau một mình ở trong chính nhà vợ thì sẽ ngại hoặc cáu giận. Nếu hai vợ chồng cùng làm thì vừa vui vẻ vừa tình cảm.
Cũng đừng nghĩ có tiền, thuê người giúp việc để cả hai cùng nhàn. Lôi kéo chồng làm việc nhà sẽ xây dựng được tính có trách nhiệm, biết chia sẻ và cảm thông của chồng dành cho vợ. Thói quen tốt hình thành ý thức tốt. Đó là chất keo để kết dính tình cảm vợ chồng.
(Theo Mẹ và bé)