Gốm Thanh Hà: Hồn quê trong đất
Tuesday, March 16, 2010 19:41
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Sản phẩm đã phơi nắng. |
Làng nghề gốm Thanh Hà trên 500 tuổi, vẫn còn lưu giữ cách thức làm gốm thủ công: Sử dụng bàn xoay bằng gỗ truyền thống và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân để biến những cục đất “khô khốc” trở thành những sản phẩm gốm đặc sắc, tinh xảo.
Tương truyền, vào thế kỷ XVI, XVII, những người thợ thủ công từ Nghệ An, Thanh Hoá vào Thanh Hà (Quảng Nam) lập làng, xây dựng nên nghề gốm và truyền lại cho đến ngày nay. Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng. Trải qua những giai đoạn thăng trầm theo thời gian và lịch sử, làng gốm dường như có lúc bị lãng quên. Thế nhưng, với tâm huyết của những bậc cao niên, tiền bối trong làng, gốm Thanh Hà lại dần dần được phục hồi trong sự phát triển kinh tế và văn hóa du lịch của phố cổ Hội An. Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện của những nghệ nhân trong làng, những sản phẩm từ đất nung như bình vôi, bùng binh, bình rượu, những chiếc ấm, chum, vại và cả những con vật gần gũi, thân thương hàng ngày như “lục súc tranh công” cũng ra lò từ đó.
Làng hiện có khoảng 25 hộ sản xuất gốm với trên 100 lao động, hàng năm sản xuất khoảng 400 ngàn sản phẩm, doanh thu hơn 600 triệu đồng. Chị Hoàng Thị Năm, tại tổ 25, khối 5, phường Thanh Hà cho biết: “Làm nghề gốm rất vất vả mà thu nhập chẳng được là bao, do sản phẩm chủ yếu bán cho khách du lịch. Một ngày làm cật lực cũng chỉ được trên dưới 35.000 đồng/người.
Nguyên liệu làm gốm là đất sét, người trong làng phải lên huyện Điện Bàn mua với giá 200 nghìn đồng/ghe. Sau đó, mang về ủ đất để giữ độ ẩm, trước khi tạo ra sản phẩm phải nhồi, đánh cho đất “chín” rồi mới mang ra nặn. Để có được những sản phẩm tinh xảo, mỹ thuật đòi hỏi đất phải mịn, phải lọc đất 2 – 3 lần để loại bỏ tạp chất. Sau khi nặn thành sản phẩm, phải mang ra phơi nắng một ngày rồi “làm nguội” để tạo ra những hoa văn, hoạ tiết hoặc tạo những chi tiết tinh xảo, sơn vẽ lên sản phẩm, cuối cùng mới đưa vào lò nung khoảng 24 tiếng. Hiện, nghệ nhân cao tuổi nhất trong làng vẫn còn giữ nghề là bà Nguyễn Thị Được (85 tuổi). Bà là một trong những nghệ nhân giỏi nhất làng. Chị Nguyễn Thị Vân, cháu nội của bà Phú cho hay, bà làm nghề từ khi mới 13 tuổi, cả làng Thanh Hà hết thế hệ này tới thế hệ khác đều là học trò của bà. Cho đến bây giờ, bà Phú vẫn đam mê với nghề truyền thống của gia đình.
Đến làng gốm Thanh Hà, du khách không chỉ được tham quan làng nghề, tìm hiểu các công đoạn sản xuất để tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống mà họ còn có thể mua tại chỗ các sản phẩm mình ưa thích với giá “mềm”. Điều đặc biệt, du khách còn được các “nghệ nhân” hướng dẫn tự tay “sáng tác” các sản phẩm theo óc tưởng tượng của mình. Chính vì vậy, làng gốm Thanh Hà vẫn là một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo khách ghé thăm mỗi khi đến phố cổ Hội An.
Được biết, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà – Hội An, Quảng Nam. Theo đó, chủ Giấy chứng nhận là Hiệp hội Sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ Hội An. Nhãn hiệu gốm này được thiết kế trên nền vuông, bên trong là hình bình gốm tạo thành từ hai chữ T và H cách điệu, viết tắt của từ Thanh Hà. Nhãn hiệu có màu sắc trắng, đỏ; phía trên có chữ GỐM THANH HÀ, dưới là chữ HỘI AN.
(theo hoapham108)